Quảng Đông động viên 300.000 thanh niên về nông thôn để phát triển
- Lý Mộc Tử
- •
Phong trào cuồng nhiệt “về nông thôn” bắt đầu ở Trung Quốc vào những năm 1960 dường như đang quay trở lại. Gần đây, tỉnh Quảng Đông đã đưa ra kế hoạch hành động 3 năm, sẽ tổ chức cho 300.000 thanh niên “về nông thôn, trở về nông thôn để phát triển nông thôn“, điều này đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng.
Cư dân mạng: Chuyển dịch vấn đề thanh niên tìm được việc làm
Theo trang web chính thức của Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Đông, vào ngày 20/2, “Kế hoạch hành động 3 năm cho thanh niên Quảng Đông về nông thôn, trở về nông thôn” để giúp đỡ dự án phát triển chất lượng cao của “trăm huyện, ngàn trấn và vạn thôn” đã được công bố.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025 sẽ có 300.000 thanh niên “về nông thôn, trở về nông thôn để phát triển nông thôn”. Trong số đó, 100.000 thanh niên sẽ về nông thôn giúp đỡ, hỗ trợ; liên hệ phục vụ 100.000 thanh niên về quê tu nghiệp thực tiễn; đào tạo 100.000 thanh niên nâng cao tay nghề để phát triển nông thôn; phấn đấu đưa 10.000 thanh niên về huyện, nông thôn lập nghiệp, tìm việc làm; bồi dưỡng hỗ trợ 10.000 thanh niên khởi nghiệp ở khu vực các huyện.
Các cư dân mạng bình luận về điều này:
“Thiếu việc làm, lại sợ người dân bạo loạn; bê ra chính sách ‘lên núi, về nông thôn’ trước đây!”
“Thanh niên không có việc làm mà ở lại thành phố thì quá nguy hiểm, cho nên vẫn là tản về nông thôn, sau đó toàn dân học tập ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’, cưỡng chế tẩy não, từng bước từng bước như thế.”
“Một sự tái sinh lịch sử khác. Tất cả là do con người tạo ra thảm họa không có việc làm, cho nên một số lượng lớn những người trẻ tuổi thất nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.”
Một số cư dân mạng tỏ ra lo lắng và đặt câu hỏi:
“Công xã nhân dân không còn rồi, người thành phố lên núi, về quê, nhà ở ở chỗ nào? Đến ruộng đất nhà ai để làm nông nghiệp? Khẩu phần lương thực thu hoạch trên đất của ai?”
Bình luận: Hai lần phong trào “lên núi, về nông thôn” của ĐCSTQ là nhằm đẩy thanh niên trí thức về nông thôn để nông dân hóa họ
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), phong trào “lên núi, về nông thôn” bắt đầu từ những năm 1950, phát triển vào giữa những năm 1960 và cuối cùng kết thúc vào cuối những năm 1970. Khi đó, dưới sự kêu gọi và tổ chức của ĐCSTQ, hàng chục triệu thanh niên trí thức thành thị bị đưa đi “chi viện” các vùng nông thôn, biên cương, tha hương xa xứ không có ngày về, phong trào “lên núi, về nông thôn” làm việc học hành gián đoạn, không được học hành đã trở thành cơn ác mộng của cả một thế hệ thời đó.
Theo báo cáo, lý luận của ĐCSTQ về phong trào “lên núi, về nông thôn” trong thời đại Mao Trạch Đông là để thu hẹp “3 khác biệt lớn”, đó là sự khác biệt giữa công nhân và nông dân, sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, và sự khác biệt giữa lao động thể chất và trí óc. Ngoài việc giải quyết các vấn đề kinh tế nghiêm trọng do Cách mạng Văn hóa mang lại, điều quan trọng hơn là phải trục xuất những thanh niên trí thức có “nhiệt tình cách mạng và tư duy tích cực” ra khỏi thành phố để củng cố chính quyền.
Ông Tống Vĩnh Nghị (Song Yongyi), giáo sư tại phân hiệu Los Angeles của Đại học Bang California và là học giả về lịch sử của ĐCSTQ và Cách mạng Văn hóa, nói với VOA rằng bất kể phong trào “lên núi, về nông thôn” thuộc thời Mao hay thời Tập, điểm giống nhau chính là đẩy thanh niên trí thức về nông thôn, để những người trí thức hay thanh niên trí thức bị nông dân hóa.
Ông nói: “Cho dù là thanh niên trí thức hay phần tử trí thức, họ đều có suy nghĩ độc lập hơn, bởi vì họ có tri thức và có lợi thế về tri thức. Vì vậy, dù là Mao Trạch Đông hay Tập Cận Bình, họ đều không muốn những người này có đầu óc độc lập, nên cần đưa họ về nông thôn, chính là nông dân hóa họ. Nông dân hóa trí thức là thụt lùi về mặt văn minh, chính là một bước củng cố về mặt cai trị, bởi vì ông ta phải kiểm soát tâm trí của người dân.”
Học giả: Chính quyền không giải quyết được vấn đề việc làm nên đưa người về quê
Trong kỳ họp “lưỡng hội” của ĐCSTQ năm nay, có đại biểu Nhân đại đã đưa ra đề xuất “hướng dẫn sinh viên đại học tham gia vào đội ngũ công việc nông dân chất lượng cao“, điều này đã bị cư dân mạng chế giễu vào thời điểm đó. Ông Lý Thuẫn (Li Shun), một nhà xã hội học tại Đại học Thanh Hoa, nói với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng trước suy thoái kinh tế của Trung Quốc, tình hình việc làm của sinh viên đại học đặc biệt nghiêm trọng, và chính phủ từ lâu đã nghĩ đến việc chuyển sinh viên đại học về các vùng nông thôn. Đề xuất về nông thôn này của đại biểu Nhân đại phản ánh mong muốn của ĐCSTQ là phát động một phong trào “lên núi, về nông thôn” mới.
Ông Lý nói: “Bây giờ toàn bộ việc làm là một vấn đề lớn, đặc biệt là việc làm của sinh viên đại học. Bản thân nền kinh tế đang bị thu hẹp. Sự suy giảm này không phải bắt đầu từ lúc bùng phát dịch bệnh. Nó đã bị thu hẹp từ lâu và trong một thời gian dài. Cộng thêm 3 năm dịch bệnh, tình hình việc làm nói chung không tốt. Chính phủ giải quyết không được vấn đề việc làm nên đưa người về quê, chính là cái gọi là ‘lên núi, về nông thôn’ mới.”
Ông Vạn Nhuận Nam (Wan Runnan), người sáng lập Công ty Stone Bắc Kinh đang sống lưu vong ở Pháp, cũng nói với RFA: “Bây giờ ĐCSTQ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, và những người trẻ tuổi ‘nằm ngửa’ ở nhà. Trung Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn như vậy. Một biện pháp chính là, nông thôn là một hồ chứa lớn, đã có đến mấy lần ‘lên núi, về nông thôn’ rồi. Bây giờ khi động não thì chính là nghĩ, vì không có nhiều cơ hội việc làm, và một lần nữa tôi coi nông thôn là vũ khí thần kỳ để giải quyết những khó khăn hiện tại.”
Từ khóa Dòng sự kiện thất nghiệp ở Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc Phong trào về nông thôn