La Quán Thông: “Tội xuất bản kích động” nhằm bóp chết phản biện của Hồng Kông
- Giai Tuệ
- •
Khi năm 2021 đầy bất ổn sắp kết thúc, Cơ quan An ninh Quốc gia Hồng Kông đã bắt giữ các lãnh đạo của tờ Stand News vì “âm mưu xuất bản ấn phẩm có tính kích động”. Vậy là sau Apple Daily lại có thêm một hãng truyền thông độc lập khác ở Hồng Kông bị nhà cầm quyền đánh sập. Anh La Quán Thông, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông lưu vong ở Anh, đã có những bình luận về vấn đề này.
Sau khi bị giam giữ hơn 30 giờ, ngày 30/12 ca sĩ Hà Vận Thi được phép tại ngoại. Cô không trả lời câu hỏi của phóng viên, và chỉ ở lại một thời gian ngắn để giới truyền thông chụp ảnh (Nguồn: Getty Images).
Ngày 29/12, chính quyền Hồng Kông đã điều động hơn 200 cảnh sát an ninh quốc gia đột kích vào văn phòng Stand News và bắt giữ tổng biên tập Chung Bái Quyền (Zhong Peiquan), quyền tổng biên tập Lâm Thiệu Đồng (Lin Shaotong), và các cựu giám đốc Chu Đạt Trí (Zhou Dazhi), Ngô Ải Nghi (Wu Aiyi), Phương Mẫn Sinh (Fang Minsheng), Hà Vận Thi. Vợ của ông Chung Bái Quyền là cựu phó chủ tịch Apple Daily Trần Bái Mẫn (Chen Peimin) vốn dĩ đã ở trong tù, nhưng cũng đã bị bắt lại trong vụ án này.
Tin sáng ngày 30/12 từ Đài phát thanh thương mại Hồng Kông cho hay, cựu tổng biên tập Chung Bái Quyền và cựu quyền tổng biên tập Lâm Thiệu Đồng của Stand News cũng sẽ sớm bị buộc tội trong ngày, những người bị bắt sẽ được đưa ra tòa tại West Kowloon vào buổi chiều cùng ngày.
- Vụ bắt giữ ở Stand News: “Thói đời thế này, người tốt khó bình an!”
- Vụ bắt giữ ở Stand News: Tổng biên tập và cựu tổng biên tập vẫn bị tạm giữ
La Quán Thông: Bóp chết tự do ngôn luận
Cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, anh La Quán Thông, hiện đang sống lưu vong ở Anh đã viết trên Facebook rằng theo các phán quyết trong quá khứ cho thấy ngay cả khi vụ việc không phải vấn đề của “Luật An ninh Quốc gia” nhưng cơ quan này vẫn có thể vào cuộc nếu phát hiện “có yếu tố an ninh quốc gia”. Việc thanh trừng Stand News hiện nay có thể là tiền đề để sau này “tăng cường” cáo buộc liên quan Luật An ninh Quốc gia. Trước đó một ngày, ông Lê Trí Anh và các lãnh đạo khác của Apple Daily cũng bị buộc tội tương tự, có thể thấy rằng quy kết “âm mưu xuất bản ấn phẩm có tính chất kích động” đã trở thành cái cớ để bóp chết tự do ngôn luận.
Anh La Quán Thông cho biết, mọi người đều quan tâm đến việc nội dung truyền thông dẫn đến bị cáo buộc tội trạng là xuất hiện từ trước hay sau khi có luật An ninh Quốc gia, đó là liên quan phong trào biểu tình vào năm 2019 hay hoạt động truyền thông sau khi có Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020. Tuy nhiên anh cho biết: “Thực ra có lẽ điều này cũng không quan trọng, quan trọng là khi những cơ quan truyền thông dám dũng cảm lên tiếng lại sụp đổ thì làm thế nào xã hội dân sự có thể có được thông tin đáng tin cậy? Làm thế nào để có được sự thật nhằm tra tấn thế lực độc tài?”
Trong 15 người đã bị buộc tội, chỉ 1 người được tại ngoại
Theo thống kê từ truyền thông Hồng Kông, kể từ năm ngoái đến nay đã có 15 người Hồng Kông bị cáo buộc tội “âm mưu xuất bản ấn phẩm có tính chất kích động”, liên quan đến 4 trường hợp khác nhau, bao gồm:
- (1) Một người sáng lập Next Digital Lê Trí Anh và 6 lãnh đạo của Apple Daily;
- (2) 5 thành viên (25-27 tuổi) của Hội trị liệu ngôn ngữ Hồng Kông (Hong Kong Association of Speech Therapists) liên quan đến một số cuốn sách ảnh dành cho trẻ em;
- (3) Những người bị buộc tội phát truyền đơn “Hồng Kông độc lập” gồm nhà văn họ Cao (Cao) và một học sinh trung học 17 tuổi họ Hoàng (Huang);
- (4) Chung Hàn Lâm (Zhong Hanlin), người triệu tập cũ của Studentlocalism – một tổ chức sinh viên ủng hộ Hồng Kông độc lập, đã thừa nhận tội “chia rẽ đất nước”.
