Nguồn gốc của câu chúc phúc “Ngũ tử đăng khoa”
- An Hòa
- •
“Ngũ tử đăng khoa” là một điển cố, được in rất nhiều trên các đồ gốm sứ thời xưa, dùng để chúc phúc cho hôn lễ hay làm quà biếu tặng. Ngụ ý của nó là chúc cho gia đình sớm có quý tử, hơn nữa là quý tử đỗ đạt. Tuy hàm ý đơn giản nhưng điển cố đằng sau thì lại là bài học rất đáng giá cho các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái.
Nguồn gốc của câu “Ngũ tử đăng khoa” xuất phát từ câu chuyện Đậu Vũ Quân triều hậu Tấn, thời Ngũ Đại. Đậu Vũ Quân là người U Châu, bởi vì U Châu còn được gọi là phủ Yên Sơn, cho nên mọi người gọi ông là Đậu Yên Sơn.
Đậu Yên Sơn sinh ra trong gia đình giàu có, là phú hộ nổi tiếng cả vùng. Từ nhỏ ông đã được nuông chiều, từ ăn cơm đến mặc quần áo đều có người phục vụ, vì thế tính cách ngang ngược. Khi trưởng thành dựa vào cơ nghiệp tổ tiên để lại, ông vẫn có tính cách thô bạo, ức hiếp người nghèo. Người nghèo đến vay lương thực, đong ra ông dùng đấu nhỏ, khi thu vào dùng đấu lớn, gạt mọi người, làm những việc ám muội.
Đến năm 30 tuổi, vợ chồng Đậu Yên Sơn vẫn chưa có con nối dõi. Theo quan thời xưa, người con trai không sinh ra được con nối dõi tông đường là tội lớn nhất cho nên đây là một nỗi thống khổ dày vò Đậu Yên Sơn hằng đêm. Cho đến một hôm, Đậu Yên Sơn mơ thấy ông nội đã mất về nói với mình rằng, bởi vì nghiệp báo của ông quá nặng cho nên kiếp này không chỉ không có con nối dõi mà hơn nữa thọ mệnh cũng ngắn ngủi. Ông nội đã khuyên nhủ Đậu Yên Sơn chỉ có sớm tu thiện thì mới có thể thay đổi được vận mệnh.
Đậu Yên Sơn tỉnh dậy, nhớ kỹ lời ông nội khuyên bảo, hạ quyết tâm làm nhiều việc tốt, tích công đức. Từ đó về sau, Đậu Yên Sơn tựa như trở thành một người khác. Ông cải sửa thói quen ác bá của mình đối với mọi người, hàng ngày làm việc thiện và tạo phúc cho quê hương.
Một lần, một người hầu trong nhà Đậu Yên Sơn vì túng thiếu đã lấy trộm hai vạn tiền. Người hầu này vì sợ chủ nhân phát hiện sẽ bị xử phạt nên đã viết một phiếu gán nợ, buộc ở cổ tay đứa con gái. Trên phiếu đó viết: “Tôi bán đứa con gái này, bồi thường số tiền đã lấy trộm”. Sau đó người hầu này trốn biệt tích nơi đất khách. Đậu Yên Sơn biết chuyện đã thiêu hủy giấy gán nợ và nhận đứa bé làm con nuôi để chăm sóc nuôi dưỡng. Sau khi đứa trẻ này trưởng thành, Đậu Yên Sơn lại đích thân lo chuyện hôn sự cho.
Khi Đậu Yên Sơn đến chùa Duyên Khánh bái Phật đã nhặt được một cái bọc bên trong có rất nhiều tiền. Vì để trả lại túi tiền cho người bị mất, Đậu Yên Sơn đã ở lại chùa kiên nhẫn chờ người bị mất tiền đến. Sau khi gặp được người mất tiền, biết được cha của người đàn ông này đã bị thổ phỉ bắt cóc, nếu không gửi tiền chuộc kịp thời thì sẽ bị giết. Đậu Yên Sơn đã trả lại toàn bộ số tiền mình nhặt được cho người đàn ông kia, còn cho thêm chi phí đi lại và bảo anh ta nhanh chóng đi giải cứu cha mình.
Việc thiện mà Đậu Yên Sơn làm là rất nhiều. Sau nhiều năm, Đậu Yên Sơn lại nằm mơ thấy ông nội về. Trong mơ, ông nội đã nói với Đậu Yên Sơn rằng: “Bởi vì con đã làm nhiều việc thiện giúp người, tích được âm đức lớn nên Thượng thiên đã kéo dài thọ mệnh cho con thêm 36 năm, hơn nữa còn ban cho con 5 người con trai. Tương lai, gia đình họ Đậu sẽ càng giàu sang và công danh hiển đạt!”
Về sau, Đậu Yên Sơn quả nhiên có năm người con trai. Năm người con này lần lượt đỗ tiến sĩ vào thời Ngũ Đại và Bắc Tống, sau đó cũng ra làm quan. Đậu Yên Sơn gia giáo rất nghiêm, ông dựng 40 gian thư phòng, số sách đến cả ngàn quyển, mời kẻ sĩ có văn tài đức hạnh khắp nơi đến làm thầy dạy học. Học giả có chí của bốn phương nghe tiếng thì tìm đến.
Dưới sự dạy dỗ của vợ chồng Đậu Yên Sơn, người con cả của ông là Đậu Nghi làm quan tới chức Công bộ thượng thư vào thời Tống Thái Tổ. Người con trai thứ hai là Đậu Nghiễm có tài văn chương xuất sắc, được phong làm sử quan. Người con trai thứ ba là Đậu Khản làm Khởi cư lang. Người con trai thứ tư là Đậu Xưng nhậm chức Tham tri chính sự (phó tể tướng) vào thời Bắc Tống. Người con út là Đậu Hi làm quan vào thời Bắc Tống. Năm người con của Đậu Yên Sơn đều là những vị quan thanh liêm, được người đương thời ca tụng. Sách sử ghi lại: “Nghi học vấn ưu tú uyên bác, tác phong nghiêm nghị chỉnh tề. Các em là Nghiễm, Khản, Xưng, Hi đều lần lượt đăng khoa”.
Đậu Yên Sơn làm nhiều việc thiện tích đức, sửa đổi được vận mệnh. Năm người con ưu tú được ông dạy dỗ bằng những lời nói và việc làm mẫu mực, được xưng là “Ngũ tử đăng khoa”, cũng được gọi là “Ngũ tử thành long”. Thanh danh của gia đình Đậu Yên Sơn được truyền xa, trở thành một giai thoại đương thời. “Ngũ tử đăng khoa” cũng trở thành câu thành ngữ được lưu truyền thiên cổ.
Đương thời vị Thị lang tên là Phùng Đạo đã làm thơ tặng Đậu Yên Sơn:
Yên Sơn Đậu thập lang,
Giáo tử hữu nghĩa phương.
Linh xuân nhất chu lão,
Đan quế ngũ chi phương.
Sách “Tam tự kinh” cũng viết: “Đậu Yến Sơn, hữu nghĩa phương. Giáo ngũ tử, danh câu dương”, ý rằng có người họ Đậu ở Yên Sơn, có phương pháp giáo dục, dạy dỗ năm người con, cả năm đều thành tài.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa hành thiện tích đức Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa làm việc thiện