3 đặc điểm của người đàn ông có bản sự
- An Hòa
- •
Trong tác phẩm “Hàn thi ngoại truyện”, danh sĩ Hàn Anh thời Tây Hán viết: “Mỹ ngọc thực sự dù bị chôn giấu dưới đất sâu chín nhận cũng không thể che lấp được ánh sáng rực rỡ. Trân châu thực sự tuy rằng chìm dưới đáy nước sâu trăm nhận cũng không thể che lấp được sự xán lạn mà nó phát ra”. Con người cũng là như vậy, người có thực tài, chân chính có bản sự, thì nhất định có chỗ hơn người, dù cho họ không tự thể hiện ra thì người khác cũng dễ dàng cảm nhận thấy được.
Một người chân chính có bản sự (năng lực), thông thường đều có ba đặc điểm sau. Nếu trong cuộc sống chúng ta gặp được những người như vậy thì nên kết thâm giao sẽ học hỏi được rất nhiều lợi ích.
1. Khiêm tốn, không khoe khoang tài năng
Trong sách “Thái Căn Đàm” viết rằng: “Đạm bạc chi sĩ, đa vi nùng trang giả sở nghi; kiểm sức chi nhân, đa vi phóng tứ giả sở kị”, ý tứ chính là: Thông thường những người càng thích khoe khoang thì càng không có bản sự. Trái lại, những người càng có bản sự thì càng là những người kín đáo, không để lộ tài năng của mình. Những người này, họ giống như “núi cao mà không nói, nước sâu chảy chậm”.
Cuối thời Chiến Quốc, nước Tần tấn công nước Triệu. Triệu Vương bổ nhiệm Triệu Quát, người thường xuyên khoe khoang kiến thức binh pháp của mình, làm đại tướng. Triệu Quát là con của tướng tài, nhưng từ nhỏ đến lớn không đánh trận, chỉ biết mồm mép mà thôi. Kết quả, dưới sự dẫn dắt của Triệu Quát, 40 vạn quân của nước Triệu bị đại tướng quân nước Tần là Bạch Khởi giết chết. Cũng từ đó, câu chuyện “Luận binh trên giấy” của Triệu Quát trở thành trò cười cho thiên hạ.
Mã Tắc nhà Thục Hán thời Tam Quốc cũng là người hay thích bàn luận việc quân sự và kiến thức dùng binh trước mặt người khác. Vì thế, Mã Tắc rất được Gia Cát Lượng trọng dụng. Nhưng Lưu Bị trước khi mất lại khuyên Gia Cát Lượng không nên trọng dụng Mã Tắc vì ông là người khoác lác và hay nói quá sự thật. Gia Cát Lượng không nhận ra điều ấy, lại phong Mã Tắc làm tham quân. Đáng tiếc, cuối cùng chính vì tâm kiêu ngạo và năng lực khuyết thiếu của mình, Mã Tắc khiến Nhai Đình thất thủ, bản thân ông cũng bị chém đầu.
Người có bản sự chân chính xưa nay đều thể hiện ra bên ngoài thì cẩn thận dè dặt, bên trong nội tâm thì sáng tỏ, ẩn nhẫn, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài. Họ không đặt tâm vào lời nói mà đặt tâm vào việc làm, từ trong việc làm mà thể hiện ra năng lực của mình. Cho dù họ không nói ra nhưng việc làm của họ khiến người khác thán phục.
2. Nghiêm khắc yêu cầu bản thân
Nhà triết học triều Minh, Vương Dương Minh nói rằng, làm người phải có trách nhiệm với chính mình thì mới có tâm khắc kỷ (khắc chế bản thân), có tâm khắc kỷ thì mới thành tựu được bản thân mình. Ông cho rằng, cao độ của một người được quyết định bởi mức độ yêu cầu bản thân của người đó. Người càng có yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân thì cao độ mà người đó đạt được càng lớn.
Những người có bản sự, có năng lực đều yêu cầu cao đối với chính mình, đồng thời họ cũng nghiêm khắc thực hiện những yêu cầu đó. Hay nói cách khác là họ có đủ kiên quyết, nghiêm ngặt đối với chính mình.
Danh thần triều Thanh, Tăng Quốc Phiên khi còn trẻ là người nghiện thuốc lá. Trên tay ông thường xuyên cầm tẩu hút thuốc, thậm chí tẩu hút thuốc trở thành vật bất ly thân của ông. Nhưng mỗi lần hút thuốc xong, Tăng Quốc Phiên lại cảm thấy miệng và lưỡi đều khô và buồn ngủ. Thời gian sau, ông thấy sức khỏe thể xác và tinh thần của mình suy yếu đi rất nhiều. Vì thế, Tăng Quốc Phiên bắt đầu bước vào con đường cai bỏ thuốc lá.
Trong cuốn nhật ký của mình, Tăng Quốc Phiên viết: “Mỗi ngày trôi qua tôi lại thấy mình kém đi, đó đều là vì hút thuốc quá nhiều, cho nên đã hạ quyết tâm bẻ gãy tẩu thuốc, thề từ nay vĩnh viễn không hút thuốc nữa. Nếu như tôi nuốt lời thì xin ông trời trách phạt”.
Cứ mỗi lần muốn hút thuốc, Tăng Quốc Phiên lại dằn lòng và vượt qua được. Cuối cùng, rốt cuộc Tăng Quốc Phiên đã bỏ được thói quen hút thuốc nhiều năm.
Dựa vào kinh nghiệm cuộc đời mình, Tăng Quốc Phiên viết rằng, cam chịu khổ cực, dốc lòng vượt qua khó khăn, sẽ trở thành vĩ nhân lừng danh một thời. Một người bắt buộc phải yêu cầu nghiêm khắc chính mình, tu chỉnh chính mình, không ham nơi thoải mái mới có thể phát huy được hết năng lực và trí tuệ của bản thân.
3. Trong lòng có chính khí
Trong tác phẩm “Chính khí ca” của tác giả Văn Thiên Tường, thừa tướng đồng thời là thi sĩ nổi tiếng triều Nam Tống viết rằng: “Thiên Địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình. Vu nhân viết hạo nhiên, phái hồ tắc thương minh”, nghĩa là giữa Trời và Đất có một loại chính khí, dựa vào loại chính khí này vạn vật mới có thể sinh sôi nảy nở không ngừng.
Năm 279 TCN, vua nước Tần là Tần Chiêu Tương Vương phái sứ giả báo tin cho vua nước Triệu là Triệu Huệ Văn Vương, ước hẹn gặp ông ở Thằng Trì Tây Hà. Trên bề mặt, Tần Vương muốn cùng Triệu Vương gặp gỡ thân thiện hữu hảo nhưng kỳ thực là muốn đe dọa Triệu Vương để nước Triệu chịu khuất phục nước Tần.
Lúc ấy, nước Tần đang mạnh mẽ còn nước Triệu thì yếu nhược, Triệu Vương cũng rất sợ hãi trước Tần Vương. Vì thế, Triệu Vương không muốn đi gặp mặt Tần Vương nhưng lại không thể không đi. Cuối cùng, Lận Tương Như phò tá Triệu Vương đi gặp Tần Vương.
Trong bữa tiệc, Tần Vương đột nhiên nói với Triệu Vương: “Quả nhân nghe nói Triệu Vương giỏi chơi đàn, thỉnh ngài tấu một khúc”. Triệu Vương không dám phật ý Tần Vương nên đã tấu một khúc nhạc.
Quan sử của nước Tần không bỏ lỡ thời cơ, lập tức ghi lại cảnh đó như sau: “Ngày … tháng … năm, Tần Vương uống rượu, Triệu Vương đánh đàn trợ hứng.”
Lận Tương Như thấy vậy cho rằng đó là nỗi nhục lớn của nước Triệu, liền bước lên trước nói với Tần Vương: “Đại Vương chúng tôi cũng nghe nói Tần Vương tinh thông âm nhạc, kính xin Tần Vương chơi một đoạn nhạc để mọi người cùng được vui vẻ với nhau.”
Nói xong, Lận Tương Như dâng phữu sành (nhạc cụ cổ) lên cho Tần Vương. Thế nhưng Tần Vương nổi giận nhất định không biểu diễn. Lận Tương Như lại bước lên và trợn mắt áp chế nói: “Trong vòng 5 bước chân nữa, nếu ngài không chơi sẽ đổ máu đấy”.
Quân lính của Tần Vương muốn chặt đầu Lận Tương Như nhưng ông đã trừng mắt nhìn lại, quân lính hai bên đều khiếp vía. Tần Vương bất đắc dĩ đành gõ một cái. Lận Tương Như quay đầu nói với sử quan nước Triệu: ” Viết là ngày… tháng… năm, Tần Vương đánh phữu cho Triệu Vương nghe.”
Trong cuộc sống, có một số người thường hay dựa vào đường ngang ngõ tắt, giở thủ đoạn bỉ ổi để kiếm lợi. Đôi lúc, họ có thể kiếm được chút lợi ích vụn vặt nhưng sớm muộn cũng chuốc lấy tai ương. Người thực sự có bản lĩnh tuyệt đối không bao giờ chọn đi cách ấy mà luôn chọn con đường quang minh chính đại, làm việc chính trực, bước từng bước vững chãi và kiên định.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khiêm tốn Gia Cát Lượng Tăng Quốc Phiên bản lĩnh Văn Thiên Tường Chính khí bản sự