Lương Đắc Bằng trước khi mất đã dặn vợ gửi gắm con trai cho học trò là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lương Đắc Bằng có tài nhưng không gặp được “Vua sáng”, các kế sách của ông không được thi hành nên không thi thố được tài năng, liệu con trai ông có gặp được thời để phát huy được tài năng của mình hay không?

Lập công cho nhà Lê

Lương Hữu Khánh đến Nam Triều phụng sự cho nhà Lê đang trung hưng, ông bày mưu nào cũng đắc cả nên được trọng dụng. Thấy ông có sức khỏe phi thường, Triều đình cho cầm riêng một đạo quân.

Theo gia phả họ Lương ở Hội Triều thì Lương Hữu Khánh lập nhiều công lao chống nhà Mạc, giúp đẩy lui nhiều cuộc tấn công của quân Mạc vào Nam triều. Năm 1557 diễn ra cuộc giao tranh lớn giữa Nam – Bắc triều, Lương Hữu Khánh lập công to cho nhà Lê.

Năm 1570, Thái Quốc công Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Trịnh Cối lên thay nắm giữ quân đội. Tuy nhiên Trịnh Cối lại nhanh chóng sa vào tửu sắc không chú ý quản lý quân, khiến các tướng trụ cột bất mãn chạy về với em là Trịnh Tùng.

Trịnh Cối đưa quân tiến đánh Trịnh Tùng, diễn ra cuộc nội chiến lớn tại Nam triều. Mạc Kính Điển nhân cơ hội này huy động 10 vạn quân cùng 700 chiến thuyền vào nam quyết diệt nhà Lê. Trịnh Cối bị kẹp giữa hai đầu, phía nam phải đối phó với Trịnh Tùng, phía bắc thì đại quân nhà Mạc đang tiến đến, thấy không thể chống được cả hai bên cùng lúc, liền chọn cách đầu hàng nhà Mạc.

Quân Mạc càng thêm mạnh, tiếp tục tiến xuống nam. Trịnh Tùng tập hợp quân sĩ, lập lời thề rồi chia quân trấn giữ các vùng hiểm yếu. Mạc Kính Điển sau khi thu phục được Trịnh Cối, với một loạt trận thắng, thì đem quân tiến đến An Trường, quyết bắt vua Lê, tình thế quân Nam triều lâm nguy.

Bấy giờ Lương Hữu Khánh vào ban đêm huy động binh sĩ dựng thêm tầng tầng chiến lũy, lại làm thêm hầm chông kín kẽ các lối vào. Ông lại cùng Lê Cập Đệ cho quân làm thành giả nhằm đánh lừa quân Mạc, đến sáng thì làm xong.

Quân Mạc từ xa quan sát trận địa quân nhà Lê, nhưng thật có giả có khiến quân Mạc đánh giá sai thế trận, cố tiến vào nhưng đều bị Lương Hữu Khánh đốc quân chặn lại. Đến đêm ông lại chia quân thành các toán nhỏ bất ngờ tập kích vào trại quân Mạc đánh tiêu hao bớt rồi rút về. Quân Mạc không sao tiến được, đến khi hết lương thì đành rút về.

Năm 1578, quân nhà Mạc lại tiến đánh Thanh Hóa, chiếm các huyện ven sông. Quân Mạc tiến đến cửa Lạch Trào thì Lương Hữu Khánh cùng tướng Trịnh Bách cho quân đổ ra đánh tiêu diệt được thủy quân nhà Mạc.

Trong giai đoạn đầu Nam – Bắc triều, nhà Mạc ở thế mạnh hơn nên liên tục cho quân nam tiến, Lương Hữu Khánh trở thành vị tướng trụ cột nhiều lần cầm quân đánh lui quân Mạc. Triều đình phong cho ông chức Thượng thư bộ Binh, đồng thời được ban tước Đạt Quận công.

Tưởng nhớ

den tho luong dac bang
Đền thờ hai cha con Lương Đắc Bằng – Lương Hữu Khánh. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Là người văn võ song toàn, Lương Hữu Khánh còn có nhiều bài thơ để đời, ngoài bài “Nho tăng đồng chu” làm khi còn nhỏ, ông còn có bài “Quan sử” dài 400 câu, về lịch sử của dân tộc từ Kinh Dương Vương đến Lê Trung Hưng..

Đất Hội Triều (xã Hoằng Phong, huyên Hoằng Hóa) là nơi đặt mộ và đền thờ hai cha con Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Bộ binh Lương Hữu Khánh. Đền thờ hai cha con được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

Tại đền thờ ngoài 2 sắc phong của Triều đình còn có gia phả họ Lương, lưu giữ tư liệu về cuộc đời hai cha con làm rạng rỡ cho dòng họ Lương và người dân huyện Hoằng Hóa.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: