Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên cao kỷ lục gần 20%
- Chính Hâm
- •
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết vào cuối tháng Sáu rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc cần sớm được kiểm soát, nhưng dữ liệu kinh tế được công bố mới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm dân số Trung Quốc từ 16-24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 19,3%.
Vào tối ngày 28/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm Bộ Nội vụ và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội. Trong hoạt động hôm đó, ông Lý có chủ trì một hội nghị và phát biểu rằng phải bảo vệ những người tham gia thị trường, ổn định thị trường việc làm cơ bản và bảo vệ sinh kế của người dân một cách hiệu quả.
Sau khi đã lắng nghe tình hình việc làm và báo cáo công việc, ông Lý Khắc Cường nói: “Chúng tôi sẽ sớm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại bình thường, thúc đẩy phát triển việc làm để đảm bảo sinh kế của người dân, giảm và kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp sớm nhất có thể”.
Trong thời gian gần đây đã nhiều lần ông Lý Khắc Cường đề cập đến ổn định việc làm, khẳng định “sinh kế của người dân có thể được đảm bảo khi việc làm ổn định, chỉ có tăng trưởng ổn định mới có thể hỗ trợ vấn đề này”.
Nhưng số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 15/7 vừa qua cho thấy, tình hình kinh tế Trung Quốc đang ở mức đáng lo ngại.
Theo tính toán sơ bộ của Cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nửa đầu năm là 56.264,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó GDP trong Quý II là 29.246,4 tỷ nhân dân tệ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy trong Quý II GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 2,6% so với tháng trước. Riêng Thượng Hải là thành phố có nền kinh tế mạnh nhất Trung Quốc nhưng GDP Quý II năm nay giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc giải thích tình hình kinh tế “quá bất thường” này bằng cách viện dẫn các tác động tiêu cực ngày càng gia tăng như môi trường quốc tế phức tạp, khắc nghiệt, dịch bệnh COVID-19… khiến áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc gia tăng thấy rõ trong Quý II.
Điều đáng chú ý là kể từ tháng Hai đến nay, tỷ lệ thất nghiệp thành thị Trung Quốc tiếp tục vượt giá trị mục tiêu 5,5%, đặc biệt trong tháng Sáu vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp trong tổng điều tra dân số 16-24 tuổi lên tới mức cao kỷ lục 19,3%. Số liệu thống kê của phân khúc thanh niên 16-24 tuổi là chưa tính những người tốt nghiệp đại học, những người được gọi là “việc làm linh hoạt” cũng không được đưa vào thống kê thất nghiệp…
Hãng tin Đức Deutsche Welle ngày 16/7 dẫn lời nhà nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Würzburg ở Đức là Doris Fischer cho biết, “Chắc chắn Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hy vọng vào một năm rất thành công, vì Đại hội 20 sắp diễn ra vào mùa thu… Các quyết định chính sách kinh tế trong những năm gần đây… cũng đã góp phần làm cho tỷ lệ thất nghiệp ngày nay của dân số trẻ thành thị Trung Quốc tăng lên gần 20%, vấn đề này tiềm ẩn ‘thùng thuốc nổ’ xã hội”. Ông Doris Fischer nói thẳng rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng.
Một chuyên gia khác là cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, ông Shang Fulin nói vào ngày 16/7 tại diễn đàn “Hội nghị thượng đỉnh vĩ mô giữa kỳ 2022: Con đường hiện thực hóa và tăng trưởng ổn định”, cho rằng Trung Quốc cần phải chú ý tầm quan trọng của việc làm đối với ổn định thị trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sự phát triển của các công ty tham gia thị trường là chìa khóa để ổn định việc làm. Khó khăn về việc làm hiện nay của Trung Quốc không chỉ do sự thiếu tin tưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn bị ảnh hưởng bởi tác động lặp đi lặp lại của dịch bệnh COVID-19 và những thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài.
Tình hình bi quan hơn khi trong bối cảnh kinh tế khó khăn đó nhưng nội bộ nhà cầm quyền lại bất đồng lớn về thực hiện những chính sách liên quan, đến mức như nhận định cho rằng họ đã rơi vào vòng luẩn quẩn của việc tự triệt tiêu nhau: một mặt là để chữa cháy khiến họ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế, nhưng mặt khác những biện pháp này lại bị chính họ vô hiệu vì bộ máy kinh tế Trung Quốc phải tuân thủ chính sách ‘Zero-COVID’ nghiêm ngặt về phòng chống dịch.
Giáo sư kinh tế Lu Feng tại Viện Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh đã chỉ ra tại một cuộc hội thảo do viện ông tổ chức vào ngày 18/5 rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc hiện vượt xa so với châu Âu và Mỹ. Ông than thở rằng cách đây vài năm khi thấy tình trạng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi lên tới 20% đã cảm giác ngoài sức tưởng tượng, vậy mà chuyện này bây giờ lại có thể xảy ra đối với chính Trung Quốc.
Từ khóa Làn sóng sa thải thất nghiệp ở Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc