Tù nhân Duy Ngô Nhĩ sống sót phơi bày sự giả dối của ĐCSTQ
- Minh Nhật
- •
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng che đậy tình hình thực tế của tù nhân Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương thông qua hệ thống tuyên truyền giả dối.
ĐCSTQ thường xuyên che đậy và chối bỏ chiến dịch đàn áp và bắt giam khoảng 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương trong các trại cải tạo. Lúc đầu, quan chức chính quyền nói rằng các trại tập trung không hề tồn tại. Sau đó khi bằng chứng vệ tinh xuất hiện, chính quyền Trung Quốc lại lờ đi, rồi tuyên bố đó chỉ là các trung tâm dạy nghề. Rồi khi ngày càng có nhiều bằng chứng và nhân chứng về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ trong các “trung tâm dạy nghề”, thì vào ngày 30/7, quan chức Tân Cương lại nói rằng “khoảng 90% đã tìm được công việc phù hợp”, rằng hầu hết “đã quay lại với gia đình và xã hội”. Tuy nhiên trong bài viết đã đăng, tạp chí nhân quyền Bitter Winter từng phân tích về sự giả dối xoay quanh tuyên bố này. Không dừng lại ở đó, Bitter Winter đã thu thập được thông tin từ nhiều nhân chứng về thực trạng của người Duy Ngô Nhĩ và các trại tập trung tại Tân Cương.
ĐCSTQ cố gắng giả mạo hồ sơ tù nhân Duy Ngô Nhĩ
Một nhân chứng với biệt danh Gülna, được thả nhờ những áp lực gần đây của cộng đồng quốc tế, đã kể với phóng viên Bitter Winter về việc chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng giả mạo hồ sơ của những tù nhân Duy Ngô Nhĩ từng bị bắt giam. Trước đó, Gülna đã bị giam trong một trại giam tại Tân Cương cùng 5.000 người khác.
Không lâu sau khi được thả, một số quan chức tới nhà cô và nói với cô rằng hồ sơ giam giữ đã bị hủy, và họ cần phải chụp ảnh cô để tạo hồ sơ mới. Và theo hồ sơ mới này, cô không hề bị “giam” trong “các lớp học” mà chỉ ở nhà dưới sự quản thúc của chính quyền.
Gülna cho biết cô cảm thấy rất sốc trước nỗ lực dối trá của chính quyền ĐCSTQ. Trong 1 năm bị giam, các tù nhân Duy Ngô Nhĩ đã bị chia thành 4 nhóm khác nhau, bị chèn ép tùy thuộc cấp độ. Mỗi ngày, các tù nhân phải dành hàng tiếng đồng hồ học tiếng Trung, học luật và quy định, phải học và hát các “bài hát yêu nước” của ĐCSTQ.
“Tôi suýt nữa đã sụp đổ. Việc học không được phép dừng lại, và chúng tôi bị đối xử như tù nhân. Chúng tôi phải ngồi trên ghế đẩu hơn 10 tiếng mỗi ngày. Việc này làm tất cả mọi người bị táo bón nặng”, Gülna kể.
Các tù nhân bị đặt trong tình trạng giám sát 24/7, không được phép có tự do hay riêng tư, kể cả khi đi tắm. Nếu một tù nhân bị ốm và phải tới bệnh viện, người đó sẽ bị 3 lính gác có trang bị đầy đủ quản thúc.
Gülna cho biết: “Một số ‘học sinh’ hóa điên, không thể chịu nổi áp lực tâm lý. Một số cố gắng tự tử bằng cách đập vào tường, nuốt cắt móng tay, ăn đinh sắt…”
Hiện tại Gülna vẫn chưa hoàn toàn tự do, cô bị một người giám sát thường trực. Nếu cô muốn ra ngoài mua sắm thì cô phải xin phép, và phải trở về nhà đúng giờ. Khi cô sử dụng thẻ căn cước của mình trong quá trình mua sắm, cảnh sát sẽ lập tức tới, nhân viên an ninh lập tức có mặt để tra hỏi cô. “Mọi người nhìn tôi như tôi là tội phạm. Tôi không bao giờ muốn đi mua sắm nữa!”, Gülna buồn rầu nói.
Tạo ra tự do giả tạo
Trường hợp của Gülna không phải là cá biệt. Một nguồn tin trong chính quyền nói với phóng viên Bitter Winter rằng, để đối phó với áp lực từ quốc tế, ĐCSTQ đang cố gắng “làm đẹp các lớp học”, nhằm che dấu sự thực rằng đó là nơi những người vô tội bị giam giữ. Nguồn tin cũng lấy ví dụ về một trường hợp trong đó 4.500 tù nhân người Duy Ngô Nhĩ bị phân thành hai loại là “không nghiêm trọng” và “tội phạm”. Những trường hợp được phân vào nhóm “không nghiêm trọng” sẽ được chuyển từ trại giam tới các cơ sở nhà ở do nhà nước giám sát. Những trường hợp còn lại sẽ bị kết án nhiều năm tù. Sự thực là chính quyền chỉ đơn giản là chuyển tù nhân từ trong các trại tập trung bị lộ tới những nơi khác. Không ai có thể hoàn toàn được tự do.
Nhằm che dấu việc giam giữ hàng loạt này, các tù nhân từ Tân Cương sẽ bị chuyển tới các cơ sở giam giữ khác trên toàn quốc, từ những nơi gần Tân Cương như Cam Túc, cho tới những nơi xa như Hà Nam.
Ngoài ra, để “cho thấy” người Duy Ngô Nhĩ đang được “đối xử tử tế”, chính quyền còn dùng nhiều biện pháp khác để lừa người dân Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế. Đơn cử như vào tháng 7 vừa qua, 500 người trẻ tuổi từ Tân Cương đã được đưa tới Hà Nam trong cái gọi là cuộc du ngoạn do chính quyền đài thọ.
Một nguồn tin cho Bitter Winter biết, 500 người này được phân thành 5 nhóm, mỗi nhóm 100 người, và được phân công đi tới 5 thành phố khác nhau của Hà Nam. Ngày 30/7, một nhóm tới Thương Khâu, và được hộ tống bởi quan chức chính quyền, cảnh sát, cảnh sát chống bạo động, và phóng viên. Tất cả thành viên đều mặc áo đỏ, đi quanh các thắng cảnh địa phương. Nguồn tin cho biết: “Lý do chính làm việc này là để truyền thông chụp ảnh và quay phim. ĐCSTQ muốn sử dụng những người trẻ tuổi này để tuyên truyền, vì vụ việc ở Tân Cương đã khiến cộng đồng quốc tế lên án. Đây là một vở kịch để cho thấy nhân quyền tại Tân Cương được bảo vệ.”
Hiện tại, các thước phim về nhóm 500 người Tân Cương trẻ tuổi này vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên rõ ràng chúng sẽ được sử dụng để tuyên truyền dối trá, sau khi đã được chính quyền biên tập chỉnh sửa theo nhu cầu.
Đường dẫn liên quan đã được cập nhật trong bài
Minh Nhật biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