Trong những người nêu trên chỉ có một người (17 tuổi, học sinh trung học) được tại ngoại.
Truyền thông Hồng Kông cũng chỉ ra nguồn gốc “tội xuất bản kích động” là còn sót lại từ thời Hồng Kông là thuộc địa của Anh, được ghi vào “Điều lệ Tội phạm hình sự” của Hồng Kông vào năm 1938. Thời điểm bạo loạn năm 1967, tội này chủ yếu nhằm vào các tờ báo cánh tả của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống thuộc địa của Anh. Nhưng từ sau cuộc bạo loạn năm 1967 cho đến năm 2019, ở Hồng Kông không sử dụng “Điều lệ Tội phạm hình sự” này.
Kể từ khi bàn giao chủ quyền của Hồng Kông vào năm 1997, Ủy ban Nhân quyền thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) đã 3 lần xem xét tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và luôn quan tâm đến cái quy định mơ hồ “tội kích động”. Tháng 4 năm ngoái, báo cáo viên đặc biệt của LHQ cũng đã gửi thư cho Chính phủ Trung Quốc để một lần nữa phản ánh về vấn đề “tội kích động”. Nhưng chính quyền Hồng Kông đã phớt lờ ý kiến của các chuyên gia LHQ và còn phản bác rằng “tội kích động” không bị tòa án phán quyết là vi hiến, cũng “không được sử dụng để trấn áp quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp ôn hòa của người dân”…
Vừa lên án đã áp dụng
Điều mỉa mai là Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện của ĐCSTQ gần đây đã xuất bản Sách Trắng có tựa “Phát triển dân chủ của Hồng Kông trong cơ chế một nước hai chế độ”. Theo đó, Văn phòng này chỉ trích trong thời kỳ cai trị của Anh ở Hồng Kông không có dân chủ, còn dẫn chứng tình trạng các tờ báo ủng hộ ĐCSTQ trong bạo loạn năm 1967 đã bị cấm, từ đó phê phán nhà cầm quyền Anh cai trị Hồng Kông khi đó đã thực hiện chính sách đàn áp cao trong một thời gian dài, kiểm soát chặt chẽ báo chí và xuất bản, kìm hãm quyền tự do ngôn luận. Nhưng chỉ vài ngày sau, giới chức trách Hồng Kông của ĐCSTQ lại viện dẫn luật thuộc địa lỗi thời để cáo buộc tội đối với các cơ quan truyền thông độc lập như Apple Daily và Stand News.
Ngoài ra, anh La Quán Thông cũng đặt câu hỏi về việc chính quyền Hồng Kông thanh trừng “Quỹ hỗ trợ nhân đạo 612” (đã giải tán) hỗ trợ những người biểu tình chống Dự luật Dẫn độ của ĐCSTQ, vì Ngô Ải Nghi và Hà Vận Thi bị bắt đều liên quan đến Quỹ này. Anh nói: “Từ cuộc đột kích này cho thấy Quỹ hỗ trợ nhân đạo 612 có thể vẫn là cái gai của ĐCSTQ”.
Anh cho biết chính quyền toàn trị gây mệt mỏi đối với đông đảo mọi người quanh năm suốt tháng, nhưng với những người bị bắt đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của họ. Anh chia sẻ: “Trong đó có những người có lẽ đã trải qua thời gian dài từ lâu mỗi đêm chìm giấc ngủ đều ám ảnh với nỗi sợ hãi không biết 6 giờ sáng mai có bị cảnh sát bắt không. Chúng ta có thể tưởng tượng được cuộc sống trong lo sợ canh cánh này không? Trong đó Hà Vận Thi vẫn đang chuẩn bị cho buổi diễn ca nhạc, người vợ Trần Bái Mẫn của của ông Chung Bái Quyền đã sớm bị tạm giam vì vụ án Apple Daily. Margaret (Ngô Ải Nghi) cũng phải chịu áp lực kinh khủng, không khó để hình dung cảnh ngộ của họ”.
Anh La Quán Thông cho biết, vấn đề quan trọng nhất đối với mọi người lúc này là: Chúng ta có thể làm gì khi chứng kiến từng tổ chức truyền thông tự do lần lượt bị đàn áp và loại bỏ? Làm sao để vững lập trường và giữ được khả năng đánh giá cũng như độ nhạy cảm đối với thông tin? Làm thế nào để trong bóng tối chúng ta có thể kiên trì theo đuổi ánh sáng, để duy trì sự đoàn kết tiến lên trong khi mò mẫm trong bóng tối? Khi chính phủ đang cai trị Hồng Kông bằng lừa dối mà giới truyền thông không thể truy vấn thì làm sao người Hồng Kông có thể biết sự thật mà chống lại?
Dù những vấn đề này đều không dễ trả lời, hoặc thậm chí có thể không có câu trả lời, “nhưng trong môi trường áp lực cao như vậy, suy nghĩ có lý trí là vũ khí mạnh nhất của chúng ta, chúng ta không thể từ bỏ truy vấn trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, anh La Quán Thông nói.
Giai Tuệ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Apple Daily Dân chủ Hồng Kông Hà Vận Thi Stand News Hồng Kông La Quán Thông