Phóng viên Úc bị chặn khi tác nghiệp tại Bắc Kinh, truyền thông nước ngoài bị giám sát
- Hân Linh
- •
Ngày 14/7, khi theo chân Thủ tướng Úc Anthony Albanese thăm Trung Quốc, một phóng viên của Đài Truyền hình Quốc gia Úc (ABC) đã bị các nhân viên an ninh ngăn cản khi đang quay phim tại khu phố Cổ ở Bắc Kinh. Thậm chí, phóng viên này bị hạn chế tự do cá nhân trong một thời gian ngắn, và chỉ được rời đi sau khi Đại sứ quán Úc tại Trung Quốc can thiệp. Sự việc đã gây chú ý trong dư luận.
Một số học giả cho rằng, việc Trung Quốc giám sát và can thiệp vào hoạt động của truyền thông nước ngoài đang trở nên bình thường hóa, phản ánh sự gia tăng kiểm soát thông tin trên diện rộng.
Theo hình ảnh do ABC đăng tải, phóng viên Stephen Dziedzic đang quay cảnh sinh hoạt đời thường tại khu phố cổ gần tháp Trống ở quận Đông Thành, Bắc Kinh, thì bất ngờ bị một nhóm nhân viên an ninh mặc đồng phục vây.
Họ yêu cầu anh lập tức dừng quay và nói rằng “ở đây không được phép quay” và “những gì anh quay là bất hợp pháp”. Hai bên đã xảy ra lời qua tiếng lại. Theo ABC, Stephen bị “tạm thời giam giữ”, nhưng không bị buộc tội chính thức.
Trước ống kính máy quay, Stephen cho biết họ bị một nhóm nhân viên an ninh mặc đồng phục ngăn cản. Anh cho rằng những người này là nhân viên tuần tra do chính quyền địa phương thuê. Đại sứ quán Úc tại Trung Quốc đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Họ có visa hợp pháp, cũng đã được cấp phép quay phim, nhưng dường như những thông tin này không đến được cấp cơ sở. Kết quả là, họ bị nhân viên an ninh vây lại và không thể tiếp tục quay phim.
Trong video, có thể thấy nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục và đồng phục đứng xung quanh phóng viên, tạo thành vòng vây, mặt lạnh tanh và không đáp lời.
Một người phụ nữ họ Hạ (tên giả), cán bộ về hưu của ủy ban cư dân một khu phố ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, tiết lộ với Epoch Times rằng những năm gần đây, các đồn công an đã yêu cầu cấp cơ sở chú ý đến hoạt động của người nước ngoài trong cộng đồng, đặc biệt là khi họ cầm theo máy quay hoặc thiết bị ghi hình.
Bà nói: “Phải xem người nước ngoài quay gì. Nếu quay cống rãnh, nhà tồi tàn, người ăn xin hay người tàn tật thì đều không được. Phải lập tức báo cho công an, không được để họ đi mất.”
Bà Hạ cho biết thêm, con gái bà hiện làm việc tại văn phòng khu phố cũng nhận được thông báo tương tự. Khi gặp người nước ngoài quay phim, phải lập tức hỏi danh tính, cơ quan truyền thông trực thuộc và mục đích quay. “Bây giờ ở Bắc Kinh, ai cũng phải cảnh giác, giống như thời chúng tôi còn nhỏ bị điều đi ‘lên núi về nông thôn’ vậy.”
Từ “ngầm cho phép” đến “cảnh giác toàn diện”
Bà Trương (tên giả), một nhà báo độc lập tại Bắc Kinh, khi trả lời phỏng vấn Epoch Times đã so sánh với thời kỳ đầu cải cách mở cửa vào những năm 1970–1980. Khi đó, truyền thông nước ngoài quay phim ngoài đường thường thu hút người dân tò mò đứng xem, nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ đó là “do chính phủ sắp đặt” và rất ít người can thiệp.
