Những thách thức kinh tế của Trung Quốc sẽ nghiêm trọng vào năm 2024
- Trang Chí Vĩ
- •
Khi năm 2024 đang đến gần, động lực kinh tế yếu kém của Trung Quốc là chủ đề được dư luận quốc tế quan tâm nhất. Không chỉ vấn đề nợ bất động sản và nợ của chính quyền địa phương khó phục hồi, mà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong quý 3 năm nay cũng lần đầu tiên chứng kiến dòng vốn chảy ra ròng trong thập kỷ qua. Hơn nữa, các nhà quan sát phân tích rằng ĐCSTQ tiếp tục thắt chặt giám sát, ngoài việc nhấn mạnh kiểm soát an ninh quốc gia về tài chính, còn làm giảm không gian các doanh nhân nước ngoài bày tỏ ý kiến của họ ở Trung Quốc. Với tiền đề đi ngược với tốc độ tự do hóa này, việc đảo ngược xu hướng tiếp tục rút vốn nước ngoài có thể sẽ khó khăn hơn.
Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) chủ trì cuộc họp thường vụ Quốc vụ viện vào ngày 18/12, ông một lần nữa coi việc đẩy nhanh xây dựng “thị trường lớn thống nhất toàn quốc” là vấn đề ưu tiên. Theo báo cáo của CCTV, ông Lý Cường đã chỉ ra tại cuộc họp rằng việc xây dựng một thị trường thống nhất toàn quốc là để thúc đẩy lưu thông trong nước và cũng là điểm khởi đầu quan trọng để giải phóng tiềm năng nhu cầu trong nước và củng cố sự phục hồi kinh tế.
Thúc đẩy nhu cầu trong nước bù đắp cho sự suy giảm xuất khẩu và đầu tư nước ngoài
Về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng trọng điểm kinh tế mà ông Lý Cường vạch ra có thể làm nổi bật ‘cỗ xe tam mã’ của nền kinh tế Trung Quốc – xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa – đã mất cân bằng. Trong số đó, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, vốn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất, đã chậm lại đáng kể, buộc ĐCSTQ phải tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và mở rộng đầu tư công, tuy nhiên thế giới bên ngoài đang đặt câu hỏi điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đến mức nào.
Ông Vương Quốc Thần (Wang, Guo-Chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu số 1 thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc ở Đài Bắc (Đài Loan), cho rằng nỗ lực thúc đẩy thị trường thống nhất toàn quốc của Trung Quốc tuân theo chiến lược kinh tế “lưu thông nội bộ” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất; nói cách khác, có thể nói, nước này quyết tâm thúc đẩy thị trường nhu cầu trong nước nhằm bù đắp sự phụ thuộc lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Mặc dù những gì ông Lý Cường vạch ra tại hội nghị là chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Trung Quốc, nhưng hội nghị này cũng phản ánh điểm đau kinh tế khó tránh khỏi nhất của Trung Quốc, đó là đầu tư nước ngoài đang nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc.
Theo dữ liệu mới nhất từ “Cán cân thanh toán” của Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm 11,8 tỷ USD trong quý 3 năm nay, mức giảm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc bắt đầu lập bảng cân đối kế toán từ năm 1998. Trong 3 quý đầu năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rời Trung Quốc đạt tổng cộng 122 tỷ USD.
Theo quyết toán đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng nhân dân tệ xuyên biên giới của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực tế đã là dòng vốn chảy ra ròng trong 80 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2017. Điều này có nghĩa là dòng vốn nước ngoài tháo chạy không chỉ liên quan đến kinh tế và thương mại do cuộc chiến do Hoa Kỳ phát động chống lại Trung Quốc, mà còn với sự gia tăng lao động và các chi phí kinh doanh khác ở Trung Quốc, và liên quan đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Động lực đầu tư không đủ ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ
Ngoài vấn đề vốn đầu tư nước ngoài rời đi, đầu tư tài sản cố định vào khu vực thành thị Trung Quốc chỉ tăng 2,9% trong 11 tháng năm nay, giảm hơn 2,6 điểm phần trăm so với đầu năm. Trong số đó, đầu tư tư nhân tăng trưởng âm kể từ tháng 5 và đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan ổn định trong suốt cả năm, hiện chỉ còn lại các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào lĩnh vực đầu tư, nhưng cũng có chậm lại trong 9 tháng liên tiếp, điều này cho thấy đà đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực công của Trung Quốc đã sụt giảm mạnh.
Ông Vương Quốc Thần nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy việc làm, xuất khẩu và tiến bộ công nghệ. Do đó, việc thiếu đầu tư nước ngoài sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc Đại Lục trong năm tới hoặc trong tương lai. Đây là lý do vì sao ông Tập Cận Bình muốn có thái độ mềm mỏng hơn với Mỹ trong cuộc gặp với ông Biden hồi tháng 11, và tác động cấp bách nhất là ảnh hưởng đối với đầu tư nước ngoài.”
Ông cho rằng dòng vốn nước ngoài tháo chạy sẽ khiến tiền nóng trên thị trường chứng khoán và ngoại hối nối gót, dẫn đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm mạnh. Quan sát ngắn hạn hiện tại của thị trường là đồng Nhân dân tệ có thể duy trì ở mức khoảng 7,35 tệ so với đô la Mỹ, tuy nhiên, một số học giả nhận định rằng đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ có thể giảm mất giá và phá vỡ mốc 8, nghĩa là đồng nhân dân tệ có thể quay trở lại ngang mức trước thời kỳ “cải cách tỷ giá đồng Nhân dân tệ” của Trung Quốc vào ngày 11/7/2005.
Ông Trần Văn Giáp (Wen-Chia Chen), giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc gia và Khu vực tại Đại học Kainan ở Đào Viên, phía bắc Đài Loan, nói với VOA trong một email bằng văn bản rằng dòng vốn chảy ra ngoài sẽ gây áp lực gấp đôi lên dự trữ ngoại hối và tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nếu cả hai đều giảm xuống thấp thì sẽ làm suy yếu thêm niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc mất đi sức hấp dẫn, các công ty Nhật Bản lạc quan về Ấn Độ và Việt Nam
Trong số đó, cơn sốt Trung Quốc đang hạ nhiệt ở các doanh nghiệp có vốn Nhật Bản là đặc biệt rõ ràng. Theo báo cáo của Nikkei ngày 15/12, một cuộc thăm dò do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) thực hiện về hoạt động kinh doanh nước ngoài của ngành sản xuất Nhật Bản cho thấy, trong số các thị trường nước ngoài mà các doanh nhân Nhật Bản lạc quan trong 3 năm tới, Ấn Độ đứng đầu 2 năm liên tiếp, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc và vươn lên vị trí thứ 2.
Cuộc khảo sát chủ yếu tập trung vào ngành ô tô, động cơ và điện tử của Nhật Bản. Theo báo cáo, Trung Quốc từng là thị trường hứa hẹn nhất đối với các doanh nhân Nhật Bản, nhưng hiện chỉ có 28,4% công ty Nhật Bản còn quan tâm đến Trung Quốc, đây là mức thấp kỷ lục, và thấp hơn nhiều sự lạc quan 48,6% của Ấn Độ. Nhân tố đằng sau đương nhiên là sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Về nguyên nhân khiến Việt Nam được đón nhận nồng nhiệt, báo cáo dẫn lời các doanh nhân Nhật Bản cho rằng đó là nhờ lực lượng lao động rẻ và nhân tài của Việt Nam, mặc dù tỷ lệ các công ty Nhật Bản có kế hoạch đầu tư cụ thể vào Việt Nam vẫn thấp hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Viện này phân tích, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính và cứu trợ cho các công ty bất động sản gặp khó khăn, nhưng cách làm che đậy này có thể chỉ làm tăng áp lực nợ xấu lên hệ thống tài chính. Giả sử “kịch bản xấu nhất” thực sự xảy ra vào năm 2027, tức là khi giá bất động sản giảm mạnh và các công ty nhà ở gặp khó khăn không thể thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng, nợ xấu của tất cả các ngân hàng cỡ nhỏ và trung bình của Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng, loại khủng hoảng tài chính địa phương này có thể buộc dòng vốn tháo chạy nhanh hơn, nếu đồng Nhân dân tệ mất giá dưới 9 nhân dân tệ đổi 1 đồng đô la Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc có thể chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng thấp dưới 1,5%.
Báo cáo nhận định, ngay cả khi thị trường nhà đất Trung Quốc không gây ra rủi ro lớn về tài chính, nhưng nếu thị trường nhà đất, vốn luôn là đầu tàu của nền kinh tế, tiếp tục trì trệ, thì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống 3% vào năm 2029 hoặc thậm chí dưới 2% vào năm 2035. Khi đó, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ chỉ bằng 80% của Mỹ. Những kỳ vọng ban đầu rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tan vỡ. Nếu “Trung – Mỹ đảo ngược” khó đạt được, thì Ấn Độ, một ngôi sao đang lên, có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 6%, có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trực tiếp đuổi kịp Trung Quốc.
