Vài ngày trước, Bệnh viện trực thuộc Trường Y Đại học Gia Ưng ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã dừng khám bệnh. Có thông tin rằng nhân viên bị nợ lương nhiều tháng và bệnh viện có thể nộp đơn xin phá sản. Trên thực tế, những khó khăn trong hoạt động mà bệnh viện này gặp phải không phải là cá biệt, một lượng lớn bệnh viện trên khắp Trung Quốc đã và đang bị thua lỗ. Chuyên gia tin rằng vấn đề y tế của Trung Quốc là do thể chế gây ra.

dinh cong
Mới đây, hàng trăm nhân viên y tế tại một bệnh viện công ở thành phố Sán Vi, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã đình công và tập trung tại sảnh bệnh viện, giơ cao tờ giấy trắng có viết dòng chữ “Tôi muốn ăn” để cùng đòi lương từ bệnh viện. (Ảnh cắt từ video)

Theo Jiupai News, bệnh viện trực thuộc Đại học Gia Ưng ở thành phố Mai Châu gần đây đã dừng cho dừng các phòng khám. Nhân viên của bệnh viện bị nợ vài tháng lương và bệnh viện có thể sẽ nộp đơn xin phá sản.

Thông tin công khai cho thấy, bệnh viện này được thành lập vào năm 2009, là bệnh viện đa khoa cấp 2 công lập ở thành phố Mai Châu, là bệnh viện liên kết đầu tiên của Đại học Y Quảng Châu và là bệnh viện hợp tác kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Hô hấp Sức khỏe Quảng Châu. Bệnh viện có diện tích khoảng 12.000 mét vuông và có 400 giường. Theo hồ sơ được bệnh viện công bố vào tháng 7/2023, bệnh viện lúc đó có khoảng 240 nhân viên.

Phóng viên của Jiemian News đã liên hệ bệnh viện này nhiều lần, cũng như liên hệ với Sở Y tế thành phố Mai Châu và Ban Tuyên giáo Thành ủy Mai Châu để phỏng vấn thêm, nhưng các bên cho đến nay vẫn chưa phản hồi.

Bệnh viện thu không đủ chi

Ứng dụng tra cứu thông tin doanh nghiệp Tianyancha cho thấy, Bệnh viện trực thuộc Trường y Đại học Gia Ưng là một đơn vị sự nghiệp với số vốn đầu tư là 25,87 triệu nhân dân tệ. Vào ngày 15/10, bệnh viện đã bổ sung thêm một thông tin mới về người (tổ chức) bị thi hành án, số tiền cưỡng chế thi hành án là hơn 6,64 triệu nhân dân tệ. Có thể thấy chuỗi vốn của bệnh viện này đang rất căng thẳng.

Hiện tại, nguồn thu nhập của các bệnh viện công Trung Quốc chủ yếu bao gồm ba phần: thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế, thanh toán trực tiếp từ bệnh nhân và trợ cấp tài chính. Hiện nay, chi quỹ bảo hiểm y tế chiếm hơn một nửa nguồn thu của bệnh viện công.

Năm 2023, Giáo sư Lý Linh (Li Ling), một học giả y khoa nổi tiếng, đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn với Phoenix TV rằng trợ cấp của chính quyền trung ương cho các bệnh viện chưa đến 10%, nghĩa là hơn 90% thu nhập cần phải được bệnh viện tự nghĩ cách kiếm ra. Các bệnh viện chủ yếu có được thu nhập y tế thông qua hoạt động dịch vụ y tế, bao gồm thu nhập từ khám bệnh và thu nhập từ bệnh nhân nội trú.

Kiểm tra quyết toán của của bệnh viện này có thể thấy, tổng thu nhập của bệnh viện vào năm 2023 là 61,5563 triệu nhân dân tệ, giảm 11,279 triệu nhân dân tệ so với năm 2022, chủ yếu là do thu nhập y tế giảm (bao gồm thanh toán quỹ bảo hiểm y tế và thanh toán cho bệnh nhân). Dữ liệu cho thấy thu nhập y tế của bệnh viện này vào năm 2023 là 31,5682 triệu nhân dân tệ, giảm 12,2288 triệu nhân dân tệ hay tương đương 27,9% so với năm trước. 

Các khoản chi của bệnh viện này chủ yếu bao gồm chi phí nhân sự và chi phí dự án để duy trì hoạt động bình thường của tổ chức. Vào năm 2020, bệnh viện này đã nâng cấp và cải tạo các khu vực như tòa nhà ngoại trú và tòa nhà nội trú. Tổng vốn đầu tư vào dự án ước tính khoảng 71,452 triệu nhân dân tệ, đây là một khoản chi đáng kể.

