Mỗi đứa trẻ đều có cá tính và tốc độ phát triển riêng. Khi cha mẹ biết đặt niềm tin đúng chỗ và bao dung với những thiếu sót của con, đó không chỉ là cách giúp con trưởng thành lành mạnh, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng một mối quan hệ gắn bó, đầy yêu thương giữa cha mẹ và con cái.

New Project 77
Đừng coi nhẹ: Nhiệm vụ lớn nhất của cha mẹ là tin tưởng và chấp nhận con cái. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Lư Gia Vỹ, một chuyên gia tâm lý với hơn 10 năm kinh nghiệm thực tiễn, từng chia sẻ trong một buổi diễn thuyết với các bậc phụ huynh: “Nhiệm vụ lớn nhất trong đời bạn là tin tưởng và chấp nhận con cái. Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể duy nhất, có điểm mạnh riêng. Đừng bao giờ đem khuyết điểm của con mình so với điểm mạnh của những đứa trẻ khác”.

Một bà mẹ từng chia sẻ: con gái lớn của bà hay ghen tị. Khi thấy em gái đạt 100 điểm, cô bé tức giận đến mức phát điên, thậm chí còn cố tình xé rách tấm giấy khen “Ngôi sao điểm tuyệt đối” mà em mang về nhà.

Nhưng khi con bé nói trong nước mắt: “Mỗi lần em được 100 điểm, con cảm thấy mình vô dụng, bố mẹ cũng không thương con nữa,” thì cảm giác áy náy trong lòng người mẹ lập tức trào dâng.

Thành thật mà nói, chính bà cũng từng thiên vị con út vì cô bé ngoan ngoãn, tự giác, biết làm bài tập và học hành không cần nhắc nhở. Trong khi đó, con gái lớn thì bướng bỉnh, phải nhắc nhiều lần mới học, mà khi học cũng làm qua loa. Vì vậy, khi có cơ hội, bà thường so sánh hai chị em và mong con lớn học hỏi tính tự giác của em.

Nhưng bà đã bỏ quên cảm xúc của con gái lớn.

Đặc biệt với một đứa trẻ hay ghen tị, việc bị yêu cầu “học theo em” chẳng khác nào sự phủ nhận. Bé cảm thấy tổn thương, xấu hổ và tức giận. Từ đó, mối quan hệ giữa hai mẹ con ngày càng xấu đi. Con gái lớn trách mẹ không thương mình nên thường xuyên nổi nóng và bắt nạt em vì sự oán giận.

Nhưng khi thấy người mẹ tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm đến mình, con gái lớn liền hoảng hốt van xin: “Đừng bỏ mặc con, đừng từ bỏ con… Con nhất định sẽ học hành chăm chỉ, con sẽ thay đổi mà…”

Khoảnh khắc ấy, tiếng khóc xen lẫn nỗi tủi thân, người mẹ nhìn thấy sự bất lực và sợ hãi nơi con gái lớn. Bản thân người mẹ cũng bất chợt dấy lên cảm giác rằng mình là một người “rất tệ” và “thiếu trách nhiệm”.

Từ đó, bà bắt đầu thay đổi. Bà không còn chú trọng so sánh, mà học cách nhìn thấy ưu điểm của con gái lớn và bao dung với những điều chưa hoàn hảo. Khi được công nhận, cô bé dần trở nên tự tin, vui vẻ hơn. Dù thành tích chưa xuất sắc, nhưng đối với bà điều đó không còn quan trọng. Quan trọng là hai con gái có thể thoải mái tâm sự, tin tưởng và mở lòng với mẹ.

Vậy, điều gì là cốt lõi trong việc giáo dục con cái? Chính là: Tin tưởng và chấp nhận.

Đặc biệt trong ba tình huống sau, nếu cha mẹ có thể duy trì sự tin tưởng và bao dung, mối quan hệ với con cái sẽ dần chuyển biến tích cực.

Khi con học kém – Hãy hạ thấp kỳ vọng và bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ.

Khi con có điểm số thấp, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài. Điều sâu xa hơn chính là cảm xúc tiêu cực và áp lực mà trẻ đang gánh chịu.

Một bà mẹ từng kể, khi con gái mới vào lớp 1 đã bị cô giáo chủ nhiệm không ưa chỉ vì một bài kiểm tra tiếng Trung chỉ được 68 điểm. Cô giáo yêu cầu bà đến gặp, trong khi đứa trẻ khóc nức nở qua điện thoại vì sợ hãi.

Dù ban đầu không vui, nhưng bà mẹ nhanh chóng trấn an con: “Không sao cả, nếu lần này chưa làm tốt thì lần sau ta cố gắng hơn. Không ai sinh ra đã biết tất cả, chúng ta đều học từng chút một”.

Thái độ bao dung ấy đã giúp con bình tĩnh, và từ đó, cô bé tiến bộ dần. Từ lớp 3 trở đi, nhờ việc đọc sách đều đặn và hiểu bài tốt hơn, điểm tiếng Trung của em cải thiện rõ rệt.

Bài học ở đây là: nếu cứ chăm chăm vào điểm số mà trách móc, so sánh, trẻ sẽ tự ti và mất động lực. Thay vào đó, hãy giúp con đặt mục tiêu nhỏ – từ 68 lên 70, rồi 74, 75… Sự tiến bộ từng chút một sẽ khiến trẻ cảm thấy có thể làm được và chủ động hơn trong việc học.

Khi con bị buộc tội oan – Hãy tin tưởng con và cùng con đi tìm sự thật

Một lần, tôi thấy một bé gái bị nhóm bạn vây quanh, buộc tội ăn cắp tiền. Cô bé nhút nhát bị dồn vào góc tường, không ngừng lặp lại: “Không phải em, em không lấy tiền”.

Tôi bước đến và hỏi: “Các con có bằng chứng không?”

Cô bé lập tức ngẩng đầu, quả quyết: “Trong lớp có camera, hãy lên gặp hiệu trưởng và kiểm tra. Em không hề ra khỏi lớp cả ngày”.

Khi mẹ của bé nghe chuyện, bà lập tức đứng ra đòi kiểm tra camera để minh oan cho con. Chính sự bảo vệ và tin tưởng ấy đã tiếp thêm sức mạnh để cô bé lên tiếng.

Tôi chợt nhớ đến một phân cảnh khi ba đứa trẻ bị nghi làm xước chiếc xe đắt tiền trong phim ‘Cuộc hôn nhân của chúng ta’. Dù có video quay lại nhưng không rõ ràng, cha mẹ vẫn kiên trì điều tra đến cùng và cuối cùng tìm được bằng chứng chứng minh con vô tội.

Điều này cho thấy: Nếu con bạn bị nghi oan, điều trẻ cần nhất không phải là sự trừng phạt hay thỏa hiệp, mà là một người đứng về phía chúng, đồng hành cùng chúng tìm ra sự thật. Dù cuối cùng có bằng chứng hay không, thì việc cha mẹ lựa chọn tin tưởng cũng là nền tảng giúp con vượt qua tổn thương.

Khi con nói dối hoặc làm sai – Chấp nhận sự thật và dạy trẻ sửa sai bằng sự bao dung

Một bà mẹ phát hiện con gái 8 tuổi chép bài sai từ mạng và vẫn cố chối tội, đổ lỗi cho cô giáo. Trong lúc nóng giận, bà đã phạt con rất nặng. Nhưng liệu sự trừng phạt ấy có giúp con ngừng nói dối?

Có người mẹ khác chọn cách xử lý nhẹ nhàng hơn khi phát hiện con lén dùng nước hoa đắt tiền của mẹ. Dù tức giận, bà không quát tháo, chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Mùi nước hoa thơm không? Lần sau con muốn thử gì cứ nói mẹ biết, mẹ sẽ giúp”.

Chính sự dịu dàng ấy đã khiến cô bé hối lỗi và từ đó không còn nói dối mẹ nữa.

Thật ra, khi trẻ nói dối, phần lớn là do sợ bị la mắng hoặc bị mất tình yêu thương. Nếu cha mẹ dùng sự bao dung để dẫn dắt, trẻ sẽ sẵn sàng thừa nhận và sửa sai.

Tin tưởng và chấp nhận là nền tảng của mọi mối quan hệ, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái. Khi con cảm nhận được rằng dù mình thế nào cũng được yêu thương, thì con sẽ không còn lo lắng giấu giếm hay tìm cách chống đối.

Vậy bạn nghĩ sao về quan điểm: “Nhiệm vụ lớn nhất của cha mẹ là tin tưởng và chấp nhận con cái”?

Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang