I Tờ, Tờ i Ti. Le a La, Me er Mer, La Mer.
- Nguyễn Vĩnh-Tráng
- •
I Tờ, Tờ i Ti.
Le a La, Me er Mer, La Mer.
Nguyễn Vĩnh-Tráng.
Nói đến Phong Trào Bình Dân Học Vụ vào những năm 1945, 1946, những người, năm nay đã thất tuần khó mà quên được. Là một Phong Trào hết sức nhộn nhịp. Nhộn nhịp, một phần vì dân ta hiếu học, một phần vì cách dạy rất khéo léo dễ học. Và cứ thế từ thành thị đến thôn quê, trẻ, già, lớn, bé đổ xô nhau đi học. Các giáo viên là các học sinh ở các trường Trung Học, nên rất trẻ, rất hăng say, rất tận tình, cùng với các nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc để mua giấy bút phát không cho học viên. Chính Quyền lại khuyến khích, cổ động tối đa, nào là đi từng nhà, từng xóm mời dân đi học, nào là dựng các cửa “Hoàn Môn” cho người biết đọc đi qua (ở cầu An Cựu, Huế, gần nhà tôi, lúc bấy giờ…), nào là những vần thơ dễ nhớ như:
“I tờ hai móc giống nhau,
I ngắn có chấm, tờ dài có ngang”
hay :
“O tròn như quả trứng gà,
Ô thời đội nón, Ơ thời có râu”
hay :
“Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn,
Hỏi lom khom đứng, Ngã thời nằm ngang” (1)
Thế là cả xóm, cả làng, ngày đêm, vừa làm vừa ê a “I tờ, tờ i ti, em en mờ nờ…”.
Vào những năm 1950, lại có dĩa hát “Cô Tú”:
“Ai về chợ huyện, huyện Thanh-Vân,
Hỏi thăm, hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.
Đánh vần năm ngoái, năm xưa.
Năm nay quên hết nên chưa biết gì.
Lưng trời tiếng sáo vu-vi,
Vẳng nghe ai học chữ i, chữ tờ.” (2)
làm cho người ta nhớ lại thời sống động của Phong Trào Bình Dân Học Vụ, trước “Tản Cư” (cuối 1946, đầu 1947).
Lớn lên, tôi được biết cách dạy đánh vần chữ Quốc Ngữ trong Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ là do Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đặt ra. Cách dạy rất hay ho, độc đáo, giản dị, đạt hiệu quả rất nhanh, với cách gọi các vần B, C, D, Đ… bằng Bờ, Cờ, Dờ, Đờ…; và NG, PH, TH, TR là Ngờ, Phờ, Thờ, Trờ… Ta có Bờ A Ba dễ dàng hơn cho Bê A Ba, hay Thờ Ơ Thơ thay cho Tê Hát Ơ Thơ khó khăn nhiều, nhất là cho những người lớn tuổi muốn học chữ Quốc Ngữ.
Ngoài ra Giáo Sư cũng dạy cách viết bằng cách dạy viết những “chữ dễ viết cho những ngón tay chưa từng cầm bút…”, và “Vì lẽ đó tôi đã bắt đầu sách bằng hai chữ I, Tờ” (Nhớ lại Hội truyền bá Quốc Ngữ, nhân kỷ niệm 50 năm. Hoàng Xuân Hãn. Báo Đoàn Kết số 405-406, tháng 9-10-1988, Paris).
Từ đó ta có danh xưng “I Tờ” cho cách học mới chữ Quốc Ngữ, mà chỉ “ba buổi, đã ghép thành nhiều tiếng với I, T, O, Ô, Ơ” (Hoàng Xuân Hãn, bài dẫn ở trên).
Phong trào I Tờ đã gây một ấn tượng mạnh trong thế hệ của chúng tôi, đó cũng nhờ tài sư phạm của Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn. Nói đến I Tờ, khó ai không nhắc đến tên của Giáo Sư.
Cũng chẳng cần nhắc lại về kiến thức của Giáo Sư mà hầu ai cũng biết đến. Giáo Sư là một khoa học gia, một sử gia, một nhà văn học, một nhà chính trị liêm chính. Tôi đã may mắn được hầu chuyện với Giáo Sư hai lần để học hỏi về lịch sử các Chúa Nguyễn và tên Việt những ngôi sao. Tôi, lúc đó kêu Giáo Sư bằng “Bác”, xưng “cháu”; còn Giáo Sư thì kêu tôi bằng “chú” và xưng “tôi”. Tôi hiện giờ còn giữ 4 cái thơ của Giáo Sư dạy tôi về hai chuyện trên, mà lúc hầu chuyện với Giáo Sư, Giáo Sư không đủ thì giờ để cho chi tiết. Tôi xem Giáo Sư là bậc thầy của tôi.
Thế rồi, vào năm 1964, trong dịp lễ “Phục Sinh”, tôi được một anh bạn Pháp, học cùng lớp dẫn xuống thăm gia đình anh ta, ở Estaque, một biên quận của thành phố Marseille. Nhà anh ta rất đẹp, đứng tách rời thành phố, nhìn ra biển Địa Trung Hải xanh biếc, mát mẻ, dưới nắng ấm. Thật là một địa điểm thần tiên hiếm có. Khi vào tới cổng, tôi mới “ồ” lên một tiếng khen ngợi, thì ông cụ thân sinh của anh bạn mới nói: “Oui! Le a La, Me er Mer, La Mer!”. Tôi sửng sốt ngạc nhiên vô cùng và hỏi lại ông cụ: “Sao? Ông nói Lơ a La, Mơ er Mer, La Mer à?”, và ông cụ trả lời: “Thế thì sao? Ở đây người ta nói như vậy cả”, làm tôi càng ngạc nhiên thêm, nhưng tôi chưa kịp hỏi đến chi tiết, thì anh bạn đã kéo đi cho xem nhà, xem vườn và cùng nói đến những đề tài khác. Tuy nhiên tôi không quên chuyện “Lơ a La, Mơ er Mer, La Mer” đó.
Trên đường cùng anh bạn về lại trường, tôi có hỏi anh ta là ở Marseille, người ta gọi các chữ B, C, D… bằng Bơ, Xơ, Đơ…, và người ta đánh vần là Bơ a Ba, Tơ ô (eau) Tô, Batô (Bateau) à? thì anh bạn nói không có. Anh nói chữ B thì đọc là Bê/Bé, chữ C thì đọc là Xê/Cé và đánh vần chữ Bal thì Bê a enlơ (Bé a elle), Bal. Tôi mới nói là khi ở nhà anh, tôi có nghe ông cụ của anh nói “Le a La, Me er Mer, La Mer”, thì anh ta cười và nói là người dân quê ở miền Nam hay giễu cợt để cười cho vui, chứ đâu có chuyện đó. Người ta gọi các chữ B, C, D… bằng Bê/Bé, Xê/Cé, Đê/Dé… cả, và đánh vần thì như chữ Bal vừa rồi thôi.
Và tôi cũng đinh ninh như vậy, vì cho rằng những âm Bờ, Cờ, Dờ, Đờ… để chỉ các chữ B, C, D, Đ… chỉ có ở Việt Nam trong thời kỳ thành lập Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ và Phong Trào Bình Dân Học Vụ mà thôi. Nếu ông cụ của anh bạn tôi có biết, chắc cũng đã nghe lỏm ở những người gốc Việt đã và đang làm việc tại Marseille.
Nhưng rồi về hưu, mấy chữ “Le a La, Me er Mer, La Mer”, lại ám ảnh tôi, vì ông cụ của anh bạn tôi lúc trước có nói “Ở đây người ta nói như vậy cả”. Tôi nghĩ chắc cũng phải có “đầu dây mối nhợ” gì, chứ không lẽ tự nhiên lại có chuyện “Tơ/Te, Lơ/Le, Mơ/Me”, mặc dù cũng chỉ là câu nói đùa truyền khẩu ở nông thôn. Rảnh rỗi, tôi lại lên mạng Internet tìm kiếm những thứ tiếng xưa của người Miền Nam nước Pháp như Langue d’oc, Auvergnat, Provençal, cùng những biến thể của tiếng Occitan, như Nissart, Gavot. Thậm chí, tôi tìm đến cả tiếng Monégasque, Catalan…, nhưng các thứ tiếng đó đều gọi các chữ cái B, C, D…, bằng Bê/Bé, Xê/Cé, Đê/Dé…, hay có trại đi đôi chút, chứ không gọi bằng Bơ/Be, Xơ/Ce, Đơ/De…
Tôi lại tìm ngay cả tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi…, tuy tôi không biết các thứ tiếng đó, nhưng cũng chỉ thấy và nghe các âm, Bê, Xê, Đê… hay Bi, Tchi, Đi…, để đọc các chữ B, C, D…
Tôi còn đi xa hơn nữa, là tìm trong những tiếng Balan, tiếng Nga, vì cũng may mắn, ông hàng xóm của tôi, người gốc Balan, có biết đôi chút tiếng Nga, mà cũng không tìm thấy các âm Bơ, Xơ, Đơ… cho các chữ B, C, D…
Rồi một hôm, trong việc đi tìm các âm của các chữ cái trên mạng – mạng Internet thật thần tình – tình cờ tôi tìm được cuốn “Observations sur l’orthographe française: suivies d’un exposé historique des Opinions et Systèmes sur ce sujet depuis 1527 jusqu’à nos jours”. (Ambroise Firmin Didot. Typographie de Ambroise Firmin Didot, Paris, 1867) – OOF. Trong cuốn đó, ở trang 9, có câu:
“Profitant un peu tard des réflexions de Messieurs de Port-Royal (Arnaud et Lancelot), qui, dans leur Grammaire, avaient condamné avec raison l’ancienne et vicieuse épellation:
bé, cé, dé, é, effe, gé, ache, ji, elle, emme, enne, erre, esse, vé, ixe, zedde,
l’Académie, après l’avoir suivie pour les premières lettres dans sa quatrième édition, s’est ensuite ravisée et l’indique ainsi:
fe, ge, he, le, me, ne, re, se, ve, xe, ze.”
(Hàn Lâm Viện, dù hơi chậm, ban đầu đã theo sự phân tích trong cuốn Ngữ Pháp của các ông ở Trường Port-Royal (Arnaud và Lancelot), mà họ đã hợp lý chỉ trích cách đánh vần kỳ quặc và xưa cũ các chữ:
bé, cé, dé, é, effe, gé, ache, ji, elle, emme, enne, erre, esse, vé, ixe, zedde,
để lấy những chữ đầu cho ấn bản lần thứ tư cuốn Tự Điển, đã đổi ý và chỉ định như sau:
fe, ge, he, le, me, ne, re, se, ve, xe, ze).
Tôi mừng hết sức và tôi lại tìm thêm cuốn “Grammaire Générale et raisonnée de Port-Royal”. (Arnaud et Lancelot. Seconde Edition. Bossange et Masson, Paris, 1810) – GRPR. Và trong các trang 264-265, có:
“Or, ce qui rend maintenant cela plus difficile, est que chaque lettre ayant son nom, on la prononce seul autrement qu’en l’assemblant avec d’autres. Par exemple, si l’on fait assembler fry, à un enfant, on lui fait prononcer ef, er, y grec ; ce qui le brouille infailliblement, lorsqu’il veut ensuite joindre ces trois sons ensemble, pour en faire le son de la syllabe fry”.
(Thế mà, chuyện khó là mỗi một chữ cái đều có tên của chúng, người ta đọc tên của chữ cái trong khi ráp chữ cái đó với những chữ cái khác. Ví dụ, nếu muốn một em bé ghép chữ fry, thì nói em đọc ef, er, y grec ; thì chắc chắn sẽ làm rối em, khi em muốn ghép lại cả 3 âm, để có âm của âm tiết fry).
“Par exemple, qu’on donnât pour nom à b, ce qu’on prononce dans la dernière syllabe de tombe; à d celui de la dernière syllabe de ronde ; et ainsi des autres qui n’ont qu’un seul son”.
