Cổ nhân dạy con: Không nghe, không nhìn điều trái lễ nghĩa
- An Hòa
- •
Những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày lâu dần sẽ ở trong bất tri bất giác mà thay đổi thói quen đạo đức và quan niệm tư tưởng của một người. Khi quan niệm tư tưởng của một người thay đổi, thói quen đã trở thành tự nhiên thì nó sẽ thể hiện ra ở hành vi của người ấy. Hành vi này sẽ ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi cuộc đời của một người. Chính bởi vậy mà cách đây hơn 2000 năm, Khổng Tử đã dạy rằng: “Không phải điều Lễ thì không nhìn, không phải điều lễ thì không nghe, không phải điều lễ thì không nói, không phải điều lễ thì không làm”. Những lời dạy về lễ nghĩa này rất có đạo lý và hữu dụng trong việc giáo dục nhân cách của một người.
Trong sách “Tư trị thông giám” có ghi lại rằng, Thái phó Giả Nghị khi dạy dỗ thái tử về đạo đức lễ nghĩa đã dâng lên Hán Văn Đế một bản sớ, trong đó có viết rằng:
Bậc quân chủ anh minh thời cổ đại, ngay từ khi Thái tử ra đời đã dựa theo lễ nghĩa để đối xử với Thái tử. Đến ngày lễ tế Nam Giao thì các quan viên đều áo mũ chỉnh tề trang nghiêm đến cử hành lễ nghi. Trên đường, khi đi qua cổng cung thì họ xuống xe, khi đi qua tông miếu thì cung kính lễ độ. Cho nên Thái tử ngay từ khi mới ra đời đã chứng kiến những điều ấy mà tiếp nhận giáo dục đạo đức lễ nghĩa.
Khi Thái tử đến tuổi nhi đồng thì có quan viên dùng hiếu, nhân, lễ, nghĩa để dạy dỗ. Đồng thời họ cũng trục xuất gian tà tiểu nhân nhằm ngăn chặn không cho Thái tử nhìn thấy những hành vi tội ác. Lúc này, Thiên tử cũng sẽ cẩn thận lựa chọn trong thiên hạ một người chính trực, hiếu thuận với cha mẹ, quý trọng anh em, bác học, thông hiểu đạo trị quốc để bảo vệ, phụ tá Thái tử. Người này cũng sẽ sinh sống cùng với Thái tử giống như anh em một nhà.
Cho nên, Thái tử ngay từ khi sinh ra thì những việc nhìn thấy hết thảy đều là chính sự, hết thảy những điều Thái tử nghe được đều là chính ngôn, những hành vi của Thái tử đều là chính đạo, những người xung quanh đều là chính nhân. Bởi vì chung sống với những người chính trực, ngay thẳng cho nên tư tưởng, lời nói và việc làm của Thái tử không thể không chính. Giống như người sinh ra và sống ở nước Tề thì không thể không nói ngôn ngữ của nước Tề vậy. Người thường xuyên ở cùng những người bất chính thì dần dà sẽ biến thành người bất chính, tựa như người sinh sống ở đất Sở thì không thể không nói ngôn ngữ của đất Sở vậy.
Trong sách “Luận Ngữ” viết: Những điều từ nhỏ dưỡng thành thì giống như thiên tính, thói quen từ nhỏ thì giống như tự nhiên. Khi học tập lễ nghĩa và mở mang trí lực được tiến hành đồng bộ, tăng lên cùng nhau thì vô luận thế nào cũng không phải thẹn với tâm. Khi tiếp nhận giáo hóa và kiến giải tư tưởng cùng hình thành thì quan niệm đạo đức lễ nghĩa sẽ giống như bản tính trời sinh vậy.
Ba triều đại Hạ, Thương, Chu sở dĩ có thể duy trì sự tồn tại lâu dài là bởi vì có một bộ chế độ giáo dục và phụ giúp Thái tử. Đến triều đại nhà Tần, sai lầm lớn nhất của Tần Thủy Hoàng cử Triệu Cao làm thầy dạy của Hồ Hợi. Triệu Cao không dạy Hồ Hợi đạo nghĩa mà dạy các hình phạt xử án. Cho nên, những điều mà Hồ Hợi học được ngay từ khi còn bé nếu không phải là chặt đầu, chặt chân tay thì cũng là giết người, tru diệt tam tộc của tội nhân.
Sau này, Hồ Hợi ngay ngày thứ hai lên làm Hoàng đế đã dùng tên bắn chết người. Hồ Hợi coi những lời can gián của các hiền thần là những lời phỉ báng triều đình, coi những mưu tính sâu xa vì nước vì dân là những tà thuyết mê hoặc người, lại tùy tiện giết người. Đây không phải nhất định là thiên tính hung ác của Hồ Hợi mà nguyên nhân chính yếu là do Triệu Cao đã dạy bảo Hồ Hợi những điều không phù hợp chính đạo ngay từ khi còn bé.
Trong lời bàn được ghi chép vào “Tư trị thông giám”, Giả Nghị còn nói thêm rằng:
Người ở phương Bắc và người ở phương Nam khi sinh ra tiếng khóc là giống nhau, cùng lớn lên bằng nguồn sữa mẹ. Nói chung, nhu cầu và ham muốn cũng không có gì quá khác biệt. Nhưng sau khi lớn lên, hình thành những phong tục tập quán bất đồng, ngôn ngữ cũng khác nhau. Mặc dù sử dụng nhiều cách thức khác nhau nhưng họ vẫn rất khó để hiểu cách sống của nhau, thậm chí có người thà chết cũng không đến nơi của đối phương sinh sống. Sở dĩ có sự sai biệt như vậy phần nhiều là do giáo dục và thói quen hình thành mà nên. Cho nên mới nói, lựa chọn người tùy tùng hầu hạ và tiến hành dạy dỗ Thái tử là việc gấp gáp nhất.
Người xưa thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hoàn cảnh thiện ác có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức lễ nghĩa của một người, gần người thiện thì sẽ thiện, gần người ác lâu dần cũng sẽ trở nên ác hoặc cũng sẽ coi những hành vi ác là bình thường không đáng lên án.
Nếu những người mà một đứa trẻ tiếp xúc đều là người chính trực, hiền sĩ, những điều mắt thấy tai nghe đều là các tác phẩm hay những bản nhạc tốt đẹp, lương thiện thì tự nhiên chúng sẽ được những điều tốt đẹp ấy hun đúc và tương lai sẽ phát triển theo hướng tốt đẹp.
Trái lại, nếu những người mà một đứa trẻ tiếp xúc đều là gian tà tiểu nhân, những điều giáo huấn nghe được đều là bạo lực hay tình dục thì chúng sẽ phát triển theo hướng đó hoặc sẽ bắt đầu bị trầm luân vào những điều này.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử lương thiện Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa chính đạo bản tính