Muốn viết ngắn, nói ngắn mà hay thì phải đọc… dài!
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Mấy hôm nay có nhiều bạn chia sẻ bài viết về sự nguy hiểm của “đọc ngắn”. Bản chất vấn đề đúng là như vậy. Cho dù ta nói hay viết một điều gì đó ngắn gọn thì ta cũng cần phải đọc thật sâu, thật nhiều mới có thể viết ngắn, nói ngắn hay.
Sức mạnh của ngôn ngữ nằm ở sự dồn nén. Một câu “tôi xin lỗi”, “tôi cảm ơn”, “anh yêu em” dồn nén trải nghiệm, hiểu biết, rung cảm… nó khác với sự phát ra âm thanh thuần túy.
Một ví dụ đơn giản, dễ hiểu là khi văng tục hay đùa cợt ai người ta có thể dễ dàng văng tục bằng tiếng Tây hay nói “I love you” rất dễ dàng. Dễ hơn rất nhiều lần nói bằng tiếng mẹ đẻ. Khi nói bằng tiếng mẹ đẻ thì cái bao hàm trong mấy từ đó không chỉ thuần túy là âm thanh phát ra cho nên lời nói có sức nặng ghê gớm đối với cả người nói và người nghe.
Nó có thể làm người ta đạt đến cực điểm của cảm xúc.
Tương tự như vậy, không nên nghĩ công việc mình làm đơn giản, mình dạy học sinh lớp nhỏ cho nên chỉ cần kiến thức như hiện tại, hiểu biết như hiện tại là đủ. Dạy lớp 1 thì cần gì đọc triết học, tâm lý học, lịch sử, văn học… cho phiền phức.
Việc dạy trẻ đọc những bài tiếng Việt ngăn ngắn, đơn giản bằng một tình yêu, rung cảm sâu nặng với tiếng mẹ đẻ và hiểu biết sâu rộng về nó khác xa với việc dạy trẻ thuần túy nhắc lại những câu chữ đó viết trong sách giáo khoa.
Nó giống như một người nói với ta thật lòng một câu đơn giản (ví dụ: Em yêu anh! Em xin lỗi) nó khác với một người nói nó như một sự xã giao hay giả dối!
Đó là lý do muốn giao tiếp tốt hơn người ta phải đọc không ngừng.
Hơn nữa, đúng như nội dung mọi người share, những người tạo ra nội dung ngắn hay, cuốn hút thường là những người đọc rất nhiều, đọc vô số tác phẩm đồ sộ. Họ biết dồn nén hay tỉa lấy một cái gì đó lấp lánh từ trong nội dung đồ sộ đó để làm nên tác phẩm của mình.
Nhiều bạn thích đọc truyện tranh Nhật Bản hay tiểu thuyết giải trí của Nhật và ngại đọc các tác phẩm thuộc thể loại khác, các tác phẩm có dung lượng dài nhưng nếu để ý các bạn sẽ thấy tác giả của các tác phẩm mà bạn đang đọc đó lại là những người đọc “thiên kinh vạn quyển”.
Đó là lý do cá nhân cần rèn luyện để dọc dài, đọc sâu, đọc nhiều thay vì chỉ chạy theo các mẩu tin bé tí.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
- Không đọc sách có giỏi được chuyên môn không?
- Bao nhiêu người Việt có khả năng đọc sách tiếng Anh nguyên tác?
Mời xem video:
Từ khóa văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương