Mỗi nhà ở làng đều có một mảnh sân trước nhà. To bé tùy từng gia cảnh. Những nhà giàu thì sân lát gạch. Nhà bình bình thì có sân vôi. Nhà nghèo thì sân đất.

Sân nhà tôi ban đầu chủ yếu là sân đất. Chỉ có một mảnh nhỏ là sân vôi. Mảnh sân đó được dùng để phơi thóc, phơi ngô, đỗ lạc… Rơm phải phơi ở bên ngoài sân đất. Vì là sân đất nên khi trời mưa rất bẩn. Chúng tôi cứ chân đất chạy nhảy chơi ở đó rồi lại phi vào trong nhà (khi đó cũng là nền đất nện) nên bị mẹ nhiều lần cho ăn cán chổi vào mông. Nghĩ lại sao hồi đó môi trường tốt và thiên nhiên phong phú thế. Trời mưa, cóc nhái nhảy ra đầy trên sân đất. Có khi còn có cả cá rô rạch ở đâu đó lên tận vườn nhà. Chuyện chó mèo tha cá về nhà khi trời mưa là chuyện rất bình thường.

Mùa gặt các sân đầy rơm, bọn trẻ con tha hồ nghịch. Chúng tôi nhảy lên đống rơm, chui vào bên trong. Chơi với rơm rất thích nhưng tối đến đi ngủ thì biết tay vì nhặm. Tha hồ gãi. Tay chân sứt sẹo hết cả.

Trên sân vôi mấy chị em tôi và bọn trẻ con hàng xóm chơi đủ trò: ô ăn quan, nhảy gô, đuổi bắt… Chơi chán bọn trẻ nhặt sỏi vẽ đủ thứ linh tinh khắp sân.

Buổi tối đẹp trời bố tôi hay trải chiếu ra thềm hoặc ra sân cho các con ngồi chơi ngắm trăng sao. Nghĩ lại mới thấy bầu trời đêm ở quê những ngày ấy là đẹp nhất. Trăng sáng, sao nhấp nháy trên đầu, gió từ đồng thổi vào mát rượu, tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Những cảnh ấy giờ sống trong thành phố nghĩ lại thấy như là giấc mộng. Tôi vốn thích tưởng tượng nên khi nằm trên chiếu ở sân tôi thường nhìn lên bầu trời sao và để cho tâm trí mình phiêu diêu khắp nơi với vô vàn liên tưởng và hình ảnh phi lí. Cũng có khi tôi nằm đó để nghe tiếng sáo diều. Vào quãng tháng ba người ta chơi diều rất nhiều. Tiếng sáo kêu vi vút khắp không gian.

Bây giờ người làng tôi không còn ai phải đói vì tháng Ba nên khái niệm “Tháng ba ngày tám” mờ dần nhưng thời tôi còn là trẻ con thì khác.

Tháng ba khi xưa là tháng đói. Lúa chưa gặt. Mọi thứ ở ngoài đồng còn xanh. Nhà nhà chạy gạo ăn đong. Nhưng kì quái là vào quãng tháng ba ở quê tôi mọi thứ lại rất đẹp, đẹp đến thắt lòng. Nước sông Thương thì xanh, hoa gạo bên hai bờ thì đỏ. Bầu trời cũng xanh và trong suốt đến tận cùng như một vòm pha lê khổng lồ. Gió thổi mát, trẻ con mang diều ra thả ngoài đồng, ngoài đê phấp phới. Ngồi ở nhà tôi cũng có thể biết được diều của ai đang thả trên trời dựa vào tiếng sáo. Ngày đó, không có nhiều việc, người làng loanh quanh làm việc ở nhà như đan lát cái rổ, cái rá, bện cái chổi, người ra đồng thì cắt cỏ, chăn trâu, tát nước bắt cá… Bọn trẻ như chúng tôi nếu không đi học thì đuổi trâu ra bờ đê, cánh đồng, chơi diều, tắm sông.

Trong tháng đói giáp hạt ấy mà có ngô ăn thì tuyệt. Quê tôi gọi ngô là “bẹ”. Thời đó chưa có các loại ngô lai phong phú như bây giờ. Ở làng tôi người ta vẫn trồng một thứ ngô truyền thống, bắp nhỏ nhưng rất thơm và ngon. Tháng ba là mùa bẻ ngô. Nhưng không phải nhà nào cũng có và có nhiều. Đồng ruộng chật hẹp, không phải chỗ nào cũng trồng được ngô. Những nơi thích hợp nhất để trồng loại ngô này là những ruộng có đất pha cát ở các cánh đồng như Mả Vang, Cửa Cống, Đồi Đá, Đồi Mịn và đất bãi sông. Nhà tôi cũng có một hai ruộng nho nhỏ để trồng loại ngô này.

Đang đói mà có ngô nướng, ngô luộc ăn thì chẳng gì tuyệt vời hơn. Có lẽ đó là những bắp ngô ngon nhất trong đời những người ra đi từ làng như tôi. Chẳng thế mà ở quê tôi người ta thường nói “Tháng ba ăn bẹ nghe diều”. Đấy là cái hạnh phúc bình dị, đơn sơ và hồn nhiên của người nông dân mùa giáp hạt.

Khi tôi đi du học Nhật Bản được một năm, quãng năm 2007, thì bố tôi bắt đầu lát gạch kín các mảnh sân trước nhà. Nhà tôi “hiện đại hóa” muộn nhất làng từ sắm tivi, xe máy, dùng máy tuốt lúa cho đến lát sân gạch. Lý do chủ yếu là… nghèo. Bố mẹ tôi đã nuôi bốn đứa con học hết cao đẳng, đại học trong khi chỉ có 3-4 sào ruộng của mẹ và đồng lương mất sức còm cõi của bố. Người làng kinh ngạc trước việc đó. Họ đồn bố tôi trong lúc cuốc đất san đồi làm nhà, làm vườn đã cuốc được một chum vàng!

Bây giờ ở làng, 100% sân gạch! Sân vôi biến mất hoàn toàn. Cảnh sân vôi mới làm xong chó mèo và trẻ con lội qua tạo nên những vết chân trên đó giờ chỉ còn thấy ở trong phim.

San nha toi 02
(Ảnh: Qua Facebook Nguyễn Quốc Vương)

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm: