Tháng Mười năm ngoái tại một diễn đàn ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ đưa Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo vào năm 2020. Thời điểm đó Trung Quốc đang có khoảng 70 triệu người có thu nhập dưới 1 đôla/ngày.

(Ảnh: caixin.com)
(Ảnh: caixin.com)

Gần một năm trôi qua, kế hoạch đầy tham vọng này đã phải đối mặt với nhiều thử thách. Nhiều quan chức được cử đến các tỉnh cần hỗ trợ bị phát hiện vừa lười và tham nhũng.

Trong cáo cáo ngày 16/8, tờ Youth Daily của nhà nước đã nêu ví dụ về Vân Nam, một tỉnh thuộc tuyến chống đói nghèo hàng đầu của ông Tập Cận Bình. Gần 40.000 quan chức được giao nhiệm vụ hỗ trợ 4,7 triệu người trên 4.000 huyện nghèo. Nhưng đầu tháng Tư, chính quyền Vân Nam đã ra lệnh tước chức danh của 1.117 vị vì “không đặt tâm vào công việc“, hoặc “lời nói không đi đôi với việc làm“.

Lý do căn bản những người này bị tước chức danh bao gồm việc vắng mặt bất ngờ trong lúc làm việc và chỉ làm 50 ngày cho cả mùa. Họ bị kỷ luật bằng cách cấm thăng chức hoặc chịu giáo dục đào tạo thêm. Những trường hợp khác đơn giản là bị sa thải.

Trong khi Tân Hoa Xã đưa tin về việc áp dụng mô hình quan chức ‘xắn tay áo’ hỗ trợ đời sống hàng ngày của người dân – như trường hợp quan chức Trùng Khánh giúp dân nuôi dê và trồng cây óc chó, thì chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình lại đưa ra một bức chân dung ít tâng bốc giới quan chức hơn. Đó là nhiều đối tượng tình nghi đã bị bắt quả tang sở hữu tượng vàng Mao Trạch Đông, những hộp tiền hối lộ dày cộp và cả khối tài sản kếch xù.

Ngày 8/8, quan chức chống tham nhũng báo cáo rằng Luyi Sifu, một cựu Bí thư Đảng tại một ngôi làng thuộc miền tây bắc của tỉnh Thanh Hải, đã chuyển 1,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 226.000 USD) tiền trợ cấp thực phẩm của chính phủ vào tài khoản cá nhân. Luyi đã bị khai trừ Đảng ngay sau đó.

Ngày 6/8/2016, Ủy ban Kỷ luật Trương ương (UBKLTƯ) báo cáo rằng trong 6 tháng đầu năm nay, có 182 Đảng viên ở Quảng Đông bị kỷ luật và 7 người khác bị truy tố vì các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ chống đói nghèo.

Trong một báo cáo khác vào tháng Ba, UBKLTƯ cung cấp 2 đường dây nóng cho người dân Cam Túc thông báo phát hiện tham nhũng trong công tác chống đói nghèo tại địa phương.

Trong mục bình luận của cổng thông tin Sina, nhiều cư dân mạng bày tỏ nghi ngờ về việc người nghèo không phải là đối tượng được hưởng lợi từ chiến dịch chống đói nghèo của chính phủ.

Tại các ngôi làng Trung Quốc, những người thực sự nghèo không bao giờ có cơ hội được đăng ký tên để nhận hỗ trợ từ phía chính phủ,” một cư dân mạng tại tỉnh Chiết Giang viết. “Chỉ có kẻ cướp và các thành viên gia đình của Đảng viên trong làng là có cơ hội – họ chính là những người ‘nghèo’ cần ‘giúp đỡ.'”

“Điều này cho thấy chính sách ‘đặt quan chức vào làng’ không khả thi. Nó trở thành nhiệm vụ hời hợt,” một nhận xét từ Tân Cương viết. “Quan chức sử dụng địa vị trong làng như là cơ hội để được thăng tiến”.

Bảo Minh

Xem thêm: