Ít nhất 15 triệu người Trung Quốc làm nghề livestream, nhưng chỉ 2% có thu nhập cao
- Lê Tiểu Quỳ
- •
Nền kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng và tình hình việc làm trở nên tồi tệ. Theo thống kê, hiện có ít nhất 15 triệu thanh niên chọn phát sóng trực tiếp trực tuyến (livestream) là nghề chính, nhưng có 98% gặp khó khăn về “ăn no mặc ấm”.
Vào đầu tháng Tư, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) của nhà nước Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài viết của ông Lã Bản Phúc (Lu Benfu), giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói rằng tính đến cuối năm ngoái, đã có tới 1,55 tỷ tài khoản video và âm thanh ngắn ở Trung Quốc và 15,08 triệu người coi livestream là nghề chính của họ. Hơn 60% người livestream là những người trẻ tuổi từ 18 đến 29. Theo khảo sát, 95,2% trong số họ có thu nhập hàng tháng dưới 5.000 nhân dân tệ (~ 17,6 triệu đồng) và chỉ 0,4% có thu nhập hàng tháng trên 100.000 nhân dân tệ (~ 351.429.000 đồng), nghĩa là 2% người livestream kiếm 80% số tiền của ngành này, 98% người livestream còn lại có thể ngay cả “ăn no mặc ấm” cũng gặp khó khăn.
Cô Tô (Su), một cựu nhân viên truyền thông cá nhân ở Bắc Kinh, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng thời đại của những người nổi tiếng trên Internet đã qua từ lâu. Cùng với xu hướng về môi trường chung và suy thoái kinh tế, rất khó có thể tự mình làm giàu bằng nghề này nữa.
Cô tiết lộ có một đội đứng đằng sau sự nổi lên ở tầng lớp thấp, hay sự nổi tiếng của giới nghiệp dư đều có nhóm điều khiển. Ví dụ, vào giữa tháng Năm, Quách Hữu Tài (Guo Youcai), một người livestream đã trở nên nổi tiếng trên Douyin, mặc trang phục cổ điển và biểu diễn live cover bài hát “Lời hứa” (Nuoyan) những năm 1990 trước ga phía nam Hà Trạch ở tỉnh Sơn Đông, chỉ trong 10 ngày số lượng người hâm mộ của anh vượt quá 10 triệu, thu nhập hàng ngày vượt quá 3,8 triệu, thậm chí còn là “một người làm nóng cả một thành phố”, biến khu vực địa phương thành điểm nóng du lịch với 400.000 người ghé thăm mỗi ngày, chính quyền còn khẩn cấp sửa chữa đường xá và cử 3 xe chuyên livestream.
Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau khi trở nên nổi tiếng nhanh chóng, đã có một cuộc tìm kiếm sôi nổi trên Weibo nghi ngờ livestream kiểu “quần ma loạn vũ” (lũ quỷ múa loạn) của Quách Hữu Tài là “bệnh ung thư xã hội”. Sau đó chính quyền buộc phải ra tay chỉnh đốn, đưa ra thông báo cấm các hoạt động liên quan của anh ta tổ chức ở gần nhà ga, Quách Hữu Tài cũng tuyên bố ngừng livestream trong ngắn hạn.
Ông Lục Ý Chí (Louis), người sáng lập Công ty Kỹ thuật số Ý tưởng Sáng tạo Đài Loan (BRAVO iDEAS), cho biết sự nổi tiếng nhanh nhanh chóng của những người nghiệp dư là “ngẫu nhiên và cũng là tất nhiên”. Đằng sau việc nền tảng tạo ra những người nghiệp dư hàng đầu và việc tạo ra nền kinh tế người hâm mộ, cần phải có một mô hình kinh doanh chính xác và quy mô kinh tế khả quan hỗ trợ. Những câu chuyện đầy cảm hứng về những người nổi tiếng trên Internet như Quách Hữu Tài nói với những người thuộc tầng lớp dưới cùng hoặc trung lưu rằng chỉ cần họ làm việc chăm chỉ, họ sẽ có cơ hội. Đây cũng là kịch bản phổ biến được những người đứng sau hậu trường sử dụng để tạo ra những người nghiệp dư hàng đầu.
Ông cũng chỉ ra rằng hiện tại cứ 100 người ở Trung Quốc thì có 1 người livestream và mọi người đều muốn có hàng chục triệu người hâm mộ khi thức dậy. Theo quan điểm của nền tảng, nếu nó quảng cáo 100 người livestream, chỉ cần “trúng” một người trong đó thì có thể kiếm được rất nhiều tiền. Nếu 99 người livestream còn lại thất bại, thì nó mất nhiều nhất cũng chỉ là một chi phí chuyển hướng nhỏ.
Ngoài ra, theo quan sát của một người được phỏng vấn từng làm nhân viên quan hệ công chúng (PR) doanh nghiệp ở Thượng Hải trong nhiều năm, mức lương trung bình hàng tháng của những người trẻ mới bước ra khỏi xã hội là 4.000 đến 5.000 nhân dân tệ, còn về lưu lượng truy cập trên Douyin, một người có thể kiếm được 80 xu, nếu chương trình phát sóng trực tiếp có thể nhận được mức thưởng cao và chia sẻ lợi nhuận với nền tảng thì thực sự dễ kiếm tiền hơn công việc bình thường. Tuy nhiên, giới trẻ Trung Quốc có tâm thái tham vọng cao hơn năng lực, không muốn làm việc chăm chỉ và có thái độ làm việc không tốt bằng thế hệ trước, khi thấy những người livestream có thể kiếm tiền nhanh chóng thì họ nhảy vào như ong vỡ tổ. Tuy nhiên, ông cũng đề cập rằng nền kinh tế đang suy thoái, những livestream bán hàng tiếp tục kém đi và thu nhập của họ cũng giảm đáng kể. Do đó ông không lạc quan về sự phát triển trong tương lai của ngành livestream Trung Quốc.
Theo thống kê sơ bộ từ Cục Giáo dục Trung Quốc, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024, đạt 11,79 triệu, tăng 210.000 so với năm trước. Số sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2023 là 11,58 triệu, tăng 820.000 so với năm trước; số sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 là 10,76 triệu, tăng 1,67 triệu so với năm trước.
Mỗi năm sinh viên mới tốt nghiệp đại học phải đối mặt với vấn đề việc làm. Ngày 27/2/2024, Dữ liệu mở Trung Quốc căn cứ vào số liệu mới nhất từ internet cho thấy, ước tính số người thất nghiệp có thể lên tới gần 60 triệu người vào năm 2023. Mùa tốt nghiệp năm 2024 đang đến gần. Những sinh viên mới ra trường này sẽ đi đâu để tìm việc làm?
Từ khóa kinh tế Trung quốc Làn sóng thất nghiệp livestream bán hàng Livestream