Người khởi xướng phong trào phá bỏ tường lửa của ĐCSTQ kêu gọi hành động
- Lý Viên
- •
Phong trào phá bỏ tường lửa quy mô lớn của cộng đồng mạng Trung Quốc đang nổi lên và hướng tới thế giới. Một trong những người khởi xướng phong trào là anh Kiều Hâm Hâm (Qiao Xinxin), làm nghề truyền thông. Anh nói rằng tường lửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là chiếc phao cứu sinh cuối cùng của nhà cầm quyền này, cho nên phải duy trì phong trào đến khi thành công, anh nhấn mạnh thông tin tự do là sự sống.
Anh Kiều Hâm Hâm nguyên là phóng viên Đài Á châu Tự do (RFA), giống như đông đảo người làm truyền thông, anh cảm nhận sâu sắc sự tồn tại của tường lửa khiến các kênh thông tin thế giới truyền bá về Trung Quốc bị giảm ít nhất 95%. Anh nói vì nhiều nhà văn Trung Quốc như anh thường chỉ viết ngôn ngữ Trung Quốc nên hầu hết người đọc tiềm năng đều trong phạm vi không bị tường lửa ngăn chặn.
Anh Kiều giới thiệu rằng bắt đầu từ ngày 8/3, anh và những người cùng chí hướng sẽ chính thức phát động phong trào phá bỏ tường lửa: “Chúng tôi luôn cảm thấy bức tường này rất đáng ghét”.
Ngày 11/3 anh Kiều đã đưa ra đề xuất giúp 1,4 tỷ người Trung Quốc phá bỏ tường lửa ngu ngốc trên internet của Trung Quốc, đề xuất rằng người Trung Quốc trong nước nên tận dụng làn sóng chống ĐCSTQ toàn cầu để khởi động chiến lược phản công của 1,4 tỷ người.
Thư khởi xướng nêu rõ, sau năm 1989 trở ngại lớn nhất đối với người dân Trung Quốc trong và ngoài nước liên quan đấu tranh chống lại ĐCSTQ là tường lửa (Great Firewall, GFW) của ĐCSTQ, nó đã chặn 310.000 trang web bao gồm cả Google, nó đã cắt đứt kết nối của 1,4 tỷ người Trung Quốc với 6.6 tỷ người trên thế giới, đã làm trầm trọng thêm sự hiểu lầm và xung đột quốc tế, như vậy gây nguy hại đối với lợi ích của cả 8 tỷ người trên thế giới.
Thư đề xuất cũng nêu rõ, sau khi nghiên cứu nhận thấy rằng cách đáng tin cậy duy nhất để phá bỏ tường lửa là “được hàng triệu người đồng ký tên, được truyền thông quốc tế đưa tin và qua đó khiến nhiều chính phủ gây áp lực lên ĐCSTQ, vấn đề này phải được đưa ra chính trường quốc tế để xét xử công khai.”
Anh Kiều nói, “Nhà hoạt động nhân quyền Đồng Ngật (Tong Yi) đã làm chứng tại Quốc hội Mỹ ngày 28/2 đề xuất một cách tốt để phá bỏ tường lửa, vì vậy chúng tôi tiếp tục mở rộng theo ý tưởng của cô ấy”.
Ngày 5/4 ra mắt sách “Cẩm nang Phá bỏ tường lửa”, chỉ ra rằng trước đây hầu hết những người cố gắng phá tường lửa đều là lập trình viên và họ thường xây dựng công nghệ VPN để “vượt tường”. Tường lửa của ĐCSTQ không phải là công nghệ cao, nhưng dù công nghệ “vượt tường” đơn giản và làm dễ dàng nhưng nó chưa bao giờ đạt được mục đích triệt để phá tường lửa.
Thiết kế logo phá tường lửa dùng biểu tượng “cấm” thông dụng quốc tế với một thanh ngang nhỏ, GFW ở nửa trên bên phải và TikTok nửa dưới bên trái. Ở Mỹ TikTok được gọi là “fentanyl kỹ thuật số”, có thể giúp cho ĐCSTQ có được dữ liệu của 150 triệu người dùng Mỹ.
“Đó đều là công cụ của ĐCSTQ và chỉ là 2 quân cờ trong hệ thống giám sát internet của ĐCSTQ. Tác hại của GFW gấp 10.000 lần so với TikTok, đã chặn truy cập vào 310.000 trang web”, anh Kiều nhận định. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy rộng khắp phong trào này, Quốc hội các nước có rất nhiều việc phải giải quyết, nhưng tôi nghĩ ưu tiên của phá bỏ bức tường lửa nên cao hơn cả việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, vì nó đã khiến 1,7 tỷ người ([1,4 tỷ người tại Trung Quốc] trong đó có thêm 300 triệu người ở Nga, Myanmar, Campuchia) đối đầu với 6,3 tỷ người [trên toàn cầu] với đủ loại đấu tranh công khai và bí mật, nguyên nhân vì thông tin bị ĐCSTQ ngăn chặn…”.
Phong trào phát triển nhanh và được nhiều bên hưởng ứng
Anh Kiều cho biết, đến nay phong trào phá bỏ tường lửa đang diễn ra suôn sẻ, hiệu quả vượt quá mong đợi và nhận được khá nhiều phản hồi. Tất cả dữ liệu đang tăng lên nhanh chóng, với hàng chục ngàn người hâm mộ.
Trước Lãnh sự quán ĐCSTQ ở Los Angeles, ngày càng có nhiều cư dân mạng xuất hiện công khai lên tiếng phản đối bức tường lửa, họ giơ các biểu ngữ ghi “BanGFW” và “Phong trào phá bỏ tường lửa”.
Một tháng sau khi phát động phong trào phá bỏ tường lửa, hội nghị phá bỏ tường lửa lần thứ hai được tổ chức thu hút khoảng 1000 – 2000 người tham gia, trong đó có nhiều cư dân mạng trong nước, những người tham gia đã thảo luận sôi nổi. Một số đề xuất kỹ thuật phát tán phần mềm “vượt tường” chỉ ra kẽ hở trong tường lửa, một số chia sẻ kinh nghiệm bị “uống trà”, một số tiết lộ sự thật về cái chết nghiêm trọng của trận lụt Trịnh Châu…
Có cư dân mạng giải thích tính khả thi và chính đáng của phong trào phá bỏ tường lửa từ năm khía cạnh: Áp lực từ bên ngoài đối với ĐCSTQ, khủng hoảng của chế độ Tập Cận Bình, phương tiện kỹ thuật, người dân vượt tường lửa, thức tỉnh của nhân dân; qua đó kêu gọi mọi người nên theo trào lưu của lịch sử và phấn đấu phù hợp với văn minh thế giới.
Để đối phó với sự trỗi dậy của phong trào phá bỏ tường lửa, anh Kiều được thông báo từ một nguồn nội bộ rằng ông Thứ trưởng Trần Tư Nguyên (Chen Siyuan) của Bộ Công an ĐCSTQ gần đây đã lệnh tổ chức trận chiến đặc biệt với phong trào kéo dài một tháng qua hệ thống cảnh sát internet cốt cán từ tất cả các tỉnh. Nhưng anh cho hay “Cách làm đó lại giúp quảng cáo cho chúng tôi. Chúng tôi đã báo cáo với FBI, Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes), Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Pháp và Đức. Tôi nghĩ sau khi ĐCSTQ mở các đồn cảnh sát ở nước ngoài sẽ lại một lần nữa vượt ra ngoài biên giới để đàn áp quyền tự do của dư luận”. Anh Kiều nhấn mạnh phải kêu gọi thêm nhiều người đến đại sứ quán ĐCSTQ và yêu cầu họ ra ngoài làm rõ vấn đề “Tường lửa có phải các anh xây dựng để hàng ngày đàn áp quyền tự do ngôn luận của chúng tôi?”.
Trong hai năm qua, phong trào dịch thuật vĩ đại và cuộc cách mạng giấy trắng đang diễn ra mạnh mẽ. Phong trào dịch thuật vĩ đại đã khiến liên lạc của hai hệ thống tuyên truyền đối ngoại và tuyên truyền nội bộ của ĐCSTQ bị phá vỡ. Còn cách mạng giấy trắng là thể hiện bùng phát giải tỏa dồn nén những mâu thuẫn từ lâu trong xã hội Trung Quốc và sau 3 năm bùng phát dịch bệnh COVID-19. Anh nói, “Có hàng trăm triệu người chống ĐCSTQ. Nếu mọi người đều làm những gì chúng ta làm, thì ĐCSTQ có thể tiếp tục chơi được bao lâu?”
Anh Kiều chỉ ra rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay tồi tệ đến mức đã bị vắt kiệt. Bởi vì ĐCSTQ vô đạo đức, chỉ cần cây trụ kinh tế của nhà cầm quyền này suy yếu sẽ là thời cơ để mọi người nổi lên. Lâu nay nhà cầm quyền này dùng tài nguyên kinh tế để mua chuộc và gây chia rẽ những tổ chức chống lại, nhưng bây giờ cơ sở kinh tế không còn thì lấy gì để mua chuộc?
Chiến trường chính rào là hướng ra quốc tế
Anh Kiều nhấn mạnh rằng các biện pháp tư pháp nên được sử dụng để phá bỏ tường lửa, bởi vì đó là tội có thể bị ĐCSTQ kết án 10.000 năm tù. Không ngoa khi nói rằng có đến 8 tỷ người không ngại tham gia phá bỏ tường lửa này, chúng ta không cần giới hạn. Phương hướng cụ thể có thể được tóm tắt đơn giản là hai cách: Viết bài và giơ biểu ngữ.
“Mục tiêu cuối cùng là hành động được gọi là truy tố hình sự quốc tế, đưa nó (ĐCSTQ) ra Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague. Ví dụ, chúng tôi kiện cái gọi là ‘cha đẻ của tường lửa’ Phương Tân Hưng (Fang Binxing), nhưng cây gậy cuối cùng sẽ đánh vào ĐCSTQ. Trong giai đoạn đầu chúng tôi cần làm là quảng cáo rộng rãi, khiến từ khóa BanGFW trở nên phổ biến nhằm kích thích mọi người hiểu về vấn đề tường lửa này”.
Anh giới thiệu rằng chiến trường chính của phong trào dỡ bỏ tường lửa không chỉ giới hạn về tiếng Trung Quốc. Tập trung vào tiếng Trung là bước đầu tiên, chiến trường chính nên ở nước ngoài, bước tiếp theo sẽ là tập trung vào vùng tiếng Anh và tiếng Nga để liên hệ với những người từ các nước khác.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ cũng liên tục xuất khẩu sang Nga và các nước khác công nghệ tường lửa. Vì vậy anh Kiều nhấn mạnh: “Tập Cận Bình xuất khẩu công nghệ tường lửa cho bạn (Nga), còn chúng tôi xuất khẩu công nghệ dỡ bỏ tường lửa cho bạn (Nga). Chúng tôi sử dụng trí tuệ của Trung Quốc để cho bạn biết cách loại bỏ bức tường và bạn làm theo kế hoạch của chúng tôi. Mã nối của chúng tôi là BanGFW. Chúng tôi liên kết cùng những người dùng ngôn ngữ khác như Đài Loan, Nhật Bản…. Bởi vì ĐCSTQ đã làm rất nhiều điều xấu không chỉ nhắm vào người Trung Quốc, vì nó xuất khẩu bạo lực và đe dọa lợi ích của người dân ở nhiều nước trên thế giới”…
Anh kêu gọi: “Người thân gia đình chúng tôi ở Trung Quốc, chúng tôi có nhiều suy nghĩ sâu sắc mà không thể chia sẻ cho cha mẹ là xuất phát từ rào cản của bức tường lửa này. Tôi nghĩ mọi người nên đứng lên và cố gắng hết sức làm phần việc của mình để làm sập bức tường lửa này, để nó (ĐCSTQ) sụp đổ nhanh chóng hơn!”
Từ khóa Tường lửa Vượt tường lửa Dòng sự kiện Vạn lý tường lửa