(Thí dụ như, gọi tên chữ b theo cách đọc âm tiết cuối của chữ tombe (âm bơ/be), chữ d theo âm tiết cuối của chữ ronde (âm đơ/de), và, như thế, cho những chữ khác, khi chúng chỉ có một âm). (Nghĩa là âm của chữ B là Bơ/Be, âm của chữ D là Đơ/De).
Như thế, những đoạn trích trong hai cuốn sách OOF và GRPR nói trên, cho ta rõ ràng là theo Arnaud và Lanceleot, trong cuốn Ngữ Pháp của họ, thì không nên đọc các chữ cái B, C, D… theo tên xưa của chúng là Bê/Bé, Xê/Cé, Đê/Dé…, mà phải đọc theo Bơ/Be, Xơ/Ce, Đơ/De…, và cách đánh vần thì thay cho Bê/Bé a Ba, ta phải nói Bơ/Be a Ba…, để người học đánh vần dễ học hơn.
Vì cách đánh vần theo Arnaud và Lancelot đã được giảng dạy trong một thời kỳ – khoảng năm 1640 – tại một địa điểm – trường Port-Royal mà Arnaud và Lancelot đã giảng dạy – nên, tuy không chính thức, nhưng đã truyền miệng lại cho đời sau, và khắp cả nước Pháp, chứ không phải chỉ ở miền Nam mà thôi. Nhất là ở nông thôn, nơi mà không có những bài giảng (giáo trình) chính thức. Rồi từ đời nầy sang đời khác, những tập quán đó lại bị phai mờ bởi sự đại chúng hóa nền Giáo Dục khắp cả nước, và những âm Bơ/Be, Xơ/Ce, Đơ/De… để chỉ các chữ cái B, C, D… đã bị đại chúng quên hẳn đi. Chúng chỉ còn trong một vài chữ, và cũng là để làm chuyện khôi hài, mua vui, như trong nhóm chữ “Le a La, Me er Mer, La Mer”, mà ông cụ của anh bạn tôi đọc ra để đùa vui với tôi.
Vậy ở Pháp, vào khoảng năm 1650, và có thể, ở các nước khác, cũng đã có cách đánh vần theo cách gọi các chữ B, C, D… bằng Bơ, Xơ, Đơ…, thay cho Bê, Xê, Đê…, như ở Việt Nam mà Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đã gọi các chữ B, C, D, Đ… bằng Bờ, Cờ, Dờ, Đờ…, thay cho Bê, Xê, Dê, Đê…
Thế là Arnaud và Lancelot đã giải thắc mắc cho tôi về nhóm chữ “Le a La, Me er Mer, La Mer” mà tôi đã ấm ức, vất vả tìm kiếm từ lâu…
Cho hay, kẻ trước, người sau, kẻ Âu, người Á, các Giáo Sư Antoine Arnaud (1612-1694), Claude Lancelot (1615-1695), Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), những nhà Sư Phạm tài ba, đều có cùng ý kiến. Tục ngữ Pháp có câu “Les Grands Esprits se rencontrent”. (Các luồng tư tưởng lớn đều gặp nhau).
I Tờ, Tờ i, Ti.
Le a La, Me er Mer, La Mer.
Nguyễn Vĩnh-Tráng
Đầu Thu Năm con Cọp
206 092 010 nvt*ttl*
(1) Mấy câu thơ nầy là mấy câu thơ mà người dân ở Huế truyền miệng cho nhau, lúc bấy giờ. Trong bài Nhớ lại Hội truyền bá Quốc Ngữ, nhân kỷ niệm 50 năm, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn cho hơi khác chút ít.
(2) Tôi không rõ tác giả của bài hát nầy là ai. Bài hát còn dài hơn nhiều. Bắt đầu bằng “Ai về chợ huyện, huyện Thanh Vân”, và kết thúc bằng “Xin cô tới đó học hành cho thông”.
Từ khóa Hoàng Xuân Hãn Nguyễn Vĩnh Tráng