Ngòi làng tôi
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Ngòi làng tôi mùa này đầy nước. Năm nay có lẽ sẽ đầy hơn mọi năm. Xin đăng một bài tôi mới viết về ngòi làng tôi trích từ bản thảo cuốn sách viết về cố hương mới hoàn thành.
Rút kinh nghiệm người làng tôi xưa không viết gì nên người bây giờ không biết được gì nhiều về làng xưa, tôi sẽ viết lung tung về làng như một cách để ghi lại phong cảnh, tập quán…
Nguyễn Quốc Vương
Ngòi làng tôi
Con ngòi tự nhiên chảy qua làng tôi bắt đầu từ làng Hương, làng Nguộn phía trên. Mẹ tôi là người làng Nguộn. Nếu ngược con ngòi từ cầu Chẹm chỗ nhà tôi đi lên mãi thượng nguồn thì sẽ đến cái đầm rộng mênh mông trước cửa nhà ông ngoại tôi. Người làng Hương, làng Nguộn vẫn cấy lúa một vụ ở trên cái đầm đó. Ở giữa đầm thi thoảng họ cũng đào những cái chuôm để dụ cá vào. Trên bờ chuôm mọc rặt cây chỉ tràng – một loài cây mọc được cả trên cạn lẫn dưới nước. Loại cây này có hoa màu trắng khi nở rất thơm. Bây giờ nhiều đại gia thường lùng mua để mang về trồng ở hồ nhân tạo hay hòn non bộ đặt ở trong vườn nhà. Cái đầm này lại nhận nước từ tít trên Việt Lập, Cao Thượng đổ về.
Đến địa phận làng Hậu, đầm thu hẹp lại dần và chảy qua một khe rất hẹp, chỗ đó chính là chỗ hình thành con ngòi rõ nhất. Qua khe hẹp đó dòng nước lại phình to thành một cái đầm lớn mà người ta gọi là Phần Đầm. Ở đây quanh năm ngập nước nên lớp bùn rất dày. Lội xuống có khi ngập đến thắt lưng. Nhà tôi có một mảnh ruộng ở đây. Đi bừa ở Phần Đầm là ngán ngẩm nhất. Vì nó lầy thụt nên không cần cày chỉ cần bừa qua là cấy được. Nói dễ, làm mới khó. Bùn ở đây nhão lại dày, trâu bị thụt chân xuống đi không nổi. Người đỡ bừa phía sau cũng thế. Nhưng không bừa thì khó cấy vì trên mặt ruộng có đủ thứ từ ốc, gốc rạ cho tới rong rêu. Đến lúc đi gặt lúa ở đây cũng khổ. Cứ lúa sắp chín thì có lụt lớn. Tôi lại phải lặn xuống dùng tay và liềm mò lúa ở đây.
Bây giờ mẹ tôi đã già, các chị tôi lấy chồng, tôi và em trai sống ở thành phố nên ruộng này đã bỏ. Không rõ hiện tại thuộc về tay ai. Ở Phần Đầm cũng có những cái chuôm rất lớn của người làng Hậu. Cá ở đây rất nhiều nhưng hiếm khi tôi lên đây câu hay bắt cá. Đơn giản vì xa nhà tôi và nơi đây là đất của người làng Hậu. Sau khi chảy qua Phần Đầm, nước chảy qua một cái đập nhỏ gọi là “Kè Bờ Làng”. Cái kè này của làng Hậu. Dòng chảy đột nhiên bị thu hẹp và chặn lại nên chảy rất khiếp. Mùa lụt nước ngập phăng cả cái kè này. Khi nước rút người ta bắt đầu mang sa hay đăng để đánh cá. Đăng hiểu đơn giản giống như một cái túi lưới hứng xuôi theo dòng nước, cá theo đó chui vào cái túi ở phía cuối không thoát ra được. Sa thì khác. Nó là một dụng cụ được đan bằng nan tre. Nó có mắt rất thưa để nước có thể chảy qua. Người ta hứng sa, thứ giống như một cái mành tre lớn có cạp bao quanh và hơi uốn cong để cá khó thoát ra phía dưới dòng nước chảy mạnh. Cá theo nước lao xuống và ngã trong sa không thể thoát được.
