Huawei và ZTE giảm tốc triển khai 5G tại Trung Quốc sau các lệnh cấm từ Mỹ
- Ngân Hà
- •
Theo Nikkei Asian Review, Huawei Technologies và ZTE, hai nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, đã giảm tốc độ việc lắp đặt các trạm 5G của họ tại nước này. Đây là một tín hiệu cho thấy những nỗ lực ngày càng tăng của Washington nhằm kiềm chế các tham vọng công nghệ của Bắc Kinh đang phát huy tác dụng.
Nhiều nguồn tin cho biết cả Huawei và ZTE đều yêu cầu một số nhà cung cấp giảm chậm lại việc giao hàng một số sản phẩm liên quan đến trạm 5G trong tháng 6 để hai hãng này có thể thiết kế lại sản phẩm và thay đổi thiết bị nhằm loại bỏ các linh kiện của Mỹ càng nhiều càng tốt. Đây là một phần trong nỗ lực “phi Mỹ hóa” của Trung Quốc sau khi chính quyền TT Trump thắt chặt việc kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei.
Động thái của hai nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc cũng trùng hợp với quan điểm cẩn trọng của các nhà mạng Trung Quốc về việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G trong bối cảnh không có sự chắc chắn về lợi nhuận bất chấp sự thổi phồng của chính quyền nhà nước.
Giám đốc điều hành của một công ty cung cấp linh kiện và phụ tùng của ZTE đã tiết lộ với Nikkei rằng ZTE yêu cầu họ giảm tốc độ giao các lô hàng trong tháng 6, và việc giao các lô hàng trong tháng 7 gần như hoàn toàn dừng lại. Công ty này cũng cho biết ZTE đã thay đổi rất nhiều về thiết kế sản phẩm và hiện tại họ chưa biết chính xác khi nào sẽ được giao hàng bình thường trở lại.
Một công ty cung cấp linh kiện và phụ tùng của Huawei thì nói với Nikkei rằng Huawei đã thay đổi một số thiết kế và thay thế thiết bị được dùng trong quá trình sản xuất, điều này đã làm chậm việc lắp đặt các trạm 5G. Ngoài ra, các nhà cung cấp của Huawei cũng phải đối mặt với việc hãng này cắt giảm đơn hàng sau khi đã tăng mạnh dự trữ hàng tồn kho trong nửa đầu năm nay.
Quyết định của Hoa Kỳ hôm thứ 2 (17/8) về việc mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm loại bỏ Huawei ra khỏi chuỗi cung ứng có thể làm chậm thêm việc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của Huawei, đồng thời khiến gã khổng lồ công nghệ này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mua các chip và linh kiện tiêu chuẩn từ các công ty không phải của Mỹ.
Huawei đã dự trữ các linh kiện quan trọng trong năm nay, đặc biệt là cho việc kinh doanh thiết bị viễn thông. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin trong giới cung cấp của Huawei cho biết họ cảm thấy nhu cầu dự trữ hàng tồn kho không tăng mạnh như nửa đầu năm nay, ngay cả khi Washington đang gia tăng siết chặt tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.
Ngoài ra, nạn lũ lụt nghiêm trọng ở hàng chục tỉnh thành tại Trung Quốc trong hai tháng qua cũng góp phần làm chậm việc lắp đặt trạm 5G.
> Mỹ cắt đứt “đường sống” của Huawei với lệnh cấm mới nhất
Mạng viễn thông 5G đã trở thành chiến trường chính giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Công nghệ này có thể giúp phát triển các công nghệ tương lai như xe hơi không người lái, máy bay không người lái, cửa hàng không có người bán và tư vấn y tế từ xa.
Trong khi việc lắp đặt cơ sở hạ tầng 5G là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và là phần quan trọng của “Sáng kiến Cơ sở hạ tầng Mới” nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch, các nhà mạng viễn thông thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nhưng được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông – những khách hàng chính của Huawei và ZTE – vẫn rất thận trọng trong cách tiếp cận đầu tư vào mạng 5G.
Huawei và ZTE chịu trách nhiệm phần lớn việc phát triển mạng 5G tại Trung Quốc trong năm nay khi họ đã giành hầu hết các đơn hàng xây dựng các trạm 5G cho China Mobile, China Unicom và China Telecom, ba nhà mạng chính của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả 3 công ty này hiện đều đang thận trọng trước các dự định chi tiêu của mình.
China Mobile, nhà mạng lớn nhất thế giới về số thuê bao di động cho biết họ cần cân nhắc giữa chi phí đầu tư mạng 5G và lợi nhuận của cổ đông bởi vì các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc chịu áp lực trực tiếp từ chính phủ trong việc kiểm tra thuế quan trong những năm qua.
Ý thức tiết kiệm nhìn thấy rõ ràng hơn ở hai nhà mạng còn lại. China Unicom và China Telecom đã tham gia cùng nhau chia sẻ gánh nặng đầu tư 5G thông qua khuôn khổ “cùng xây dựng, cùng chia sẻ”.
Ông Wang Xiaochu, chủ tịch China Unicom, đã tiết lộ trong một cuộc gọi hội nghị trực tuyến hôm 12/8 rằng liên minh của họ với China Telecom đã tiết kiệm được hơn 40 tỷ nhân dân tệ chi phí đầu tư (capex) cho cả hai trong năm qua, trong đó tiết kiệm nhất ở việc cắt giảm các chi phí hoạt động như chi phí sử dụng tháp, chi phí bảo trì mạng và các chi phí tiện ích khác.
Thái độ thận trọng của ba nhà mạng lớn của Trung Quốc được phản ánh rõ qua China Tower, một công ty xây dựng tháp viễn thông do ba công ty cùng đầu tư và được niêm yết tại Hồng Kông. Doanh thu của tháp trong sáu tháng đầu năm đã tăng 1.6% so với năm ngoài, mặc dù điều này được cho là vì đây là năm mở đầu của việc xây dựng mạng 5G tại Trung Quốc.
“Mặc dù việc xây dựng mạng 5G dường như đã tăng tốc, nhưng kỳ vọng của thị trường đối với hiệu quả của công ty China Tower đã không thành hiện thực chủ yếu bởi vì các công ty viễn thông đều đang muốn tiết kiệm chi phí,” ông Edison Lee, nhà phân tích lĩnh vực viễn thông của Jefferies Hong Kong, cho biết.
Chủ tịch Wang của China Unicom cho biết họ đang chờ đợi thời cơ chín muồi hơn để tiếp tục quảng bá rộng rãi các dịch vụ 5G.
Chủ tịch Yang của China Mobile trước đó đã chỉ ra rằng vấn đề chip của Huawei chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển của công ty cả về mạng viễn thông, mạng 5G và thiết bị di động.
Tuy vậy, ông Chiu Shih-fang, nhà phân tích công nghệ kỳ cựu của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho rằng mặc dù các hãng công nghệ Trung Quốc đang phải thực hiện một số điều chỉnh nhằm đối phó với các rủi ro địa chính trị đang tăng lên, nhưng sự chậm lại được dự kiến chỉ là tạm thời bởi cơ sở hạ tầng 5G là tham vọng chủ yếu của Bắc Kinh trong năm nay. Do đó, các nhà mạng và các nhà cung cấp thiết bị phải làm việc hết sức để đạt được mục tiêu này.
Ngân Hà (theo Nikkei)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung ZTE Dòng sự kiện Mỹ cấm Huawei huawei 5G mạng 5G ở Trung Quốc