Vũ khí mới của Trung Quốc có thể thiêu cháy mục tiêu cách 800 mét
- Huệ Anh
- •
Các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã chế tạo ra loại súng trường bắn tia laser, tương tự kích thước của AK-47. Vũ khí mới này được gọi là ZKZM-500. Các tài liệu liên quan cho thấy loại vũ khí mới này nhiều khả năng sẽ được dùng chủ yếu đàn áp những người biểu tình.
Tờ SCMP Hồng Kông đưa tin, ZKZM-500 bắn tia laser có thể làm cháy một người ở khoảng cách xa 800 mét. Loại súng này có thể đốt cháy quần áo và da của mục tiêu. Vũ khí này nặng khoảng 3 kilogam, đường kính tầm 15 mm, được trang bị pin lithium và có thể sử dụng được 1000 lần bắn sau khi sạc.
Súng trường laser khiến cơ thể “đau đớn không chịu nổi”
Theo tài liệu từ “Nền tảng tích hợp dịch vụ công cộng Quân dân sự” (jmjh.miit.gov) của nhà nước Trung Quốc thì loại vũ khí này “không gây tử vong”, một phát bắn duy nhất không tiêu diệt mục tiêu, nhưng nếu bắn nhiều lần thì có thể đốt cháy tạo thành một lỗ trên cơ thể mục tiêu, giống như bị một con dao mổ cắt một mảng.
Nhân viên tham gia vào nghiên cứu loại vũ khí này thuộc Viện Quang học và Cơ học Tây An tỉnh Thiểm Tây cho biết, súng bắn tia laser ZKZM-500 gây ra “nỗi đau không thể chịu nổi”.
Mặc dù các nhà nghiên cứu nói rằng loại vũ khí này có thể được sử dụng để chống khủng bố, giải cứu con tin và hoạt động quân sự bí mật, nhưng các tài liệu liên quan cũng có chỉ dẫn sử dụng để chống lại những người biểu tình phản đối nhà cầm quyền.
Ví dụ, tài liệu có chỉ dẫn, cảnh sát có thể sử dụng để đốt cháy các biểu ngữ từ một khoảng cách xa, chống lại “những người biểu tình bất hợp pháp”.
Tài liệu cũng hướng dẫn rằng, cảnh sát có thể đốt cháy quần áo hoặc tóc của các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình phản đối từ xa, để họ không còn sức mạnh “diễn thuyết và thuyết phục”.
Một cảnh sát Bắc Kinh (giấu tên) trả lời tờ SCMP rằng, loại súng này nhiều khả năng thiên về dùng để giải tán đám đông giống như khí cay, đạn cao su hoặc súng gây choáng, “Việc đốt cháy bằng laser sẽ để lại vết sẹo vĩnh viễn”. Ông cho biết tình trạng khủng khiếp do loại vũ khí này gây ra có thể làm tức giận quần chúng và biến các cuộc biểu tình ôn hòa thành bạo loạn.
Theo thông tin, ZKZM-500 đã được chuẩn bị cho sản xuất quy mô lớn để cung cấp cho quân đội và cảnh sát của chính quyền Trung Quốc, nhưng Công ty nghiên cứu Laser Trung Mỹ tại Tây An (ZKZM) hiện vẫn chưa tìm kiếm được đối tác sản xuất.
Nghiên cứu vũ khí công nghệ cao để đối phó với người dân
Xưa nay có vô số thiết bị công nghệ cao được chính quyền Trung Quốc nghiên cứu phát triển nhằm đối phó với nhân dân để duy trì quyền cai trị độc tài. Mới đây Trung Quốc đã lên kế hoạch dự định lắp đặt các chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) trên những chiếc xe mới để theo dõi vị trí của mỗi chiếc xe; sử dụng máy bay không người lái giống con chim được gắn camera độ nét cao để theo dõi người dân. Nếu ZKZM-500 được sử dụng nhằm vào người biểu tình thì đây sẽ là thủ đoạn mới nhất.
Tờ WSJ (Wall Street Journal) tại Mỹ đưa tin, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch vào ngày 1/7 yêu cầu chủ sở hữu xe hơi phải cài đặt chip nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để theo dõi tình hình xe cộ, giao thông. Được biết, trong năm nay thì yêu cầu này chỉ là tự nguyện, nhưng từ đầu năm 2019 quy định này đối với xe mới đăng ký sẽ mang tính bắt buộc.
Giới quan sát chỉ ra, ở Trung Quốc, doanh số bán ô tô hàng năm là gần 30 triệu chiếc, hệ thống này được triển khai trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới này sẽ thúc đẩy tối ưu hóa mạng lưới giám sát của Cộng sản Trung Quốc. Để thực hiện mạng lưới này, chip RFID sẽ được gắn vào kính chắn gió của xe. Theo các nguồn tin, thiết bị đọc chip được cài đặt trên đường sẽ xác định được chiếc xe và truyền dữ liệu đến Bộ Công an.
Theo tờ SCMP, trong những năm gần đây chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã triển khai máy bay không người lái giống con chim tại hơn 30 cơ quan quân sự và chính phủ trên địa bàn ít nhất 5 tỉnh ở Tân Cương để theo dõi công dân.
Theo các nguồn tin, mô hình máy bay trinh sát không người lái có hình dạng như chim bồ câu, độ giống là gần 90%, khu vực mà công nghệ mới này được sử dụng phổ biến là tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Máy bay trinh sát không người lái có biệt danh “bồ câu” (Dove) do Giáo sư Tống Bút Phong (Song Bifeng) thuộc Đại học Công nghiệp Tây Bắc ở Tây An tỉnh Thiểm Tây chủ trì nghiên cứu phát triển. Ông Tống Bút Phong đã tham gia nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20, được quân đội Trung Quốc tuyên dương về công lao trong dự án “bồ câu” gián điệp.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Giám sát công dân quân đội Trung Quốc Vũ khí laser súng laser