Tình hình ở Hồng Kông đang thể hiện tương lai chính trị Trung Quốc
- Trí Đạt
- •
Phong phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông ngày càng kịch liệt, cả 4 thế hệ người Hồng Kông đều đứng ra, kiên quyết chống lại dự luật tà ác, chống lại chính quyền bạo chính. Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan cho rằng, sự quan tâm chính trị của người dân Hồng Kông là một bài học cho Bắc Kinh, hiện tại những người xem ra không có vẻ quan tâm đến chính trị, chưa chắc không thể thay đổi giống như người Hồng Kông.
Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan đưa tin, để phản đối dự luật “Luật đào phạm” sửa đổi, hơn 2 tháng qua, người dân Hồng Kông liên tiếp phát động phong trào kháng nghị, từ kháng nghị ngoài đường phố cho đến bãi công, bãi thị, bãi khoá, khiến cho nhiều nước Âu, Mỹ chú ý cao độ.
Tờ Le Figaro tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Jean-Pierre Cabestan hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Tẩm hội Hồng Kông về cục diện Hồng Kông hiện nay.
Ông Jean-Pierre Cabestan cho rằng, Trưởng Đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga mới đầu xuất phát từ sự “mù quáng” nên mới thúc đẩy dự thảo luật này, mượn đó để nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh, mong muốn nhanh chóng thông qua; nhưng chắc chắn bà ấy không ngờ rằng người dân Hồng Kông lại phản đối trên quy mô lớn như hiện nay.
Ông nói, chính phủ Hồng Kông tuyên bố tạm hoãn dự luật sửa đổi, chứ không phải là rút lại, đây là quyết định của Bắc Kinh, trong sự kiện này, Bắc Kinh mới có quyền quyết định cuối cùng, trong các chủ đề thảo luận nội bộ về an ninh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hoàn toàn không thể làm chủ.
Về việc cảnh sát Hồng Kông hiện nay ngày càng có xu hướng dùng thủ đoạn trấn áp, ông Jean-Pierre Cabestan chỉ ra, bề ngoài, cảnh sát nghe lệnh của Trưởng đặc khu hành chính, thực tế là thông qua Văn phòng Liên lạc Trung ương, nghe theo chỉ thị của Công an ĐCSTQ; ông tiết lộ, Bắc Kinh ngầm phái rất nhiều cảnh sát từ Quảng Đông đến, ngôn ngữ họ nói tương đồng với người Hồng Kông, nên dễ trà trộn vào đám đông.
Ngoại giới nghi ngờ “một quốc gia hai chế độ” đã bị ĐCSTQ phá hoại nghiêm trọng, ông Jean-Pierre Cabestan cho rằng, về lý luận, chính phủ Bắc Kinh chỉ có thể nhúng tay vào các sự vụ ngoại giao và quốc phòng, nhưng thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã can thiệp cả vào việc quản lý an ninh Hồng Kông.
Ông nói, phong trào phản đối dự luật dẫn độ phát triển đến hiện nay, đã chuyển biến thành phong trào dân chủ toàn diện tại Hồng Kông, ăn khớp với “phong trào ô dù” yêu cầu bầu cử phổ thông năm 2014; nếu cho rằng lần này Bắc Kinh sẽ có quyết định khác, thì là quá lý tưởng hoá, ông cũng không quá tin vào việc Bắc Kinh sẽ nhượng bộ.
Ông nói, rất nhiều người Hồng Kông cho rằng, dù không biết chính quyền Bắc Kinh sẽ làm thế nào, nhưng cũng cần phải dũng cảm đứng ra, “Hơn 2 triệu người Hồng Kông yêu cầu dân chủ và tự do, đây là một cuộc khủng hoảng mà không ai biết được lối ra ở đâu, mọi người đều đang nghĩ Bắc Kinh và Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ giải quyết vấn đề này ra sao.”
Về lý do khả năng Trung Quốc hiện không lựa chọn can thiệp quân sự, ông Jean-Pierre Cabestan nói, “Một trong những lý do là ĐCSTQ muốn duy trì mức khả tín của ‘một quốc gia hai chế độ’, một nguyên tắc khác là ổn định tình hình xã hội, chính trị và tài chính của Hồng Kông.”
Ông cho rằng, không gian để cho ông Tập Cận Bình có thể điều khiển là rất nhỏ, không có lựa chọn khác, không thể bàng quan không để ý tới, nếu Bắc Kinh ra tay can dự và bổ nhiệm một Bí thư đảng uỷ nào đó đến quản lý Hồng Kông, thử nghĩ như thế sẽ thành thế nào? “Tầng quyền lực của Trung Quốc biết rất rõ Hồng Kông chống đảng Cộng sản Trung Quốc, đến lúc đó, mọi người đều muốn rời khỏi Hồng Kông, thậm chí có thể xuất hiện nạn dân ngồi thuyền bỏ trốn.”
Ông nói, năm 1997, chủ quyền Hồng Kông trao lại cho Trung Quốc, đã thúc đẩy người Hồng Kông quan tâm đến chính trị, bởi vì nước Trung Quốc do ĐCSTQ lãnh đạo, là một đảng độc quyền và bóp nghẹt tự do; điều này chứng minh con người có thể thay đổi, đối với Bắc Kinh mà nói, đây cũng là một bài học, “Ai có thể nói những người Trung Quốc – người mà hiện tại không quan tâm đến chính trị, lại không thể thay đổi giống như Hồng Kông chứ?”
Thanh niên Hồng Kông đã đưa ra câu trả lời đẹp nhất đối với chế độ độc tài
Arnaud de La Grange, tác giả chuyên viết các bài xã luận trên tờ Le Figaro của Pháp cũng có một bài viết về vấn đề Hồng Kông, ông cho rằng, người Hồng Kông đã đứng tra đúng thời điểm kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn, khiến cho nhiều người cảm thấy bất an, phảng phất đâu đó những “linh hồn phiêu đãng” bị Bắc Kinh sát hại năm 1989 đang truyền một sức mạnh cho những người Hồng Kông đứng ra kháng nghị, phản đối độc tài.
Ông nói, người ta cho rằng người Hồng Kông ngoan ngoãn nghe theo, dưới áp lực lớn của Trung Quốc Đại lục mà chịu cúi người; người ta cho rằng người Hồng Kông là người theo chủ nghĩa vật chất, chỉ biết chú ý đến kinh doanh và phồn vinh; nhưng họ đã cho cả thế giới thấy rằng sự thực không phải vậy, họ lúc nào cũng có thể chiến đấu vì đồng cảm thân phận, quyền lợi, tự do và tự do cho cả thế hệ sau.
Arnaud de La Grange cho rằng, tầng lãnh đạo của ĐCSTQ quá tự tin với quyền lực của mình, nhưng họ đã tính toán nhầm.
Cuối cùng ông viết, có một số quan niệm cũ rích cho rằng thế giới người Hoa không thể thực thi được dân chủ, chỉ có thể hoặc là độc tài hoặc là hỗn loạn, ĐCSTQ lại cũng hiểu được cách chơi, nhưng Hồng Kông và Đài Loan đã phá vỡ lối suy nghĩ này.
Ông nói: “Những gì đang diễn ra trên đường phố Hồng Kông, không chỉ là vận mệnh của bản thân Hồng Kông, mà cũng là tương lai chính trị của Trung Quốc, thậm chí có thể nói rộng hơn, chính là tương lai của châu Á; tiếng hát của thanh niên Hồng Kông, là câu trả lời đẹp nhất nhắm vào chế độ độc tài chuyên chế.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông biểu tình ở Hồng Kông phản đối luật dẫn độ