Trung Quốc trình danh sách nhượng bộ Mỹ, truyền thông nhà nước im lặng
- Trí Đạt
- •
Gần đây, chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đệ trình một danh sách nhượng bộ theo những yêu cầu thương mại của Mỹ, vấn đề này đã không được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Ảnh minh họa từ Getty Images
Danh sách nhượng bộ thương mại mà gần đây ĐCSTQ cung cấp cho phía Mỹ có 142 nội dung, chia theo ba hình thức: ĐCSTQ đã sẵn sàng hành động, đang hành động giải quyết, và vùng cấm không đàm phán.
Về vấn đề này, Tổng thống Trump cho biết vào ngày 16/11 rằng danh sách đề xuất của Bắc Kinh là khá toàn diện, nhưng còn bốn hoặc năm nội dung quan trọng đã không được đưa vào, do đó Trump vẫn không thể chấp nhận danh sách này. Trump cũng nhấn mạnh, trong tương lai Mỹ và ĐCSTQ phải đạt được thỏa thuận công bằng hai bên cùng có lợi.
Nhiều suy đoán từ truyền thông quốc tế, truyền thông ĐCSTQ im lặng
Trong làn sóng bàn luận sôi nổi của truyền thông quốc tế về danh sách nhượng bộ này, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc lại giữ im lặng.
Nhật báo Apple Hồng Kông có nhận định, ĐCSTQ chịu cúi đầu trước Mỹ để đệ trình danh sách nhượng bộ và phương án cải cách thương mại nhằm tìm kiếm sự đồng ý đối thủ, đây là vấn đề cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử của ĐCSTQ nói riêng cũng như lịch sử ngoại giao quốc tế nói chung, là điều vô cùng khôi hài; không biết ĐCSTQ phải giải thích với dân chúng thế nào. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hoàn toàn không đưa tin này, cho thấy bản chất cố hữu của kiểu tư duy làm việc không minh bạch.
Về vấn đề có từ bốn đến năm nội dung quan trọng mà ĐCSTQ không đưa vào danh sách như tuyên bố của Tổng thống Trump, trên Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) có quan điểm cho biết, thông thường nếu vấn đề nội dung liên quan đến tiếp cận thị trường hàng hóa nói chung, hoặc dịch vụ tài chính không quan trọng, trong tình cảnh Bắc Kinh muốn gấp rút thoát khỏi tình trạng khốn khó thì cho dù không thể làm được Bắc Kinh cũng sẽ đáp ứng trước.
RFI cũng chia sẻ thông tin cho rằng, trước đó có học giả Trung Quốc đã tiết lộ, ranh giới đàm phán của ĐCSTQ là “không cản trở việc nâng cấp các cải cách kinh tế của Trung Quốc”; còn Mỹ kêu gọi Bắc Kinh theo tiêu chuẩn kinh tế thị trường, ngăn chặn các khoản trợ cấp của chính phủ để phát triển doanh nghiệp công nghệ cao trong “Made in China 2025” hoặc “China Standard 2035”, và vấn đề Bắc Kinh không công nhận hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, những điều này chạm đến ranh giới thỏa hiệp của ĐCSTQ. Bên cạnh đó, theo quan điểm của cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow gần đây nói rằng hai bên không chỉ giới hạn ở đàm phán thương mại, từ đây có thể suy đoán vấn đề còn thiếu trong danh sách của Trung Quốc, thậm chí vấn đề liên quan đến Biển Đông và Đài Loan.
Nhật báo Apple trích dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết, danh sách này vẫn né tránh vấn đề trợ cấp chính phủ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trộm cắp sở hữu trí tuệ và các vấn đề cốt lõi khác liên quan đến “Made in China 2025”.
Đài VOA của Mỹ cho rằng, đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu G20 có thể là cơ hội tốt nhất để xoa dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Rất có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tận dụng bối cảnh hội nghị thượng đỉnh G20 để đạt được thỏa thuận. Và thỏa thuận này có khả năng là một nhượng bộ đáng kể của ĐCSTQ, bởi vì nếu không nhượng bộ có thể dẫn đến biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ, và thậm chí dẫn đến đối đầu toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhà bình luận thời sự Jason cho rằng, nếu Trump tạm dừng đánh thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, cho thấy đề nghị của Bắc Kinh có thể đủ để cho phép Washington tham gia đàm phán. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận trong G20, điều đó có nghĩa là các yêu cầu này của Mỹ đã được đáp ứng. Trong đó có “bốn hoặc năm yếu tố quan trọng” theo quan điểm của Trump, thậm chí ĐCSTQ có thể điều chỉnh chính sách thương mại, qua đó có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh thương mại.
Không thể đạt được thỏa thuận vào trước tháng Giêng năm 2019
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Trump đưa ra tuyên bố vào ngày 16, có quan chức Nhà Trắng đã nói với CNBC rằng thế giới bên ngoài không cần quá soi vào bài phát biểu của tổng thống, bởi vì cho đến nay không có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ sắp đạt được thỏa thuận.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng chia sẻ với giới truyền thông rằng hiện nay Mỹ đang nghiên cứu bản danh sách đáp ứng của Trung Quốc, cần thời gian để xem xét từng nội dung. Ông nói rằng đây chỉ là một trong những bước chuẩn bị cho “Hội đàm Trump – Tập”, chưa có kết luận cuối cùng về hướng mâu thuẫn thương mại. Hai nhà lãnh đạo mới chỉ tập trung vào “bối cảnh tổng thể”, có lẽ “Hội đàm Trump – Tập” sẽ chỉ có một Thỏa thuận Khung, “phương hướng chỉ đạo chung”.
Phó Tổng thống Pence cho biết cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ không hạ nhiệt sau Hội nghị thượng đỉnh APEC và trong ngắn hạn sẽ chưa thể kết thúc. Ông khẳng định rằng: “Không thể đạt được thỏa thuận vào trước tháng Giêng năm tới (đối với xung đột thương mại Mỹ – Trung)”, Mỹ vẫn có kế hoạch tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc vào tháng Giêng năm tới.
Jason cho rằng, dù cho “Hội đàm Trump – Tập” có đạt được thỏa thuận hay không thì chuyện nhượng bộ của ĐCSTQ chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Nhưng ngay cả khi ĐCSTQ đưa ra một thỏa hiệp toàn diện thì họ cũng sẽ không công bố cho dân chúng biết tình hình thực tế. Bất kể nhượng bộ ra sao, họ vẫn sẽ tuyên bố “Mỹ và Trung Quốc hai bên cùng thắng”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Truyền thông Trung Quốc chiến tranh thương mại