Khủng hoảng thất nghiệp tại Trung Quốc là khó tránh khỏi
- Lý Chính Hâm
- •
Các biện pháp quản trị gần đây của chính quyền Bắc Kinh liên quan đến vấn đề nguyên liệu thô, phân bổ nguồn điện, v.v. đều đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp, khó có thể tránh khỏi làn sóng thất nghiệp. Điều này khiến mục tiêu đảm bảo việc làm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường càng trở nên khó khăn hơn.
Các tỉnh sản xuất lớn của Trung Quốc như Chiết Giang, Quảng Đông và Giang Tô, đã liên tiếp ban hành các chính sách yêu cầu hạn chế sử dụng điện và ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp công nghiệp ở nhiều tỉnh đã bị yêu cầu ngừng sử dụng điện vào giờ cao điểm hoặc dừng sản xuất một số ngày trong tuần (4, 5 thậm chí là 6 ngày một tuần). Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp, thời gian giao đơn hàng thậm chí có thể tăng gấp đôi. Nếu vẫn tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt yêu cầu sử dụng điện giới hạn như vậy thì dự kiến sau 2 tháng nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đóng cửa.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu hoạt động kinh doanh không ổn định sẽ dẫn đến làn sóng phá sản, từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân. Dưới tình huống này, kích cầu tiêu dùng trong nước đều chỉ là nói suông, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn.
Điều này cũng được phản ánh trong dữ liệu kinh tế của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vào ngày 30/9, chỉ số quản trị mua hàng PMI tháng 9 của nước này đã giảm xuống còn 49,6. Đây là mức thấp nhất và cũng là lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng suy thoái sau 19 tháng. Cùng lúc với cung và cầu chững lại, chỉ số giá tiếp tục tăng, nguy cơ lạm phát và đình trệ của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng sâu sắc.
Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, tình trạng thiếu nguyên liệu do giá nguyên liệu thô tăng cao, cắt giảm sản lượng điện đang tiếp tục đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Hoạt động bất động sản chững lại cũng là một rủi ro lớn. Tính trên chỉ số PMI tổng thể ngành sản xuất cũng khó có thể thay đổi xu hướng suy yếu, áp lực đi xuống đối với nền kinh tế ngày càng gia tăng.
Các biện pháp điều tiết của chính quyền Bắc Kinh thậm chí còn dữ dội hơn, càn quét mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Một đội quân thất nghiệp lớn đến từ việc cắt giảm người làm của các công ty bất động sản. Ngoài “bom nợ” hơn 300 tỷ USD của Tập đoàn Evergrande, thì Tập đoàn Sinic Holdings gần đây cũng đã báo cáo một cuộc khủng hoảng nợ tương tự. Vào ngày 15/9, các nhân viên tại trụ sở chính của Tập đoàn Sinic Holdings đã liên tiếp nhận được thông báo miệng về việc cắt giảm 50% lương, sau đó còn có thông báo sẽ sa thải một nửa số nhân viên.
Một đội quân thất nghiệp khác là từ ngành giáo dục và đào tạo. Theo chính sách “cắt giảm kép” của chính phủ, hàng nghìn cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp Trung Quốc đã bị xóa bỏ kéo theo hàng chục triệu cán bộ giảng dạy bị thất nghiệp. Tính đến giữa tháng 9, cơ sở giáo dục và đào tạo New Oriental đã sa thải gần 10.000 nhân viên, dự kiến sẽ sa thải 40.000 người trước cuối năm nay.
Vào ngày 30/9, một bài báo của Đài Á Châu Tự Do đã kết luận rằng việc sa thải nhân viên từ các ngành công nghiệp quy mô lớn xảy ra ở Trung Quốc là do môi trường chính trị gây ra. Một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân đóng cửa và một số lượng lớn nhân viên thất nghiệp, điều này khác với làn sóng thất nghiệp của những năm 1990.
Trong 40 năm qua, đã có 5 làn sóng thất nghiệp quy mô lớn ở Trung Quốc. Lần thứ nhất xảy ra vào những năm 1990 khi một số lượng lớn nhân viên doanh nghiệp nhà nước bị sa thải. Lần thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, dẫn đến sự phá sản của một số lượng lớn các công ty. Lần thứ ba là năm 2016, khi xảy ra sự sụp đổ của ngành công nghiệp O2O (Online – To – Offline, thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế). Lần thứ tư là khi ngành ăn uống, du lịch, ngoại thương… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào năm ngoái, từ đó kéo theo làn sóng thất nghiệp.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trước đó đã tuyên bố tại cuộc họp thường vụ Quốc vụ viện rằng trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2020-2025)”, áp lực việc làm ở thành thị của Trung Quốc vẫn ở mức cao, cần phải tiếp tục đặt việc phát triển kinh tế xã hội và các chính sách kinh tế vĩ mô ở vị trí ưu tiên.
Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng có 200 triệu người đang “làm việc linh hoạt”. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng con số này chỉ dành cho người dân thành thị, và “làm việc linh hoạt” đồng nghĩa với “bán thất nghiệp”. Tỷ lệ thất nghiệp trong thông báo chính thức là 5%, nhưng Đại học Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc khảo sát, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể lên tới 20% vì lý do dịch bệnh.
Theo một thông cáo báo chí được phát hành trên trang web chính thức của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp thường vụ, nhấn mạnh rằng việc làm là ưu tiên hàng đầu cho sinh kế của người dân.
Nhà nghiên cứu Nhâm Trọng Đạo (Ren Zhongdao) của Tổ chức Nghiên cứu Chính trị Kinh tế Thiên Quân chỉ ra, ở Trung Quốc, nơi mà các tầng lớp xã hội vốn đã sớm được yên định, những người trẻ tuổi ngay khi bước vào xã hội đã thấy không có hy vọng phấn đấu. Vì vậy, họ lựa chọn một cuộc sống với nhu cầu thấp nhất, không yêu, không kết hôn, không sinh con, đó chính là mà người ta gọi là “chủ nghĩa nằm ngửa” đang thịnh hành hiện nay. Trong trường hợp này, rất khó để chính phủ hy vọng rằng người trẻ Trung Quốc sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Lý Chính Hâm/ Vision Times
Từ khóa Xã hội Trung Quốc thất nghiệp