Qua Kè Bờ Làng trở đi là đất của làng tôi – làng Sấu. Khỏi Kè Bờ Làng một đoạn con ngòi phình to chảy ngập khắp cánh đồng hai bên. Cánh đồng bên phải gọi là Bãi Dầm. Cánh đồng bên trái gọi là Lạt Tin. Những cánh đồng này thường xuyên ngập nước nên thường chỉ cấy được một vụ và dùng để gieo mạ. Vào mùa nước cạn đây là nơi lý tưởng để chăn trâu vì cỏ mọc xanh um lại bằng phẳng, không có ruộng lúa. Khi nước rút chỗ này cũng là chỗ đơm tôm tốt nhất làng. Bọn trẻ con móc bùn chặn nước thoát khỏi những mảnh ruộng ngăn không cho tôm tép rút theo dòng nước. Chúng mở một cửa nhỏ và đặt vào đó một cái bồng có gắn đụt hoặc một cái thời. Tôm tép theo hai cửa của bồng đi vào đụt hoặc đi vào từ miệng thời có hom.
Qua một đêm có thằng kiếm được cả mấy cân tôm tươi đổ ra còn giãy đành đạch. Đây cũng là nơi vào quãng những năm 1966-1967 máy bay Mỹ đã ném xuống đây mấy quả bom. Bố tôi kể khi đó bố tôi đang ở nhà thì nghe tiếng máy bay rít và bom nổ rất gần, đất trời rung chuyển. Sau thấy người làng nháo nhác kêu “Mỹ thả bom ở Bãi Dầm rồi”. Bố tôi hoảng hồn khi nhớ đến chú Nhâm – chú ruột tôi khi đó còn là trẻ con đi đơm tôm cùng lũ trẻ con ở đó. Cả nhà hốt hoảng đi tìm thì chú chạy về bình an. Khi hỏi chú cho biết chú nghe tiếng máy bay nên chui vào trong cống ở Lải Mục chỉ bị hít khói và ù tai chứ không sao. Lải Mục là cái cống nước chảy từ khu ruộng gọi là Lạt Tin ra con ngòi. Hôm đó trong số bom thả xuống Bãi Dầm có một quả bị điếc không nổ. Người ta về sau đào nó lên từ bãi bùn, rút hết thuốc và đem vỏ làm kẻng của làng. Khi tôi lớn lên quả bom đó vẫn được treo lủng lẳng ở nhà kho sân điếm đội 2. Lũ trẻ chúng tôi đi qua ngứa tay vẫn nhặt gạch vào nện một hồi cho đến khi bị những nhà ở gần điếc tai ra chửi mới bỏ đi.
Ra khỏi Bãi Dầm, ngòi thu hẹp lại chỉ rộng chừng 5-7 mét. Nước giờ đây phải luồn lách giữa các chuôm được đào hai bên ngòi để chảy qua vài cây cầu tre, cầu gỗ lớn nhỏ, uốn lượn qua nhiều cánh đồng khác nhau như Non Nuốc, Đồng Ngòi, Đồng Dâu, Ngoài Ngọng, Cửa Cống trước khi ào ào chảy vào cống Chuông đổ ra sông Thương.
Tính đường chim bay, con ngòi dài không đáng kể, từ Kè Bờ Làng cho tới Cống Chuông chắc cũng chỉ chừng 2-3km tuy nhiên chiều dài thực tế phải gấp 2-3 lần vì nó chảy uốn lượn theo địa hình. Sự ngoằn ngoèo của con ngòi nói lên rằng nó là dòng chảy tự nhiên và có từ lâu đời. Bố tôi kể rằng xưa kia rừng phủ khắp làng nên suốt từ Cầu Chẹm trở lên tới Kè Bờ Làng là rừng, “rậm lắm chim chui khó lọt” – bố tôi mỗi lúc kể về chuyện này lại mơ màng nói vậy.
Làng ở lọt hẳn trong lũy tre bao bọc như một bức tường thành tự nhiên mà lũy tre chạy dọc ngòi là phần lũy quan trọng. Những tên trộm cướp hay thậm chí là cả giặc xâm lược thời xưa khó lòng có thể lội qua con ngòi và chui qua lũy tre dày đặc toàn gai để vào làng. Nhờ thế mà nhìn chung trong suốt cả thời Pháp thuộc làng tôi tương đối yên ổn. Tây có càn vào làng nhưng phải dè dặt, thời gian đó đủ để dân làng gồng gánh, bồng bế nhau chạy vào rừng. Đôi lần chúng phá cổng làng vào tận bên trong nhưng địa thế của làng cùng sự thoắt ẩn thoắt hiện của du kích khiến chúng sợ không dám ở lâu, không dám dựng đồn bốt ở làng và nhất là không dám ở lại qua đêm. Đến lúc tôi 6-7 tuổi, rừng về cơ bản không còn nữa ngoài cánh rừng của ông Toàn trên đồi Rừng Điếc nhưng tre vẫn cực nhiều. Chuôm nhà nào cũng phủ kín những tre là tre, dọc con đường từ Cầu Chẹm lên tới Hố Nhóng – nơi đi thêm một đoạn thì vào đường làng chính cũng dày đặc những tre.
Con ngòi này cung cấp nước cho các cánh đồng của làng tôi. Khi ruộng hết nước, người dân dùng khau giai, khau vật tát nước từ ngòi lên. Ở mỗi khu ruộng sẽ có những cái hõm ăn sâu vào phía trong cánh đồng được gọi là “sòng tát”. Đấy là nơi người ta vục khau giai xuống tát nước lên đồng. Tùy khu ruộng mà có nơi sòng tát thấp, có nơi lại rất cao. Nơi nào cao khi tát mệt phải biết vì tay phải nâng, cổ phải ngửa. Tôi đã tát nước cùng bố mẹ và các chị ở rất nhiều sòng tát như thế: Ngoài Ngọng, Bờ Hôi, Non Nuốc, Cửa Cống… Có một điều lạ lùng là nhà tôi nhìn thẳng xuống cánh đồng có tên Đồng Ngòi nhưng từ bé tới lớn, tôi chưa từng thấy nhà tôi được chia một mảnh ruộng nào ở đó.
Con ngòi cũng là phương tiện thoát nước, phòng chống lũ lụt cho làng tôi. Mỗi khi mưa lớn nước từ Việt Lập, Cao Thượng dồn về ào ạt theo con ngòi đổ qua cống Chuông ra sông Thương. Vào mùa mưa ban đầu nước chảy rất mạnh nhưng rồi nó chảy chậm dần và ngừng hẳn, thậm chí có khi nước còn chảy ngược. Đó là khi cánh cống Chuông từ từ khép lại do nước sông Thương dâng cao. Khi đó sẽ có lụt. Nước từ con ngòi dâng lên ngập kín khắp các cánh đồng. Những cánh đồng như Đồng Ngòi, Ngoài Ngọng, Đồng Dâu, Cửa Cống, Non Nuốc, Bãi Dầm sẽ chìm sâu dưới nước. Tất cả các cây cầu bắc qua con ngòi từ Cầu Chẹm cho tới các cây cầu nhỏ làm từ tre đều chìm dưới nước.
Con đường từ Cầu Chẹm đi qua Hố Nhóng ngoài và Hố Nhóng trong đi vào trong sân tác đội 2 (còn gọi là sân điếm đội 2) của làng đều ngập dưới nước. Tôi muốn đi vào làng qua con đường này phải chấp nhận ướt quần hoặc phải cởi truồng tay cầm quần áo giơ cao trên đầu.
Nước lụt ban đầu đỏ sau khi ngập vài ngày thì lắng xuống trong xanh. Đấy là thời điểm lý tưởng để tắm. Buổi trưa nào ở Cầu Chẹm trẻ con, thanh niên choai choai cũng tắm đông như hội. Thi thoảng lại có thằng khóc ré lên vì bị bố mẹ ra tìm tiện tay quật cho mấy roi. Đi tắm ở đây rất ngán mấy ông thanh niên choai choai. Mấy ông này đã lớn nên không còn tắm truồng nhưng lại luôn bày trò chơi khăm giấu quần của bọn trẻ con. Thằng nào bị giấu mất quần chỉ có khóc mếu. Bọn này cũng hay chơi trò ném bùn vào người thằng nào dám “lên bờ”, tức là định bỏ về trước. Cứ trèo lên cầu Chẹm hay đường làng định mặc quần áo để về là chúng sẽ ném cho một nắm bùn vào người. Thế là lại phải xuống tắm cho sạch. Nhưng rồi vừa bước chân lên bờ chúng lại ném. Cứ thế. Phát khóc chúng cũng chẳng tha. Cách duy nhất để thoát nạn là xuống tắm tiếp chờ chúng nó lên bờ thì mình lên một thể.
Chúng chỉ đùa vui thôi và nạn nhân có khi chính là thành viên của nhóm choai choai này. Nhưng nếu nhìn từ góc độ người lớn và nhất là suy tưởng từ đó thì thấy mấy tay ném bùn này hao hao những kẻ bất lương hay chậm tiến trên thế giới. Chúng chậm tiến, chúng không chịu tiến bộ, chúng bảo thủ nhưng lại không muốn cho ai tiến bộ. Ai tiến bộ hơn, đi trước chúng là chúng ném bùn vào người đó, chúng bắt họ phải chung một số phận. Các trò đấu đá nhau trong nội bộ công ty, tổ chức, công sở của người lớn đôi khi rất giống trò chơi này. Ngẫm ra người lớn vẫn tiếp tục chơi các trò của trẻ con chỉ là chơi có tính toán, mưu đồ, mục đích hơn, ác hơn và không có điểm dừng. Trẻ con khi chơi chỉ cần thấy có đứa nào khóc, đau, bị thương hay thấy bóng người lớn là dừng. Mà không cần thế, chỉ một lúc chúng chán là thôi và đi tìm chơi trò khác. Hơn nữa, chơi khăm vậy đấy nhưng chỉ một lát sau hoặc ngày mai chúng lại chơi với nhau như thường. Còn người lớn có thể thù nhau, cạch mặt nhau cả đời. Đó là lý do vì sao người lớn không thể có gương mặt của trẻ thơ. Mặt họ ngang dọc nếp nhăn, đầy cau có và đôi mắt thì đỏ hoặc đục nhờ.
Khi nước lụt làm ngập hết lúa, rau màu, người lớn thì lo đói còn bọn trẻ con lại cảm thấy sung sướng. Trời mới vần vũ chúng đã khấn thầm cầu trời mưa to, mưa nhanh, mưa lâu để cầu Chẹm sớm ngập. Nước to thì tắm sướng. Chúng tắm ở khắp nơi dọc con ngòi từ Bến Ngòi, Cầu Chẹm, Cửa Cống cho tới bất cứ đoạn ngòi nào có thể lên xuống. Với tôi, ngoài Cầu Chẹm và Cửa Cống thì tắm ở cánh đồng Non Nuốc khi bị ngập là thích nhất. Đồng phẳng, sạch sẽ tha hồ bơi. Những đêm trăng cả cánh đồng giống như được dát vàng, chỉ một cái khỏa tay cũng tạo ra muôn nghìn con sóng dưới trăng đẹp không từ nào tả xiết. Lúc đó đã thấy đẹp mê hồn giống cảnh tiên, sau này khi con ngòi bị ô nhiễm, nước lụt cũng chẳng còn mới thấy cảnh đó là vô giá.
Ngoài tắm, lũ trẻ làng Sấu chúng tôi còn vác cần câu đi câu cá khắp nơi. Cá từ trên thượng nguồn xuống. Cá vỡ ra từ các ao, hồ nuôi bị ngập. Cá ngược từ sông Thương lên qua cống Chuông. Đủ loại cá: chép, mè, trôi, chày, bống, rô, trê, mương… Lúc đó chúng tôi câu bằng cần câu tự chế từ A đến Z. Cần câu thì làm bằng cành tre, cành hóp, chỉ câu làm bằng chỉ may quần áo hoặc chỉ khâu nón, lưỡi câu uốn bằng dây thép lấy từ ruột phanh xe đạp hoặc các dây thép trong nhà. Cũng có thằng mua các lưỡi câu và dây cước bán sẵn ngoài chợ để câu các loại cá lớn. Mồi câu cũng chủ yếu là giun, nhái hay các con cá nhỏ. Bởi thế chúng tôi thường chỉ câu được các loại cá nhỏ. To nhất cũng chỉ là cá trê, cá chuối là cùng. Hiếm có thằng nào câu được cá mè, cá chép, cá trăm 3-4kg trở lên. Hoàn toàn không có ai biết dùng lưỡi chùm hay là mồi nhử như hiện nay người ta vẫn làm.
Người lớn thì thường không câu mà đánh lưới. Ở quê tôi lúc đó người ta chủ yếu dùng hai loại lưới. Một là lưới vét và hai là lưới bén. Lưới vét là loại lưới rất lớn, có khi dài tới 40-50m. Muốn đánh lưới này ít nhất phải có ba người. Lưới này chỉ thích hợp với chỗ nào nước lặng và đáy bằng phẳng. Những cánh đồng ngập nước hay đầm, hồ lớn là phù hợp nhất. Lưới có chiều rộng hay chiều cao khoảng 2m. Hai đầu lưới được lồng vào hai cái cọc gỗ hoặc sắt. Cái cọc này sẽ là nơi người kéo lưới cầm vào khi kéo. Chạy dọc sống lưới bên trên là hàng phao trắng bằng xốp. Phía dưới là hàng trăm, hàng chục con chì nặng kéo lưới căng ra khi chìm xuống. Khi tìm được chỗ cần kéo, họ sẽ lặng lẽ thả lưới xuống nước. Hai người mỗi người cầm một cái cọc ở bên đầu lưới tỏa ra hai bên tạo thành một vòng cung. Người thứ ba ở bên trong vòng cung đó, sát chỗ búi lưới để gỡ lưới giãn ra suôn sẻ. Vòng cung lưới giãn rộng hết cỡ rồi từ từ khép lại. Thường thì hai người kéo lưới sẽ chọn một điểm nào đó trên bờ để khép kín vòng cung lại. Khi hợp lại, họ trèo lên bờ và túm đường biên bên dưới của lưới khép lại với nhau rồi kéo. Nhiệm vụ của người thứ ba lúc này là cúi khom hướng mặt về phía hai người kéo và dùng tay cố gắng khép kín hai cánh lưới lại cho cá khỏi lọt ra ngoài. Nếu có người thứ tư thì người đó chạy vòng quanh vòng cung để gỡ khi lưới bị mắc vào cây, cỏ bị vặn xoắn hoặc túi lưới gặp vấn đề.
Cứ thế, vòng cung mỗi lúc một hẹp lại. Bọn cá thấy nguy bắt đầu bơi loạn xạ và nhảy cẫng lên. Có con liều nhảy vung ra ngoài lưới thoát thân. Người ngồi dưới nước cứ lùi dần, lùi dần cho đến khi đến sát miệng túi lưới ở chính giữa vòng cung. Túi lưới được kéo lên bờ và đổ ra ruộng hoặc mặt đường. Thôi thì đủ cả. Trong đó có từ ốc, hến, tôm, tép, cá to, cá nhỏ đến cả ấu trùng chuồn chuồn (tôm bà), niềng niễng, xin cơm, cà na, có khi có cả rắn và… đỉa. Lúc đó, nước và đất chưa bị ô nhiễm nên thế giới dưới nước vô cùng sống động và phong phú. Trẻ con khoái xem người ta kéo lưới vét một phần vì muốn xem họ kéo được những gì dưới nước. Gọi là lưới vét có khác. Vét sạch đủ thứ trên đường nó đi. Chính vì thế mà đôi khi người dân làng tôi cấm thậm chí đánh đuổi những người kéo lưới vét đi, nhất là khi họ là người từ nơi khác đến. Lý do chính là vì tuy toàn bộ đồng lúa đã bị ngập dưới nước nhưng lúa là loài thực vật chịu nước khá tốt. Nếu không phải là lúa đang ngậm đòng thì cho dù có ngập 5-7 ngày, khi nước rút chúng vẫn có thể hồi phục. Trong thời gian đó nếu bị lướt vét quét qua, bị chân người dẫm thì hỏng hẳn. Lúa sẽ bị dập nát, gẫy ngang thân hết.