Theo điều tra các phóng viên, tình hình tài chính của Chính quyền quận Mai Giang, thành phố Mai Châu, nơi có Bệnh viện trực thuộc Trường Y Đại học Gia Nghĩa, không lạc quan. Dữ liệu cho thấy từ tháng 1 đến tháng 9/2024, tổng thu ngân sách công của quận Mai Giang là 482,23 triệu nhân dân tệ, giảm 33,53 triệu nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng âm 6,5%.

Về những nguyên nhân có thể khiến này rơi vào tình trạng khó khăn nêu trên, một công chức địa phương ở Mai Châu không muốn nêu tên đã phân tích với các phóng viên: “Hạn chế tài chính của địa phương, nộp phí bảo hiểm y tế của người dân không đủ và các lý do khác đã dẫn đến tình trạng khó khăn như vậy”. Thanh toán bảo hiểm y tế theo phương thức DIP (Diagnosis-Related Group, là chi trả một mức (chi phí) xác định trước cho một đợt điều trị BHYT nội trú theo một nhóm chẩn đoán và không phụ thuộc vào chi phí của mỗi đợt điều trị cụ thể) đang giảm dần, dẫn đến tình trạng bệnh viện luôn trong trạng thái thu không đủ chi khi tiếp nhận bệnh nhân, khiến áp lực hoạt động của bệnh viện ngày càng tăng.

Nhiều bệnh viện khắp Trung Quốc rơi vào tình trạng thua lỗ

Trên thực tế, những khó khăn trong hoạt động mà Bệnh viện trực thuộc Trường Y Đại học Gia Ưng gặp phải không phải là duy nhất, một lượng lớn bệnh viện trên khắp Trung Quốc đang bị thua lỗ như vậy.

Vào tháng 3/2023, Văn phòng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố “Thông báo về Giám sát và Phân tích Quốc gia về Đánh giá hiệu quả hoạt động của các bệnh viện công cấp 2 Quốc gia năm 2021”. Tổng cộng có 5.456 bệnh viện cấp 2 trên toàn Trung Quốc đã tham gia “kỳ thi quốc gia” năm đó. Kết quả cho thấy mặc dù nhìn chung các bệnh viện công cấp 2 hoạt động ổn định, nhưng vẫn có 43,87% bệnh viện bị lỗ trong năm đó, về cơ bản tương đương tỷ lệ năm trước.

“Các chỉ số chính về Quỹ tổng hợp bảo hiểm y tế cơ bản và Bảo hiểm thai sản từ tháng 1 đến tháng 7/2024” do Cơ quan quản lý bảo hiểm y tế quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 9 cho thấy, chi tiêu của quỹ tổng hợp bảo hiểm y tế của người dân là 629,147 tỷ nhân dân tệ, trong khi thu trong cùng kỳ là 584,06 tỷ nhân dân tệ, chi vượt quá thu 45,087 tỷ nhân dân tệ. Ở một mức độ nhất định, điều này phản ánh việc người dân Trung Quốc không nộp đầy đủ bảo hiểm y tế.

Theo thống kê từ Jiemian News, kể từ năm 2019, số người tham gia bảo hiểm y tế của Trung Quốc tiếp tục giảm và mức giảm ngày càng mở rộng. Số người dân tham gia bảo hiểm y tế giảm 2,96 triệu người vào năm 2019; 8,06 triệu người vào năm 2020; 8,1 triệu người vào năm 2021 và 25,17 triệu người vào năm 2022. Điều này khiến quỹ bảo hiểm y tế rơi vào tình trạng cân đối trong những năm gần đây, thậm chí một số tỉnh còn bị thâm hụt quỹ.

Ngoài ra, chi tiêu y tế của các bệnh viện Trung Quốc là rất lớn. Theo trang Sohu, 95% thiết bị tại các bệnh viện Trung Quốc được nhập khẩu từ nước ngoài, như CT, siêu âm, máy chụp động mạch, cộng hưởng từ và các thiết bị khác, có thể dễ dàng tiêu tốn hàng triệu hoặc hàng chục triệu USD. Nguồn nhập khẩu chính là Mỹ, Đức và Nhật Bản. Các bệnh viện có thể chi hơn hàng tỷ nhân dân tệ cho việc mua thiết bị mỗi năm.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng cần quan tâm đến việc bảo trì, nâng cấp trang thiết bị cũng như chi phí đào tạo, học tập của bác sĩ, kỹ thuật viên, do đó chi tiêu về phương diện này cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, việc giám đốc bệnh viện tham nhũng cũng khiến bệnh viện thua lỗ. Theo China News Weekly, trong vòng 39 ngày từ 9/1 đến 17/2/2023, ít nhất 26 lãnh đạo bệnh viện đã bị “song khai” (khai trừ công chức và đảng tịch), khai trừ khỏi đảng hoặc bị bắt. Họ chủ yếu liên quan đến các vấn đề thông đồng giữa bác sĩ và doanh nghiệp như can thiệp vào hoạt động đấu thầu xây dựng dự án, mua sắm trang thiết bị y tế, trục lợi trong việc mua sắm thuốc, phân bổ kinh phí, v.v. và nhận tiền bạc của cải.

Đối với hệ thống chụp động mạch kỹ thuật số, giá mà đại lý nhận được từ nhà sản xuất là 5,79 triệu nhân dân tệ, giá hợp đồng bán cho bệnh viện là 11,7 triệu nhân dân tệ, tương đương với giá gấp đôi. Một hệ thống chụp ảnh màu lưu lượng máu thương hiệu Mỹ đã được bán cho bệnh viện với giá 980.000 nhân dân tệ, nhưng tiền hoa hồng cho giám đốc lên tới 100.000 nhân dân tệ. Một thiết bị chẩn đoán siêu âm Doppler màu đa chức năng 3 chiều sản xuất tại Hàn Quốc được bán cho bệnh viện với giá hơn 1,6 triệu nhân dân tệ, phí hoa hồng đưa ra cho giám đốc lên tới 300.000 nhân dân tệ.

Ông Tiêu Khánh Luân: Vấn đề y tế của Trung Quốc là do thể chế gây ra

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, ông Tiêu Khánh Luân (Xiao Qinglun), một học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, đã lãnh đạo một nhóm chuyên gia giúp Đài Loan thiết kế hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia hiện có vào năm 1995, đạt được dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho tất cả mọi người, khiến nhiều người Trung Quốc Đại Lục ngưỡng mộ. Vậy liệu Trung Quốc Đại Lục có thể sao chép mô hình Đài Loan?

Ông Tiêu cho rằng Đài Loan đã có một hệ thống y tế rất toàn diện với nền tảng bác sĩ gia đình tốt, điểm khởi đầu của toàn bộ hệ thống không phải là kiếm tiền, giá trị đạo đức của bác sĩ chưa bị phá hủy nên có thể thực hiện phổ cập bảo hiểm y tế toàn dân, và tài chính của nó minh bạch và có thể được duy trì.

Ông nói rằng mô hình này có thể được nhân rộng ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng nó đòi hỏi quyết tâm chính trị và từ 10 đến 20 năm. Nhưng ông cũng nói: “Trung Quốc còn có nhiều vấn đề khác và rất nghiêm trọng. Chúng tôi không biết có thể giải quyết như thế nào.”

Ông chỉ ra rằng Chính phủ ĐCSTQ chưa quan tâm đầy đủ đến việc chăm sóc y tế cho người dân, và việc phân bổ nguồn lực không công bằng, cũng như tham nhũng về đạo đức y tế đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Nguồn lực y tế của Trung Quốc gặp phải những vấn đề như phân bổ không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, phân bổ không công bằng giữa giới thượng lưu và dân thường. Đặc biệt, các khu dành cho quan chức cấp cao đã bị chỉ trích. Ông nói: “Đây là hoạt động chính trị của Đảng Cộng sản, cho nên họ sao chép từ Liên Xô, đây là cách làm không công bằng”.

Năm 2023, chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có trong ngành y, nhiều giám đốc và thư ký bệnh viện đã bị cách chức. Về việc liệu chống tham nhũng có thể giảm chi phí y tế hay không, ông cho rằng đây là vấn đề đạo đức do thể chế gây ra, và việc chống tham nhũng theo kiểu chiến dịch chỉ có thể có tác dụng tạm thời.

“Đây là vấn đề đạo đức do thể chế gây ra. Khi bạn đưa một sản phẩm chăm sóc sức khỏe ra thị trường, về cơ bản mọi bác sĩ và giám đốc bệnh viện đều chạy theo việc làm thế nào kiếm tiền. Đạo đức của y học là phục vụ nhân dân và điều trị cho bệnh nhân bằng những phương pháp điều trị hợp lý hơn. Vấn đề ở Trung Quốc là các bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện đều đang tìm cách kiếm tiền,” ông Tiêu Khánh Luân nói.

Thái Tư Vân, Vision Times