Vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc được cấp phép, người dân vẫn e dè
- Tiểu Quỳ
- •
Cách đây vài ngày, vắc-xin ngừa virus corona mới của Sinopharm đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước Trung Quốc phê duyệt. Giới chức tuyên bố rằng vắc-xin này có hiệu quả bảo vệ đến 79,34%. Các tin tức liên quan đã kéo theo sự nóng lên của dư luận.
Vắc-xin Trung Quốc được “cấp phép có điều kiện” để đưa ra thị trường
Ngày 31/12/2020, Trần Thời Phi (Chen Shifei), Phó giám đốc Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã công bố quyết định này trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh. Thông báo cho biết, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã “cấp phép có điều kiện” đối với vắc-xin ngừa virus corona mới do Tập đoàn Sinopharm phát triển vào ngày 30/12. Đây là vắc-xin ngừa virus corona mới đầu tiên được phê chuẩn lưu hành tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm không nêu rõ nội dung cụ thể của điều kiện kèm theo.
Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) dẫn tin từ Hãng tin AFP cho biết, vắc-xin Trung Quốc đã được tiêm chủng cho hơn 5 triệu người trên toàn thế giới vào mùa hè này, trước khi được chính quyền Trung Quốc chính thức cho phép lưu hành trên thị trường.
Một báo cáo khác của AFP cho biết, hơn một triệu người đã được tiêm các loại vắc xin chưa được phê duyệt ở Trung Quốc trong chương trình sử dụng khẩn cấp của nước này, trong đó có các nhân viên y tế tuyến đầu, người trong doanh nghiệp nhà nước và người có kế hoạch ra nước ngoài.
Các quan chức cho biết ngoại trừ một số người bị dị ứng nhẹ sau khi tiêm chủng, không có phản ứng nghiêm trọng nào khác xảy ra.
Ngày 30/12, Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc cũng thông báo mức độ hiệu quả của vắc-xin này đạt 79,34%, mặc dù tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ 95% và 94,1% của vắc-xin Pfizer và vắc-xin Moderna ở Mỹ, nhưng cao hơn ngưỡng 50% do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trước đây vắc-xin của Trung Quốc đã được phê duyệt ở các Quốc gia vùng Vịnh Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các quốc gia này tuyên bố rằng mức độ hiệu quả của vắc-xin đạt 86%. Tuy nhiên, Trung Quốc không giải thích tại sao cùng một loại vắc-xin mà tỷ lệ hiệu quả lại chênh lệch xa như vậy. Các cơ quan quản lý của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, Bahrain và Bộ Y tế cả tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng không công bố chi tiết dữ liệu phân tích.
Ngoài ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hạ giá vắc-xin, thậm chí cung cấp miễn phí, không ép buộc người dân Trung Quốc phải tiêm phòng nhưng cũng hy vọng tỷ lệ tiêm phòng của người dân Trung Quốc sẽ đạt 60% trong tương lai.
Người Đại Lục nói gì về vắc-xin nội địa?
Đợt bùng phát viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc gần đây và tốc độ lây lan liên tục của virus đã khiến nhiều người vô cùng hoảng sợ. Mặc dù thời điểm này chính phủ đang rầm rộ quảng cáo về vắc-xin trong nước và mong muốn người dân tích cực tiêm phòng, nhưng biểu hiện hiệu quả trong dân chúng vẫn chưa được như mong đợi.
Một cư dân ở quận Phong Đài, Bắc Kinh tên Lý Dương (Li Yang), nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng mặc dù giới chức nói rằng vắc-xin trong nước là an toàn, nhưng rất nhiều người cảm thấy không an tâm về vắc-xin trong nước, và lại tin tưởng vào các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây. “Đối với dân chúng mà nói, thì (vắc-xin) nếu không phải tiêm thì tốt nhất đừng tiêm, bởi vì vắc-xin dạng truyền thống là không đáng tin cậy lắm. Loại sản phẩm này của ‘Đại nhảy vọt’ sản xuất để cạnh tranh chính trị với các nước khác, mọi người thực sự đang xì xào (ngờ vực).”
Ông Chu ở tỉnh An Huy, cũng nói với RFA: “Tôi chắc chắn sẽ không đi tiêm vắc-xin vì loại này không đáng tin cậy … Vắc-xin corona mới có phải là vắc-xin ngừa virus hay không, tôi nghĩ là chúng ta còn chưa biết thế nào đâu!”
Ông còn nêu một ví dụ về lý do tại sao ông không tin tưởng vắc-xin nội địa: “Nhiều loại vắc-xin sản xuất trong nước đã có vấn đề. Ví dụ như vắc-xin cho trẻ sơ sinh. Đã có nhiều (tai nạn) do vắc-xin cho trẻ sơ sinh ở Trung Quốc, khiến những đứa trẻ nhỏ bất hạnh đó tử vong.”
Ông Cao ở Vũ Hán, đã đặt câu hỏi về tiêu chuẩn kép của chính phủ về vấn đề vắc-xin. Ông chỉ ra rằng hiện tại, chính phủ các nước đang cung cấp vắc-xin miễn phí cho công dân của họ, nhưng ở Trung Quốc Đại lục thì người dân phải trả phí. “Mỗi mũi tiêm vắc-xin đều bắt dân phải trả tiền, còn ở châu Phi thì miễn phí. Tại sao lại không miễn phí cho người Trung Quốc? Tiêm vắc-xin kiểu này, tôi chắc chắn sẽ không tiêm.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời các quan chức của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia ngày 31/12, vắc-xin ngừa virus corona mới (còn được gọi là virus Trung Cộng, COVID-19) “chắc chắn cung cấp miễn phí cho toàn dân”, nhưng giới chức vẫn chưa công bố kế hoạch tiêm chủng chi tiết. Bởi vì sự không rõ ràng này mà đưa đến cho người dân không ít suy đoán về các thông báo chính thức.
Về tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin được công bố chính thức là 79%, người dân Hồ Bắc cũng tỏ ra nghi ngờ “Nếu vắc-xin của chúng ta thật sự đạt 79% thì tôi nghĩ vẫn có thể tiêm được, nhưng tôi lo là sẽ khó mà đạt được tiêu chuẩn này. Vì dữ liệu lâm sàng công bố đều bị đẩy lên cao, nếu trả tiền mà không có tác dụng hoặc tác dụng phụ thì sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề.”
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), một nhà nghiên cứu virus học từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, nhận định liệu vắc-xin nội địa của Trung Quốc có đủ khả năng phòng chống sự lây nhiễm virus hay không, hiện vẫn chưa có kết luận. Tuy nhiên, ông tin rằng “một loại vắc-xin không hiệu quả cũng có thể tạo ra ảo giác, cảm thấy rằng loại vắc-xin đó là ổn, nhưng lại dẫn đến lơ là các biện pháp bảo vệ và cảnh giác nên có.”
Sinopharm là một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất ở Trung Quốc. Công ty này dự kiến sẽ sản xuất hơn 1 tỷ liều vắc-xin bất hoạt ngừa virus corona mới vào cuối năm tới.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times tiếng Trung
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc Vắc-xin viêm phổi Vũ Hán Vắc-xin virus corona Sinopharm