Bà nói: “Trước đây, ngay cả cảnh sát cũng hiếm khi can thiệp. Nhưng bây giờ thì khác, ngay cả bảo vệ khu dân cư cũng xông ra cấm phóng viên quay, thậm chí bắt họ xóa tư liệu.”
Hiện tại, pháp luật Trung Quốc không cấm rõ ràng việc phóng viên nước ngoài quay phim tại nơi công cộng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng trong thực tế, phóng viên nước ngoài thường bị “can thiệp tạm thời” hoặc “hạn chế tùy tiện”.
Ông Trương Minh (tên giả), một học giả nghiên cứu chính sách truyền thông, cho biết, những năm gần đây khu tháp Trống ở Bắc Kinh trở thành trọng điểm “duy trì ổn định” của chính quyền, do đó rất dễ “dính đạn” khi quay phim ở đây.
“Chúng tôi nghe nói không ít phóng viên nước ngoài từng bị bám đuôi, kiểm tra, trục xuất hoặc buộc dừng phỏng vấn khi đến Trung Nam Hải, Văn phòng Tiếp dân Quốc gia, Nội Mông hay Tân Cương.
Thậm chí cả truyền thông nội địa Trung Quốc cũng khó tránh. Chính quyền không giải thích lý do, trong khi nhân viên an ninh cơ sở lại không được đào tạo chuyên nghiệp, khiến việc tác nghiệp của phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc ngày càng khó khăn.”
Luật chống gián điệp mới: Tăng cường giám sát truyền thông nước ngoài
Bà Tống Hà (tên giả), một nhà nghiên cứu chính sách truyền thông, cho biết từ khi phiên bản mới của Luật Chống Gián điệp có hiệu lực ngày 1/7/2023, thái độ của chính quyền đối với truyền thông nước ngoài đã thay đổi rõ rệt.
“Chính quyền đã đánh đồng ‘an ninh dư luận’ với ‘an ninh quốc gia’, chuyển từ chiến lược ‘quản lý và khai thác’ sang ‘phòng ngừa và hạn chế’ với truyền thông nước ngoài. Dù chỉ quay Tháp Trống hay Tiền Môn, nhân viên cơ sở cũng có thể coi đây là mối đe dọa và tìm cách can thiệp.”
Bà Tống nhấn mạnh, hiện tại Trung Quốc rất cảnh giác với bất kỳ hành vi quay phim không chính thức nào: “Hành vi ghi hình chưa được phê duyệt thường bị coi là làm rối trật tự hoặc thậm chí là tình nghi gián điệp. Không gian tác nghiệp của truyền thông nước ngoài tại Trung Quốc đang bị thu hẹp nghiêm trọng.”
Bà Trương, một nhà báo kỳ cựu theo dõi quan hệ Trung – Úc, cho biết mặc dù gần đây lãnh đạo cấp cao hai nước có nhiều trao đổi, nhưng sự cảnh giác của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với truyền thông nước ngoài vẫn không hề giảm bớt.
Bà nói: “Phóng viên nước ngoài đừng nghĩ nội dung mình quay không nhạy cảm thì không sao. Trong mắt chính quyền, điều nhạy cảm chính là thân phận của anh, chứ không phải nội dung anh tác nghiệp.”
Bà Trương cũng cho biết nhiều cán bộ địa phương và nhân viên an ninh coi “phóng viên nước ngoài” đồng nghĩa với “thế lực thù địch” và “truyền thông bịa đặt”. Vì vậy, quy trình phổ biến hiện nay là “trước tiên khống chế, sau đó xin chỉ thị, cuối cùng mới thả người.”
Sự kiện lần này xảy ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Úc Albanese gặp Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường. Theo bà Trương, điều đó cho thấy rằng, ngay cả khi bề mặt ngoại giao cấp cao có vẻ như “tan băng”, thì ở tầng thể chế, sự đàn áp đối với truyền thông nước ngoài vẫn tiếp tục và có thể khiến phía Úc thêm lo ngại về tình trạng thiếu tự do báo chí ở Trung Quốc.
Từ khóa Thủ tướng Úc cấm quay phim ABC News