Tôi tuy đi xem kéo lưới vét nhưng cũng không thích những người kéo loại lưới này vì tôi thấy lưới bắt hết cá tôm từ to đến bé thậm chí là cả những buồng trứng tôm lớn bám vào các cành tre dưới nước. Trong đống rác họ bỏ lại có vô số sinh vật bị lôi lên từ dưới nước và tất nhiên chỉ một lát sau chúng chết thảm dưới ánh nắng gay gắt.
Tôi thích những người đánh lưới bén hơn. Lưới bén là loại lưới dệt, đan từ các sợi cước trắng rất mảnh và nhậy. Chính vì thế nếu không biết sử dụng sẽ bị rối ngay. Người ta phải thả và gỡ rất khéo. Hai đầu lưới có hai miếng gỗ có đóng hai cái đinh. Khi thu lưới lại đến đoạn cuối cùng hai miếng gỗ ấy sẽ khớp vào nhau nhờ hai cái đinh xuyên qua hai miếng gỗ đó rất hoàn hảo. Thả loại lưới này phải tránh chỗ nào có cây bụi hay nhiều cành tre gai góc. Nếu lưới chạm vào những thứ này nó sẽ cuốn lấy và rối thành một búi bùng nhùng hầu như không gỡ được. Khi đó chỉ có cách là cắt bỏ đoạn đó đi và nối lại. Lưới này phải mua ngoài chợ mới có. Khá đắt, có lẽ phải mấy trăm nghìn. Thế nên, bọn trẻ con chúng tôi dù thích cũng chỉ biết trơ mắt ếch mà nhìn những người lớn trong làng hoặc người từ làng khác đến đây đánh cá. Loại lưới này chỉ có chiều cao khoảng hơn một mét là cùng. Chúng cũng có các phao trắng nhỏ dày đặc ở phía trên và các con chì nhỏ phía dưới. Tuy nhiên khi thả thì hầu như cả phao lẫn lưới đều chìm xuống nước chứ không nổi như phao lưới vét. Có lẽ phao giúp cho lưới được nâng lên khỏi đáy ở một khoảng cách nhất định khi thả ở vùng nước sâu. Hai cái phao nổi duy nhất trên mặt nước chính là hai miếng gỗ có hai cái đinh ở hai đầu lưới.
Một cái lưới bén như thế có thể rải được một đoạn dài chừng 30-40m. Người ta có thể lội xuống để rải ở đầm, hồ, ruộng có mặt nước nông không quá ngực. Thả lưới kiểu này, thích nhất là nước dưới rốn. Khi đó mọi thao tác từ thả lưới, gỡ cá, thu lưới đều dễ dàng. Nếu nước đến vai người sẽ bị đẩy nổi lên rất khó thao tác. Đối với nơi nước sâu, thì họ dùng thuyền. Đây là loại thuyền nan nhỏ chỉ ngồi được một hoặc hai người. Thuyền được đan bằng nan tre, cạp thuyền cũng làm từ tre và dây mây. Đáy thuyền được trát nhựa đường rất kĩ để nước khỏi rò rỉ vào lòng thuyền. Thường thì trên thuyền họ chỉ đặt một cái sạp bằng gỗ rỗng gầm, hai đầu họ đục hai cái lỗ, một to một nhỏ. Lỗ to để thả cá vào trong còn lỗ nhỏ chắc để cho thông khí và nước có thể di chuyển thông nhau khỏi va đập vào sạp. Trên sạp có khi đặt cái ghế nhỏ để người thả lưới ngồi. Khi họ ghé vào đâu đó bán cá chỉ cần nhấc cái sạp lên người xem sẽ ồ lên kinh ngạc vì bên dưới cơ man là cá đang bơi. Những con cá lớn như cá chép, cá trắm hở cả lưng. Nhìn cực thích.
Nhà tôi nghèo không phải lúc nào cũng có tiền mua cá nhưng tôi rất thích xem các con thuyền đánh lưới ghé bờ rao bán cá. Mẹ tôi có mua cũng chỉ dám mua những con cá nhỏ như cá diếc, cá rô mà thôi. Để thả lưới này, người đánh cá phải biết bơi thuyền bằng một tay. Mái chèo nhỏ được đẽo bằng tre hoặc gỗ. Bình thường họ bơi bằng hai tay, sử dụng hai mái chèo này nhưng khi thả lưới và nhấc lưới họ sẽ phải bơi bằng một tay, còn tay kia thao tác với lưới. Người đó sẽ phải ngậm một miếng gỗ vào mồm quay cái đinh ra phía ngoài để nhấc lưới lên cài vào cái đinh đó cho tới khi gặp miếng gỗ ở đầu kia thì khớp lại với nhau, thả lưới xuống sạp thuyền. Nếu thấy cá dính lưới thì họ thôi không chèo nữa, để mái chèo lên sạp thuyền dùng hai tay gỡ cá. Họ gỡ rất khéo. Làm thế là để cá không bị tróc vảy, không bị thương, sẽ sống được lâu trong sạp thuyền và không bị rách lưới. Ai vụng như tôi khi gỡ cá mắc lưới sẽ cảm thấy rất bực mình chỉ muốn dùng tay xé rách mắt lưới cho nhanh xong việc. Tôi cũng được một vài người trong làng có lưới cho gỡ thử cá vài lần. Những con cá rô, cá trê, bò hau, cá nheo là khó gỡ nhất. Cá rô lắm vây mà vây lại toàn gai nhọn. Gỡ rất khó chịu vì chúng làm rối lưới và không cẩn thận là bị rách tay. Cá nheo, cá trê, cá bò hau thì có ngạnh, tức là những cái xương nhọn lòi ra từ chỗ hai bên mang. Cực sắc. Không cẩn thận chúng giãy mạnh cái là xiên thủng tay mình ngay.
Đôi khi, dù hiếm, cũng gặp cả những con chạch chấu mắc lưới. Bình thường chạch đồng trơn bóng chỉ khó bắt, khó cầm nắm nhưng không nguy hiểm nhưng chạch chấu không chỉ to hơn chạch đồng mà còn có một dãy răng cưa nhọn ở trên sống lưng. Gỡ hay bắt con này không cẩn thận là dính đòn liền. Buốt đến thấu xương.
Nhà tôi không có ai biết đánh lưới. Bố tôi hình như cũng không thích trò này và ông cũng bơi thuyền không giỏi. Bù lại nhà tôi có cái chuôm ở ngay sát đầu cầu Chẹm. Cái chuôm này mỗi năm cũng mang lại cho nhà tôi rất nhiều cá. Khi nước rút xuống người trông coi cống Chuông ở làng tôi sẽ đóng mành vào cửa cống phía trên – tức là họ thả xuống các cọc gỗ rồi thả xuống mành thưa. Nước đi qua mành nhưng cá chạm mành thì bơi trở lại. Nước càng rút thì mành càng được bổ sung nan để dày thêm. Đến một mức nào đó thì người thủ cống đó sẽ mở một lỗ lớn ở mành và đặt vào đó một cái sa. Cá theo nước ngã vào đó. Thấy bố tôi kể thì ngày xưa người làng tôi thực hiện dân chủ làng xã tuyệt đối. Cá bắt từ cống đó đem chia cho dân làng. Sau này thì tôi thấy hình như ông thủ cống bắt và ăn cả. Ăn không hết ông bán ra chợ từng gánh cá. Đấy có thể là lợi tức bù lại việc họ phải phụ trách việc đóng và mở cánh cống khi cần. Nhiều người làng ấm ức vì điều này và cảm thấy ngốt mắt vì họ bán nhiều cá nhưng cũng chỉ bậm bục nói sau lưng.
Khi nước rút tối đa, làng tôi sẽ tổ chức “đánh ngòi”. Cả làng đi đánh cá ở con ngòi. Việc tháo nước cạn để bắt cá đó còn được gọi là “đổ ngòi”. Ai có dụng cụ gì thì dùng cái đó. Người úp nơm, người kéo vó, những người còn lại thì dùng lưới, chài… Phụ nữ thì đẩy te, đẩy riu, bọn trẻ con thì đánh dậm, dùng rổ hớt tôm tép. Suốt một tuần cả làng đông vui như hội. Nước con ngòi bị khuấy vẩn toàn bùn khiến mọi loại cá đều phải nổi đầu hoặc mệt không thể chạy nổi nữa. Người ta đánh cá như thế cả đêm lẫn ngày cho tới khi nước ngòi không thể cạn thêm. Khi đó những nhà có chuôm như nhà tôi sẽ tát chuôm bắt cá. Hồi đó cá cực nhiều. Mỗi lần tát chuôm như thế có nhà thu được cả vài tạ cá. Nhà tôi có khi cũng phải được cả tạ. Tôi nhớ cá được mang về nhốt trong các chậu, chum, nồi đồng, nồi gang, rồi mổ ướp thính gói vào các bó rơm. Tôi thích trò xuống chuôm bắt cá với bố. Bọn cá quẫy làm bùn bắn lung tung lên mặt, gai tre đâm cả vào chân buốt nhói nhưng vẫn thích. Chỗ bị gai đâm đó sau vài ngày là lên mủ nhức vô cùng, phải nặn hết chỗ mủ đó đi mới khỏi.
Khi tôi vào đại học thì “đổ ngòi” chấm dứt. Không còn nước lụt cũng chẳng còn cả cá. Nước con ngòi còn rất ít. Ngay cả khi lụt lớn cũng hiếm khi ngập các cánh đồng xung quanh và Cầu Chẹm. Nước sông Thương, nước trên các cánh đồng bị ô nhiễm vì nhận nước thải từ khắp nơi đổ về làm cho cá, tôm bị cạn kiệt, trứng của chúng có lẽ cũng không thể nở được. Các dụng cụ đánh cá được treo lên gác bếp, biến thành củi đun nấu hoặc mang ra vườn làm dụng cụ nhốt gà. Cảnh “đánh ngòi” hay “đổ ngòi” biến mất hoàn toàn. Ngay cả những từ đó cũng gần như đã thành tử ngữ. Hỏi trẻ con ở làng bây giờ có hiểu mấy từ này không chúng đều ngơ ngác. Những hòn đá ở bến ngòi giờ nằm trơ trọi, cách xa mặt nước.
Nước ngòi cạn, đục lờ, dù vẫn chảy chưa biến thành những bể phốt lộ thiên như nhiều con sông chảy qua các thành phố lớn. Mỗi khi có người hay trâu bò lội xuống nước, từ bùn bốc lên một thứ mùi hôi thối nặng nề khủng khiếp. Nước đó sẽ chảy tiếp ra sông Thương. Bao nhiêu con người hàng ngày vẫn lấy nước từ con ngòi, từ sông để tưới cây trồng, rau củ cho biết bao nhiêu người ăn bao gồm cả họ. Thật khó lòng đo đếm. Và nữa, nước uống cho các thành phố là nước máy và nước máy thường thì cũng lấy từ sông. Đất và nước một khi đã bẩn thật khó mà lường được hệ quả.
Dưới ngòi vẫn có cá nhưng chỉ là cá rô phi và cá dọn bể. Thi thoảng mới có sót lại vài con rô đồng hay cá trê. Toàn những loại chịu được ô nhiễm. Kinh ngạc nhất là có rất nhiều cá dọn bể. Loại cá này rất vô duyên vì nhìn thì xấu xí mà có bắt thì cũng không con gì ăn. Đến cả gà, chó, lợn còn chê. Dưới ngòi vẫn có rất nhiều trai hến như ngày xưa. Tuy nhiên giờ cũng hiếm người làng xuống bắt về ăn vì họ biết nước bẩn. Thi thoảng có người ở đâu đó đến bắt cả mấy bao đầy. Có lẽ họ bắt rồi mang đi bán ở chợ hay khu công nghiệp nào đó. Thói đời khuất mắt trông coi, chỉ nhìn trai và hến đó ai biết được chỗ chúng từng sống là nơi thế nào, sạch sẽ hay ô nhiễm. Và rồi khi xào nấu lên với gia vị thơm phức, một hai chén rượu đưa đẩy, ai quan tâm đến chuyện nguồn gốc của chúng ở đâu?
Mỗi lần về quê, tôi lại đi bộ dọc con ngòi. Đi thế vừa là để tìm lại kỉ niệm xưa vừa mơ ước một ngày con ngòi sẽ lại hồi sinh.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Từ khóa ký ức tuổi thơ Nguyễn Quốc Vương