Truyền thông Trung Quốc “ghen tị” với thông tin bỏ hộ khẩu ở Việt Nam
- Tuyết Mai
- •
Việc Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ bỏ chế độ hộ khẩu ngay trước thềm Hội nghị APEC Việt Nam 2017 (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương), đã gây cơn sốt bình luận từ truyền thông Trung Quốc…
Sau đề nghị bãi bỏ hình thức quản lý bằng hộ khẩu của nhiều đơn vị cơ quan công quyền từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay, cuối cùng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an. Theo đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Nghị quyết còn ban hành việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 30/10/2017.
Năm 1975 Việt Nam thống nhất đất nước và áp dụng chế độ quản lý bằng hộ khẩu trên toàn quốc. Theo chế độ này, cá nhân phải đăng ký một nơi ở cố định, mọi vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, mua nhà, đi làm… đều liên quan đến hộ khẩu. Ban đầu chế độ hổ khẩu nhằm kiểm soát người dân từ vùng thôn quê di chuyển lên thành thị, sau đó Chính phủ còn dùng chế độ này để khống chế những phần tử được liệt vào nhóm bất đồng chính kiến. Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc, người ở thôn quê thường lên đô thị tìm đường phát triển sự nghiệp, nhưng chế độ hộ khẩu biến họ thành “công dân hạng hai” của đô thị, đồng thời phát sinh nhiều vấn nạn văn hóa – xã hội phức tạp khác.
Như vậy sau hơn 40 năm áp dụng mô hình quản lý giống Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã quyết định hủy bỏ chế độ hộ khẩu ngay trước thềm Hội nghị APEC có thể nhằm truyền tải thông điệp: Việt Nam đang hướng đến giá trị dân chủ, sẽ có thêm nhiều cải cách trong tương lai, xã hội sẽ ngày càng cởi mở hơn.
Cải cách này của Việt Nam khiến truyền thông Trung Quốc bàn tán sôi nổi bởi người dân nước này đang phải gánh chịu sự phiền phức do quản lý theo hộ khẩu gây ra.
Tờ “Nhìn về Trung Quốc” đăng một bài viết dài, gọi chính sách mới này của Việt Nam là “mang tính cách mạng”, qua đó nhìn lại thảm trạng này ở Trung Quốc, dù gây bao nhiêu khó khăn cho người dân nhưng cho đến giờ vẫn không chịu thay đổi.
Bài viết chỉ ra, hiện nay trên thế giới chỉ còn vài nước có chế độ quản lý bằng hộ khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Cu Ba. Nhưng chế độ hộ khẩu của Nhật Bản chỉ đăng ký định kỳ, 15 phút là hoàn thành.
Đối với Trung Quốc, cho dù người dân đã không ngừng lên tiếng yêu cầu từ bỏ chế độ hộ khẩu, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển gì. Năm 2015, Trung Quốc đề ra “Giấy phép cư trú (Dự thảo)”, lại là một phiên bản khác của của chế độ hộ khẩu. Nhưng cho dù có Giấy cư trú ở Bắc Kinh thì vẫn không phải dân thành thị Bắc Kinh, người có loại giấy này vẫn chỉ là “công dân hạng hai” tại đây…
Chế độ hộ khẩu là chế độ đặc thù Trung Quốc, được du nhập vào từ thời xây dựng đất nước, khi đó là giai đoạn thực hiện kinh tế kế hoạch. Vào thời này, xã hội thiếu thốn mọi thứ: cơ hội việc làm, cung cấp lương thực, nơi ở…, vì vậy Chính phủ dùng chế độ này để thống nhất quản lý, để mỗi người được hưởng một phần lương thực hàng tháng một cách công bằng. Đến thời kinh tế thị trường, đáng ra chế độ này sớm phải cải cách hoặc loại bỏ, vì công dân của một nước mà không được tự do thay đổi nơi cư trú ở nước mình thì thật vô lý.
Cho đến sau thập niên 60, người dân Trung Quốc mới ý thức được tầm quan trọng của hộ khẩu thành phố, vì hộ khẩu không phải muốn có là được, muốn chuyển là chuyển, phải tốn kém rất nhiều tiền của. Sau thập niên 80, chi phí cho hộ khẩu ngày càng tốn kém, ai sinh con vượt kế hoạch muốn ghi vào hộ khẩu phải chi một khoản “tiền phạt” không nhỏ, hộ khẩu nông thôn chuyển sang phi nông thôn phải trả một lượng lớn chi phí vô lý… Theo kết quả điều tra dân số lần thứ 6, Trung Quốc có khoảng 13 triệu người không có hộ khẩu, trở thành “người lậu” theo cách gọi thông tục tại nước này. Trên 60% số “người lậu” này là từ sinh vượt kế hoạch, những trường hợp khác bao gồm không chủ động đăng ký hộ khẩu, con rơi, sinh trong trường hợp chưa kết hôn, bị mất giấy tờ liên quan… Vì không có hộ khẩu nên những người này không được xã hội đảm bảo; công việc, cuộc sống và cơ hội học hành trở thành không bình thường. Trong một quốc gia có 1% dân số không có hộ khẩu trở thành hiện tượng quái đản của quản lý hộ khẩu ở Trung Quốc.
Bài báo cũng nhận định, trong lịch sử Việt Nam thường noi theo Trung Quốc, nhưng đến giờ chiếc kim đồng hồ lịch sử đã quay ngược: Trung Quốc cần noi theo Việt Nam.
Tin tức Đài Loan có bài viết tựa đề: “Không học theo Trung Quốc? Việt Nam bỏ chế độ hộ khẩu kéo dài hơn 40 năm”. Bài báo nhận định, việc Chính phủ Việt Nam bãi bỏ chế độ này vào thời điểm “nhạy cảm” ngay trước thềm Hội nghị APEC cho thấy bộ máy chính trị Việt Nam đang đi trước Trung Quốc, ngày càng cởi mở đối với các giá trị dân chủ phổ quát…
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc APEC 2017 hộ khẩu bãi bỏ sổ hộ khẩu