“Khóc một dòng sông…”
- Nguyễn Thị Hậu
- •
Đã một vài lần tôi đi xuôi ngược dọc theo vài đoạn Mekong ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông Mẹ của Đông Nam Á lục địa, nguồn mạch sinh sôi của đất, của người, của văn hóa những nơi mà nó chảy qua.
Trên bất cứ đoạn nào Mekong cũng mang dáng vẻ hiền hòa, ngay cả vào mùa nước lũ. Từ thượng nguồn Tây Tạng càng đổ về phía biển con sông càng chững chạc hơn. Nếu những ngọn thác hùng vĩ trên mấy chục bậc thềm thượng nguồn mạnh mẽ như những chàng trai trẻ thì về miền đồng bằng hạ lưu, dòng Mekong chở nặng phù sa tựa như thiếu phụ đang hoài thai chờ ngày hạ sinh những mùa vàng nặng trĩu. Trên sông xuôi ngược những chuyến tàu lớn chở người, hàng hóa, ghe xuồng nhỏ buôn bán ven sông, ghe đánh cá dỡ chài những đoạn nước xiết, những cù lao hình thành ngày mỗi dài rộng qua hàng ngàn mùa nước nổi… Vùng gần biển ngày hai lần Mekong đổi dòng nước lớn nước ròng đều đặn bình thản như nhịp sống ở đây. Nhiều chiếc cầu đã nối liền đôi bờ cũng là nối liền hai đất nước khi Mekong là biên giới tự nhiên. Mà ngàn đời nay với cư dân sống dọc theo con sông, Mekong luôn là sự nối liền chứ có bao giờ là ngăn cách?
Mùa khô năm nay đồng bằng sông Cửu Long chịu đợt hạn hán chưa từng thấy, trước đó mùa nước nổi chậm chạp đổ về, mực nước so với mọi năm thấp hơn nhiều, không còn là mùa cá linh, không còn là “mùa lũ” như báo chí nhiều năm nay gọi thế. Đất nhiễm mặn nặng nề hơn vì không có nước ngọt xả phèn. Vì biến đổi khí hậu, vì mười mấy con đập thủy điện ở thượng và trung lưu, nhưng công bằng mà nói còn vì trăm năm nay đồng bằng sông Cửu Long chỉ được khai thác và khai thác với cường độ ngày càng tăng… Đất ngày càng chật người ngày càng đông, lòng tham của con người với tự nhiên ngày càng không giới hạn, cũng như con người đang phá rừng vét biển.
Đất không một ngày nghỉ ngơi, vắt kiệt sức cho những đồng lúa tăng vụ, sông không một khúc bình yên vì bị chặn đập nắn dòng, sụp lở vì nạo vét cát như những vết thương ăn sâu vào đôi bờ, chưa kể sự ô nhiễm đổ ra con sông từ nhiều nguồn. Biến đổi khí hậu được cảnh báo hàng chục năm trước và nay đã hiện diện rõ ràng, những con đập trên thượng nguồn đã xây dựng và có kế hoạch xây dựng tiếp cũng từ hàng chục năm nay, mùa nước nổi trở nên thất thường về thời gian, về cường độ trong vài năm gần đây… Tất cả là dấu hiệu rõ ràng bệnh tình của sông Mẹ.
Dòng sông Mẹ bao dung rất mực đã trân mình nuôi hàng trăm triệu đứa con nhưng tất thảy đều vô ơn không một lần quan tâm đến sức khỏe của Mẹ. Chỉ đến khi mỗi bữa ăn thiếu đi con cá, hụt một chén cơm, một ngày nhận ra cơn khát nước ngọt đang gần lắm… mới hiểu rằng Mẹ Mekong đã kiệt sức lắm rồi! Những đoạn Mekong tôi từng qua khi quay trở lại bao giờ cũng thấy cạn hẹp khá nhiều, không phải vì mình già đi nên nhìn cái gì cũng trở nên bé nhỏ, không phải vì đi nơi này nơi khác mà nhìn sông quê thành ra nhỏ bé quê mùa. Chỉ thấy thương quá sự tiều tụy của dòng sông do con người gây ra. Nhưng những người anh em – các quốc gia chung một mẹ Mekong ở vùng hạ lưu – vẫn chưa tìm được tiếng nói chung hành xử chung để ngăn chặn bệnh tình mà ngược lại ai nấy vẫn tiếp tục tìm kiếm khai thác chút tài sản còn lại của Mẹ, mặc cho hàng xóm láng giềng ra sức khoét sâu hơn những vết thương trên thượng nguồn sông Mẹ!
Hàng trăm triệu năm trước ở vùng hạ lưu, dòng Mekong cổ đã đổi dòng “trượt dần” từ Đông sang Tây do sự sụt lún của địa chất, quá trình này là một sự “lột xác” sống lại trong một diện mạo mới khỏe mạnh trẻ trung. Những đồng bằng hình thành từ đây, chưa hoàn chỉnh và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi đắp. Nhưng quá trình “mặn hóa” cạn kiệt ngày nay là sự lão hóa cực kỳ nguy hiểm không có loại thuốc nào ngăn chặn, vì quy luật tự nhiên chỉ là phần nhỏ còn lại phần lớn vì sự kém cỏi và tham lam của con người.
Thờ ơ với cái chết của Mekong là tội ác với tự nhiên và với chính con người, bởi vì chúng ta đang hất đổ chén cơm ly nước mỗi ngày và để lại cho con cháu một mảnh đất không còn sự sống của một dòng sông. Có lẽ nào chúng ta bằng lòng với một phần bản đồ Việt Nam mà trên đó màu xanh biến mất?!
Thái Lan, ngày 31.3.2016
Nguyễn Thị Hậu
Đăng lại từ Blog tác giả: haukhaoco2010.blogspot.com
TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.
Từ khóa hạn mặn sông Mekong Nguyễn Thị Hậu sông Mekong cạn nước