Từ “vốn đầu tư nước ngoài rút lui” cho đến “cơn sốt Trung Quốc của các doanh nghiệp Nhật Bản đã hạ nhiệt”, ông Trần Văn Giáp của Đại học Kainan tin rằng trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu đang chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi khác, đây là một xu hướng khó đảo ngược. Tuy nhiên, thách thức và cơ hội đối với kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại song song, trong đó thách thức kinh tế nặng nề nhất là tốc độ tăng trưởng chậm lại, dân số già hóa và quan hệ thù địch với các nước thương mại lớn.
Dữ liệu kinh tế phục hồi trong tháng 11, Bộ An ninh Quốc gia ban hành văn bản “cấm lan truyền thông tin không tốt”
Sau việc thường xuyên có tin xấu về kinh tế Trung Quốc, thì đã có những dấu hiệu cải thiện lạc quan trong tháng 11. Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/12 cho thấy nhiều chỉ số kinh tế phục hồi đáng kể trong tháng 11. Trong đó, giá trị tăng thêm của các doanh nghiệp quy mô công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 4,6%; tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng cũng tăng 10,1% so với cùng kỳ tháng 11 năm ngoái, nhưng thấp hơn mức dự kiến 12,9%. Về thị trường bất động sản, quy mô giao dịch nhà ở thương mại tại 70 thành phố lớn và vừa trên cả nước cũng tăng trong tháng 11, nhưng giá bán vẫn giảm và giá chung của thị trường bất động sản yếu.
Về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị toàn quốc là 5% trong tháng 11, giảm 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Cục Thống kê Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu việc làm mới và đã ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên kể từ tháng 8. Lý do chính thức vào thời điểm đó là công tác thống kê cần phải liên tục được cải thiện, sau khi được tối ưu hóa thì sẽ công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp của năm sau.
Ngoài ngăn chặn việc công bố những dữ liệu “đáng hổ thẹn”, chính quyền Trung Quốc cũng cấm các nhân vật tài chính tư nhân, bao gồm cả các blogger trên mạng xã hội WeChat, nói xấu nền kinh tế Trung Quốc.
Vào ngày 15/12, tài khoản công khai WeChat của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã đăng một bài đăng có tựa đề “Cơ quan An ninh Quốc gia kiên quyết xây dựng hàng rào an ninh kinh tế mạnh mẽ”, nêu rõ: “Lĩnh vực kinh tế hiện nay đã trở thành chiến trường quan trọng để cạnh tranh giữa các cường quốc, và nhiều ‘lời sáo rỗng’ nhằm nói xấu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuất hiện, tiếp tục tấn công, phủ nhận hệ thống và con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đồng thời tìm cách vây chặn và đàn áp Trung Quốc một cách có chiến lược.”
Cùng thời điểm thông báo được đưa ra, trên mạng xã hội Weibo xuất hiện thông tin một số blogger được chứng nhận với (bằng dấu chữ V) đã bị cấm vì nói xấu nền kinh tế Trung Quốc. Một số người tiết lộ rằng họ đã được nền tảng này cảnh báo hãy cẩn thận khi nói.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc không chấp nhận những nỗ lực của chính quyền nhằm che đậy sự thật kinh tế và đàn áp ngôn luận, một số cư dân mạng đã để lại bình luận trên weibo một cách mỉa mai: “Nếu nói xấu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thì chúng ta hãy cùng nhau nói xấu đế quốc Mỹ và Nhật Bản!”
Một cư dân mạng khác để lại bình luận: “Thị trường chứng khoán đã sa sút quá bi thảm, bản thân điều này đang nói xấu nền kinh tế Trung Quốc”.
Về vấn đề này, ông Vương Kiếm (Wang Jian), nhà bình luận thời sự ở Boston, Mỹ, thẳng thừng cho rằng hành vi che giấu sự thật của chính quyền Trung Quốc cuối cùng sẽ làm mất uy tín của họ. Ông nói với VOA: “Không một chính phủ bình thường nào lại làm một việc như vậy, nhưng họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã làm tất cả. Nếu bạn công bố các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong tương lai, liệu có ai còn lấy đó làm thông số để đo lường không? Sẽ không! Thực tế, tổn thất này là rất lớn.”
Ông Vương Kiếm cho rằng một rủi ro lớn khác đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 là nợ địa phương, bởi nền kinh tế Trung Quốc đã vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích tăng trưởng trong 20 năm qua. Khi nợ nần chồng chất, chỉ riêng khoản lãi vay của chính quyền địa phương có thể chiếm tới một nửa doanh thu tài chính của họ, do đó, việc vỡ nợ tài chính và gây ra khủng hoảng tài chính chỉ còn là vấn đề thời gian.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện