Phong thái và đức hạnh của người trí thức xưa
- An Hòa
- •
Trí thức thời cổ đại được xếp là người đứng đầu trong bốn kiểu người dân “sĩ, nông, công, thương”, vì họ không chỉ có học vấn uyên bác mà còn có phẩm chất đạo đức rất cao, là tấm gương trong xã hội. Vậy, đức hạnh và phong thái của người trí thức thời xưa như thế nào? Trong “Lễ ký. Nho hạnh” có ghi chép lại việc Khổng Tử giảng giải cho Lỗ Ai Công nghe về đức hạnh và phong thái của người trí thức.
Một lần, vua của nước Lỗ là Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Y phục của nhà Nho, có điểm gì là đặc biệt?”
Khổng Tử trả lời: “Tôi thuở nhỏ ở nước Lỗ thì mặc y phục của nước Lỗ, lớn lên ở nước Tống thì mang mũ áo của nước Tống. Tôi nghe người ta nói rằng: Người quân tử có yêu cầu đối với chính mình là học vấn phải uyên bác, y phục phải nhập gia tùy tục, không theo đuổi cái khác người. Tôi không biết trên đời này còn có thứ là y phục của nhà Nho.”
Lỗ Ai Công lại hỏi: “Vậy xin thỉnh giáo về nhà Nho.”
Vậy là Khổng Tử đã giảng giải cho Lỗ Ai Công như sau:
Nhà Nho tựa như vật báu, chờ đợi được dâng tặng. Sớm tối nỗ lực học tập, chờ đợi người khác hỏi ý kiến. Trong lòng luôn trung tín, chờ đợi người khác tiến cử. Tự bản thân luôn nỗ lực gắng sức, chờ đợi người khác tuyển chọn. Tự lập tu thân của nhà Nho là như thế.
Nhà Nho chú ý cẩn thận từ áo quần tới động tác. Ở những sự tình lớn thì khiêm nhượng đến mức người khác cảm thấy khó hiểu, nhưng ở những sự tình nhỏ thì họ vẫn khiêm nhượng như thế. Khi xử lý những vấn đề lớn thì họ thận trọng, dè dặt. Khi xử lý những sự tình nhỏ thì họ không làm qua loa đại khái. Vẻ ngoài của nhà Nho là như thế.
Nhà Nho chú ý cư xử, ngồi xuống đứng lên đều cung kính, mỗi một lời nói ra đều phải coi trọng chữ tín, làm việc nhất định phải coi trọng sự công bằng chính trực. Họ không tranh chỗ lợi cho mình dành chỗ hiểm cho người, mùa đông không giành nơi ấm áp, mùa hạ không giành nơi mát mẻ. Họ quý tiếc sinh mệnh nhưng không sợ chết mà vui vẻ đợi điều đó tới. Họ cẩn thận lo nghĩ đầy đủ như vậy đấy.
Trong suy nghĩ của nhà Nho, vàng ngọc cũng không phải là thứ đáng quý giá nhất mà “trung tín” mới là thứ đáng quý giá nhất. Họ không cầu được đất đai, ruộng vườn mà xem tri thức là tài phú. Mời họ ra làm quan thì cần phải dùng lễ nghĩa. Nếu không phải là thời điểm nên làm thì họ ẩn cư, không làm quan, đây chẳng phải là rất khó mời sao? Cho dù là ra làm quan, nếu quân vương không tôn trọng ý kiến đúng đắn của họ thì họ không làm, đây chẳng phải là có mời được cũng không giữ được lâu dài sao? Đối với họ, trước nhất là nói về làm việc khó nhọc, sau mới là nói đến bổng lộc, đây chẳng phải là không để tâm đến bổng lộc sao? Đối nhân xử thế của nhà Nho là như vậy.
Có một số nhà Nho, cho dù mang rất nhiều tài sản vàng bạc biếu tặng cho họ, cho dù là dụ dỗ họ, họ cũng sẽ không vì nhìn thấy lợi mà quên nghĩa. Cho dù có dùng nhiều người đến uy hiếp họ, dùng vũ khí để đe dọa họ, họ cũng thà rằng chết chứ không thay đổi tiết tháo của mình. Khi chống lại thế lực tà ác hay tiếp nhận nhiệm vụ gian khó họ sẽ không tiếc năng lực của bản thân, chỉ cần là đúng đắn thì sẽ kiên quyết làm. Nếu là việc đúng đắn, họ có làm qua cũng không hối tiếc, những việc chưa làm cũng sẽ không lo lắng quá nhiều. Lời nói sai sẽ cố gắng sửa chữa, đối với những lời vu vơ họ sẽ không đi tìm hiểu sâu. Họ thời thời khắc khắc bảo trì uy nghiêm, việc nói làm thì sẽ làm không do dự. Cách làm việc của nhà Nho là như vậy, không giống người bình thường khác.
Nhà Nho có thể thân cận nhưng không thể bị uy hiếp, có thể thân cận nhưng không thể bị ép buộc, có thể mất đầu chứ không thể bị nhục nhã. Chỗ ở của họ không coi trọng sự xa hoa, ẩm thực không coi trọng sự phong phú. Sự cương nghị của nhà Nho là như vậy.
