HSBC nắm cổ phần trong quân đoàn Tân Cương, nghị sĩ Anh kêu gọi trừng phạt
- Thành Dung
- •
Ngân hàng HSBC nắm giữ số cổ phần trị giá hàng triệu bảng Anh trong Tập đoàn Tân Cương Tianye (Thiên Nghiệp), một công ty con của tổ chức bán quân sự của Trung Quốc. Tổ chức này đang chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Tờ The Times cho biết, năm ngoái HSBC, ngân hàng lớn nhất nước Anh, đã mua 2,2 triệu bảng Anh cổ phần ở Tân Cương Tianye (Thiên Nghiệp) cho một khách hàng giấu tên, và tiếp tục đóng vai trò người bảo quản, nghĩa là HSBC có thể kiếm lợi nhuận bằng cách nắm giữ cổ phiếu này.
Tập đoàn Tân Cương Tianye là một công ty chất dẻo và hóa chất tự xưng là “Sư đoàn thứ 8 của Quân đoàn”, một doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC).
XPCC là một tổ chức bán quân sự rộng lớn thường được mô tả là “quốc gia trong một quốc gia” của Tân Cương, kiểm soát nhiều công ty con được niêm yết, gồm cả Tập đoàn Tân Cương Tianye được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.
Một trong những trách nhiệm chính của tổ chức này là giám sát, giam giữ hàng loạt và cưỡng bức lao động hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương. Theo nghiên cứu học thuật, XPCC đã trực tiếp tham gia nhiều vụ xâm phạm nhân quyền gồm việc chuyển dịch dân số lao động cưỡng bức vào bên trong.
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tổ chức bán quân sự này vào năm 2020 theo “Đạo luật Magnitsky Toàn cầu”, và gọi đây là hành vi “vi phạm nghiêm trọng quyền của người thiểu số.” Dưới chính quyền Joe Biden, XPCC đang phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa. Chính quyền Biden gọi là môi trường thuận lợi của các sản phẩm lao động nô lệ.
Bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào, kể cả những người làm việc cho các công ty nước ngoài như HSBC có trụ sở tại London, đều bị cấm tham gia vào các giao dịch hoặc dịch vụ liên quan đến Binh đoàn này.
HSBC trước đây cho biết họ sẽ tuân thủ “Luật An ninh Quốc gia” đang gây tranh cãi ở Hồng Kông, luật này mang lại cho Trung Quốc các quyền rộng rãi đối với Hồng Kông. HSBC tin rằng họ đã tuân thủ tất cả các quy định và biện pháp trừng phạt có liên quan. Nhưng các nhóm nhân quyền của Anh ngày càng lo ngại về mối quan hệ giữa HSBC với Chính phủ Trung Quốc.
Công ty này từ chối bình luận khi được hỏi liệu có bất kỳ nhân viên Hoa Kỳ nào biết hoặc liên quan đến việc mua lại hay không. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết việc tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch như vậy là “ví dụ khác về việc một công ty vì lợi nhuận mà nhắm mắt làm ngơ trước nạn diệt chủng và chế độ nô lệ hiện đại.”
Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith cho biết: “Dự án Kow-Tow (Khấu đầu) vẫn tồn tại ở một số công ty ở Anh, hơn nữa còn hoạt động tốt. Xét cho cùng, HSBC dường như ngày càng có xu hướng chung số phận với chính phủ độc tài Trung Quốc.”
Tờ City A.M. của London đã tiết lộ rằng ngài Iain Duncan Smith và một số nghị sĩ khác sẽ viết thư cho Bộ Tài chính yêu cầu họ có hành động chống lại HSBC.
Bộ trưởng Thương mại Kwasi Kwarteng phát biểu về vấn đề này tại Quốc hội vào ngày 11/1, cho biết: “Bộ Tài chính có quyền sở hữu trực tiếp mối quan hệ này và đây là điều mà tôi đang thảo luận với Bộ trưởng Tài chính.”
Ngài Iain Duncan Smith nói với City A.M. rằng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak lẽ ra phải nói với HSBC rằng họ phải bán cổ phiếu nắm giữ cho các khách hàng ẩn danh và xử phạt họ nếu họ từ chối.
Ông nói: “Chúng ta đã gặp vấn đề nghiêm trọng với HSBC và tôi nghĩ hành vi của họ là rất tệ. Họ đã vi phạm các quy tắc của chế độ nô lệ hiện đại, và họ cũng vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.”
HSBC được thành lập cách đây 156 năm, tiền thân là Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải. Năm 1993, HSBC chuyển trụ sở chính từ Hồng Kông đến London. Bốn năm sau, Vương quốc Anh trao trả thuộc địa Hồng Kông cho Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, công ty này đã chuyển trọng tâm trở lại Hồng Kông, nơi tạo ra hơn một nửa lợi nhuận của họ.
Năm ngoái, sau khi HSBC tuyên bố sẽ tuân thủ “Đạo luật An ninh Quốc gia (ĐCSTQ)”, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ, ông Dominic Raab, đã lên tiếng khiển trách rằng quyền của người dân Hồng Kông không nên bị “hy sinh trên đàn tế tiền thưởng của các ngân hàng.”
Trong một báo cáo được công bố năm 2021, Đại học Sheffield Hallam cho biết các tài liệu từ Tân Cương Tianye cho thấy “gồm cả việc chuyển giao lao động và đào tạo nghề, công ty này còn liên quan đến một loạt các dự án xóa đói giảm nghèo” – Đây là một cách nói khỏa lấp chỉ sự đàn áp Người Duy Ngô Nhĩ.
HSBC cho biết họ chỉ nắm giữ cổ phiếu của một khách hàng, được giao dịch thông qua “Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông”. Những người tham gia vào hệ thống này phải tuân thủ các quy tắc “Hệ thống thanh toán bù trừ trung tâm” của Hồng Kông.
Thành Dung / Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tân Cương HSBC đàn áp người Duy Ngô Nhĩ