Có thể ví mỗi người đàn ông trưởng thành, có gia đình riêng sống ở làng tôi là một “nhà bách nghệ”. Cuộc sống có tính tự cấp, tự túc cao đã đào luyện họ từ nhỏ để có thể làm đủ việc từ nhỏ đến lớn trong nhiều vai trò khác nhau. Họ tự làm đủ thứ công việc từ trồng trọt chăn nuôi tới xây dựng, tu sửa nhà cửa, chế tạo đồ vật dùng trong nhà. Ngay cả việc giết mổ những gia súc lớn như trâu, bò, lợn họ cũng làm được hết.

Nếu sống ở nông thôn như một người nông dân vào thời tôi còn nhỏ mà không tự mình làm được các việc trên, cuộc sống chắc chắn sẽ gặp nhiều rắc rối và bất tiện. Chẳng hạn một người như tôi nếu sống trong bối cảnh đó sẽ rất lúng túng. Bố tôi trên giấy tờ là giáo viên nhưng thực chất ông sống cả cuộc đời của người nông dân. Mẹ tôi làm ruộng vì thế những lúc ở nhà bố tôi vẫn đi làm với mẹ. Bố tôi làm các việc của nhà nông khỏe và giỏi như những người nông dân giỏi nhất của làng. Thậm chí, ở một vài phương diện ông còn làm tốt hơn cả họ ví dụ ông biết tự điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm một cách khoa học khi sử dụng các loại thuốc và tự tay ông tiêm. Ông cũng biết học để nuôi ong, nhân giống cây sâm từ rất sớm, điều mà ngay cả bây giờ rất nhiều người dù muốn cũng chưa làm được. Ông cũng có thể thịt lợn như một người làm nghề mổ thịt chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, như ông tự nhận, ông không phải là người khéo tay. Ông có thể làm các công việc của người thợ nề, thợ mộc nhưng không giỏi. Nhưng chỉ cần biết làm thợ mộc đôi chút thôi, bố đã làm được đủ thứ trong nhà rồi. Ông đóng ghế ngồi ăn cơm, làm các khung cửa sổ, xây dựng chuồng gà, chuồng chó, chuồng lợn, sửa chữa những chỗ hỏng hóc ở các căn nhà… Ông có hẳn một bộ đồ làm mộc với đủ các loại đục lớn nhỏ, từ đục phẳng tới đục cong, có búa gỗ, có cả con dọi, hộp mực, thước, cưa… Bộ độ làm mộc này tôi ít khi dám nghịch vì bố tôi cấm. Tôi biết nó khá nguy hiểm.

Nghịch những cái đục có lưỡi nhọn hoắt hoặc sáng bóng sắc lẹm đó rất nguy hiểm. Biết thế nên dù thèm thuồng tôi cũng phải cố kiềm chế. Bù lại, thi thoảng tôi lấy trộm cái cưa ông dựng ở xó nhà ra để cùng thằng em cưa thứ này thứ khác. Cái kì diệu của cưa là cứ lầm lầm lì lì mà cưa cái cành cây, khúc gỗ nào cũng đứt ngọt xớt. Cưa gỗ chán, tôi mang cái cưa này ra cưa gạch thử xem nó thế nào. Những viên gạch được tôi chọn là gạch đã được xây làm bậc cửa nhà chứa cối xay. Tôi chọn chỗ đó vì tôi biết gạch ở đó là gạch non. Quả nhiên cưa sắc gặp gạch non, một mình tôi kéo cũng đi phừn phụt, mùn cưa tạo ra vừa đỏ vừa mịn láng như bột nấu cháo. Tôi cưa đứt được tầm 4-5 viên thì mẹ tôi đi chợ về quát ầm ĩ và dọa “Lát nữa bố mày về thì lại no đòn”.

Tôi sợ lắm, khóc thút thít. Khóc thế, tí nữa về bố mủi lòng sẽ phạt đánh ít roi hơn. Đấy là chiến lược của tôi cả. Nhưng không hiểu làm sao, hôm đó bố tôi đi xuống thị xã về có gì vui mà không chỉ không mắng, ông còn mua cho tôi một cuốn sách mới. Lúc cầm cái cưa đã bị vẹo và răng ở lưỡi cưa đã bị vênh, tòe hết cả, ông chỉ đưa tay gại gại lên lưỡi cưa, giơ nó ra xa ngắm rồi nhìn tôi chặc lưỡi “Ồ, cái thằng này… nghịch thật”.

Khi đó có lẽ tôi tầm 6-7 tuổi, mới bắt đầu vào lớp một.

Nguyễn Quốc Vương
Trích từ bản thảo “Cố hương muôn nghìn cảnh cũ đồ xưa”

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: