Những “ngày chó của mùa hè” (dog days), ý chỉ những ngày nóng nhất, oi bức nhất của mùa hè, còn chưa đến nhưng nhiều nơi tại Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục. Đặc biệt Thượng Hải đã đạt 40,9℃ là kỷ lục nhiệt độ cao nhất kể từ khi Thượng Hải bắt đầu có hồ sơ khí tượng vào 1873.

Ngay lập tức vấn đề “nhiệt độ kỷ lục” đã lên top 10 tìm kiếm nóng của Trung Quốc Đại Lục. Kể từ khi vào hè, Trung Quốc đã hứng chịu thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng và mưa xối xả tàn phá. Gần đây, một số khu vực đã bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng như “nướng thịt” khiến nhiều người đã phải nhập viện và thậm chí đã có một số người thiệt mạng vì nóng.

Thượng Hải: Nhiệt độ cao kỷ lục kể từ khi có hồ sơ thời tiết vào năm 1873

Theo tin tức do cơ quan chức năng thời tiết Trung Quốc công bố vào ngày 13/7, vào lúc 14:30 hôm 13/7 nhiệt độ tại ga Từ Gia Hối (Xujiahui) – Thượng Hải đạt tới 40,9°C, đánh dấu kỷ lục nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1873 khi Thượng Hải có hồ sơ khí tượng.

Ngoài ra, theo @ShanghaiWeatherNews, vào lúc 11:55 ngày 13/7/2022 Đài Quan sát Khí tượng Trung tâm Thượng Hải đã cập nhật từ tín hiệu cảnh báo nhiệt độ cao màu cam thành màu đỏ: Bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao cận nhiệt đới, nhiệt độ hiện tại ở Thượng Hải đang tăng cao nhanh, dự kiến các khu trung tâm ngày hôm nay sẽ lên tới 40℃, theo đó tín hiệu cảnh báo nhiệt độ cao màu cam sẽ được cập nhật thành tín hiệu màu đỏ.

Trước đó vào ngày 10/7, Thượng Hải lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ban hành cảnh báo đỏ nhiệt độ cao. Nhiệt độ cao nhất ở Thượng Hải ngày hôm đó cuối cùng đã được ấn định ở mức 40℃ và là mốc 40℃ sớm nhất được biết đến cảnh báo ở Thượng Hải. Năm nay cũng được biết đến thành năm đầu tiên Thượng Hải ban hành cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ.

p3181281a328078925
Nhiệt độ ở Thượng Hải

“Cơn lốc” nhiệt độ cao tấn công Đại Lục

Theo các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ mùa hè năm nay, Trung Quốc Đại Lục đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng và mưa xối xả tàn phá đất nước. Gần đây, một số khu vực đã bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng như “nướng thịt” được CCTV ví là “quá trình nhiệt độ cao kéo dài nhất” trong năm nay.

Tại Giang Tây, có nơi nhiệt độ mặt đường cao tới 59℃ làm mặt đường ở một thị trấn thậm chí còn bị cong lên 15 cm do quá nóng; các địa điểm công trình xây dựng được thay đổi giờ làm việc từ lúc 6:00 sáng và cũng phải triển khai thời gian làm việc linh hoạt.

Tính đến 20:30 ngày 12/7, trên toàn Trung Quốc Đại Lục đã có 57 nơi ban hành cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao, theo đó nhiệt độ cao nhất phải kể là ở những nơi như Chiết Giang, Giang Tô, Tứ Xuyên, An Huy… vượt quá 40°C.

Lúc 18:00 ngày 12/7, Đài Quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao màu cam và dự báo ngày 13/7 nhiệt độ ở các nơi như nam Giang Tô, bắc Chiết Giang, đông nam Tứ Xuyên, hầu hết Trùng Khánh và đông bắc Vân Nam lên đến hơn 40°C.

Người dân Đại Lục dồn dập chia sẻ trên mạng xã hội, có người cho biết dù 18:00 tối vẫn còn 35°C khiến họ gần như bị say nắng.

Theo Đài Quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc, kể từ ngày 6/7 có 18 tỉnh, thành phố và khu vực đã trải qua nhiệt độ cao 35°C; tuy nhiên hệ thống nhiệt độ cao ở phía bắc sẽ tiếp tục xảy ra.

Nhiều người nhập viện, có người tử vong

Nhiệt độ cao liên tục không chỉ khiến cơ thể người khó chịu, dễ sinh bệnh, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người ở Chiết Giang đã được chẩn đoán là bị say nắng, cũng đã có trường hợp tử vong.

Theo The Paper của nhà nước Trung Quốc đưa tin, trong tuần qua nhiệt độ cao ở Chiết Giang tiếp tục tăng cao, phóng viên tìm hiểu tại nhiều bệnh viện ở Chiết Giang được biết những ngày gần đây, liên tiếp có bệnh nhân say nắng phải vào viện, nhiều người được chẩn đoán là bị sốc nhiệt và cũng đã có người thiệt mạng. Ví dụ ngày 6/7, một nam bệnh nhân 49 tuổi đột ngột ngã quỵ khi đang làm việc, khi nhập viện kiểm tra thân nhiệt là 40,7 °C.

Bác sĩ Wu Jianrong thuộc Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Trung tâm Thành phố Lệ Thủy nói với tờ “The Paper” rằng sau khi kiểm tra, bệnh nhân bị suy đa tạng và đông máu lan tỏa nội mạch, sau 31 giờ cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn tử vong vào rạng sáng ngày 8/7.

Theo thống kê, trong tuần qua Bệnh viện Trung tâm Thành phố Lệ Thủy đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị say nắng, trong đó có một cụ bà 70 tuổi không chú ý phòng chống say nắng tại nhà đã sốt cao khi ngủ trưa và hôn mê, thân nhiệt lên tới 42,5°C khi được đưa đến bệnh viện, cụ cũng bị suy đa tạng phải cấp cứu.

Trước đó, một người đàn ông ở Trịnh Châu bất ngờ hôn mê vì say nắng phải đưa vào phòng ICU của bệnh viện để cấp cứu, bác sĩ đo nhiệt độ cơ thể cho biết là 42,3 độ C khiến tất cả các cơ quan trong cơ thể như thể bị “đun sôi” trong nước, làm nhiều cơ quan bị tổn thương. Cuối cùng bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt nặng.