Nhà Nho xem “trung tín” như giáp trụ của mình, xem “lễ nghĩa” là tấm chắn của mình, luôn thời thời khắc khắc thủ giữ. Vô luận là ở trong tình thế nào, thậm chí là bị hãm hại cũng không thay đổi phẩm đức của mình. Thủ giữ phẩm đức của nhà Nho là như thế.
Tuy rằng có lúc điều kiện sinh sống của nhà Nho không cao, phòng ở nhỏ hẹp, ăn uống đạm bạc, chỉ có một bộ quần áo ra ngoài. Người ấy một khi đã được trọng dụng thì cũng không hoài nghi năng lực của mình không đủ, khi không được trọng dụng thì cũng không dùng cách nịnh nọt, bợ đỡ để cầu tiến. Thái độ đối với chức vị của nhà Nho là như thế.
Nhà Nho dù sống ở hiện tại nhưng luôn học tập người xưa. Tuy họ làm việc ở đời nay nhưng luôn làm gương cho đời sau. Nếu không gặp thời, người trên không giúp, kẻ dưới không tôn trọng, bị hãm hại, họ vẫn không nhụt chí khí. Tuy ở cảnh nguy nan họ vẫn không quên nghĩ đến nhân quần. Họ ưu tư lo lắng cho đời như vậy.
Nhà Nho tuy rằng học vấn đã uyên bác sâu rộng nhưng vẫn không ngừng học tập, đức hạnh tuy đã lương thiện thuần phác nhưng vẫn không ngừng tu dưỡng. Lúc ở ẩn thì không làm chuyện xấu, lúc làm quan thì làm theo chính đạo, theo lễ nghĩa. Lấy trung tín làm mỹ đức, vừa có thể tiến cử người hiền tài, vừa có thể dung nạp được người thường, vừa có tính nguyên tắc, vừa có tính linh hoạt. Trí tuệ của nhà Nho là rộng lớn như thế.
Nhà Nho khi tiến cử người tài đức với bên trên chỉ suy xét người ấy có hay không có thực tài thực đức, không quan tâm đó là người nhà hay người ngoài, thậm chí bất kể ân oán. Chỉ cần người ấy có thể giúp sức được quân vương, tạo phúc cho đất nước thì tiến cử, bản thân cũng không cầu được ban thưởng, báo đáp. Cách tiến cử người tài của nhà Nho là như thế.
Khi đối xử với bạn bè, nhà Nho nghe được lời có ích liền bảo cho bạn, gặp việc có ích liền chỉ cho bạn, nhìn thấy tai họa sắp ập đến bạn thì suy xét đầu tiên là hiến dâng bản thân mình. Nhà Nho đối với bạn là như vậy.
Nhà Nho không ở trước mặt người địa vị thấp mà cao ngạo, tự cho mình là giỏi, không ở trước mặt người có công lao ít mà khoe khoang công lao của mình, gặp phải loạn thế cũng không buông bỏ tín niệm, đối với người có cùng quan điểm sẽ không dùng lời lẽ để tâng bốc, ca tụng, đối với người có quan điểm bất đồng, họ cũng sẽ không ngông cuồng chỉ trích. Sự độc lập của nhà Nho là như vậy.
Nhà Nho trên thờ thiên tử, dưới thờ chư hầu, nhưng không phải việc gì cũng nhất nhất nghe, họ cẩn thận nghiêm túc mà khoan dung, kiên nghị với người, lấy sự học rộng để thuyết phục người khác. Tuy có ban cho họ cả một quốc gia, họ cũng không tùy tiện phục vụ. Họ giữ quy củ như thế đấy.
Nhà Nho chọn người cùng chí hướng, cùng đạo. Với người cùng chí hướng thì vui hòa, nhưng với người có chí kém hơn cũng không chán ghét. Họ hiểu nhau nên dù cách xa cũng không tin lời bừa bãi. Cùng chung đạo nghĩa thì họ cùng tiến, không thấy chung đạo nghĩa thì họ thoái lui. Họ kết giao như thế.
Nhà Nho ôn hòa lương thiện, coi lòng Nhân là căn bản. Nhà Nho cẩn trọng, coi lòng Nhân là đất đứng. Nhà Nho khoan dung, coi lòng Nhân là rộng lớn. Nhà Nho khiêm tốn, coi lòng Nhân là tài năng. Nhà Nho giữ lễ tiết, để lòng Nhân thể hiện ra vẻ bề ngoài. Nhà Nho coi lòng Nhân là văn lúc nói năng đàm luận. Nhà Nho coi lòng Nhân là hòa điệu nên thích âm nhạc. Nhà Nho đem lòng Nhân phân cho mọi người, để thi hành lòng Nhân. Nhà Nho có đức hạnh như vậy, nhưng không tự nhận mình là Nhân. Họ là người khiêm nhượng.
Nhà Nho không bởi vì nghèo hèn mà khốn đốn mất chí hướng, không bởi vì phú quý mà kiêu ngạo, không làm khốn đốn tới quân vương, không dựa vào người bề trên, không làm tổn hại người ở dưới. Đó chính là nhà Nho vậy.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nho gia Khổng Tử Đạo đức