Vài dấu ấn của các bậc hiền tài khoa bảng theo dòng lịch sử (P3)
- Trần Hưng
- •
Lịch sử khoa bảng Việt Nam từ năm 1075 đến 1919 giúp tìm chọn ra được rất nhiều bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, trở thành những trụ cột gánh vác vào những thời điểm khó khăn nhất, những câu chuyện về họ đều được ghi chép trong lịch sử và dân gian lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Khoa bảng thời Lê Trung Hưng và Trạng nguyên cuối cùng
Năm 1593, nhà Lê Trung Hưng đánh bại nhà Mạc, vua Lê Thế Tông đến Thăng Long. Năm 1595 là khoa thi đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng, từ đó cứ 3 năm tổ chức một khoa thi, lấy ít người đỗ tiến và lấy ít Tam khôi hơn so với các khoa thi thời trước đó.
Khoa thi năm 1736 thời Lê Trung Hưng là khoa thi cuối cùng có Trạng nguyên, các khoa thi sau này không có Trạng nguyên vì không thấy ai xứng đáng. Tiêu chuẩn đạt Trạng nguyên không chỉ là đỗ cao nhất kỳ thi Đình, mà còn phải đạt điểm cao tuyệt đối.
Trịnh Huệ đã đỗ đầu kỳ thi Hương từ năm 1723, đến khoa thi năm 1736 ông lại đỗ đầu cả kỳ thi Hội và thi Đình, đạt danh hiệu Trạng nguyên, đây cũng là Trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng.
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trịnh Huệ được phong Đông các đại học sĩ, rồi lên tới chức Tham tụng Thượng thư bộ Hình (tước Quận Công) tức ngang với chức Tể Tướng trong triều.
Nhiều người cho rằng Trịnh Huệ đỗ Trạng nguyên do mang họ Trịnh của Chúa nên được ưu ái thiên vị. Trong dân gian lưu truyền câu chuyện như một giai thoại, kể rằng nghe được những lời dị nghị này Trịnh Huệ bèn nói: “Tôi đã nhất Tam khôi mà nói là do Vương phủ thiên vị thì còn gọi gì là văn chương nữa! Nay để khỏi nghi ngờ, trong triều ngoài nội ai có câu hỏi gì khó ở bất cứ sách vở nào về kinh sử, tả truyện, ý nho, lý số thì đem đến tôi xin trả lời hết!”.
Lập tức nhiều người không phục đến chất vấn thử tài nhằm đưa ông vào thế bí. Hỏi các vấn đề trong nước ông đều trả lời thông suốt. Cho rằng ông đương nhiên phải biết việc trong nước, nên nhiều người hỏi sách vở Trung Hoa, Trịnh Huệ đều rất tỏ tường khiến không ai tìm ra điểm yếu.
Thế nhưng không ai muốn thua cuộc và thừa nhận tài năng của ông, một người còn hỏi: “Chiếc đũa là vật thiêng không có chân, lúc thì gãy, lúc thì mất. Vậy nó chạy đi đâu, ở trong kinh điển nào?”.
Thế nhưng Trịnh Huệ vẫn mỉm cười, đọc hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông:
Trời còn giành để An Nam mượn
Vạch chước binh Ngô mãi mới vừa.
Rồi ông nói: “Đó chẳng phải là câu thơ của Lê Thánh Tông bản Triều Vịnh núi Chiếc Đũa, nơi khởi phát đế nghiệp mở ra công cuộc bình Ngô của nước ta hay sao? Núi Chiếc Đũa không có chân mà chạy về góc đó”.
Quả là ở Thanh Hóa, nơi cửa biển Thần Phù, nay thuộc địa phận làng Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn có ngọn núi đứng một mình, tên chữ là “Chính Trợ Sơn”, gọi nôm là núi Chiếc Đũa, đã có tên trong sách vở. Thời xưa nhiều vị Vua Chúa đều có vịnh thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đây.
Lúc này mọi người cũng chẳng còn gì để hỏi Trịnh Huệ nữa cả, chỉ có thể tâm phục khẩu phục tài học của ông.
Thời kỳ này nổi bật còn có Lê Quý Đôn. Ông được xem là thần đồng từ nhỏ, năm 12 tuổi đọc hết cách sách “Bách gia chư tử”, thi Hương đỗ đàu tức Giải nguyên. Đến khoa thi năm 1749, ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình, nhưng do lúc này không lấy Trạng nguyên nên ông chỉ đỗ Bảng nhãn. Lê Quý Đôn được xem là nhà bác học đa tài bậc nhất trong lịch sử.
Khoa bảng nhà Nguyễn
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn. Vua cho rằng trị quốc cần có cả văn lẫn võ, nên chú trọng khuyến học và khoa cử trong nước. Vua cho xây dựng Văn Miếu khắp cả nước nhằm hồng dương Nho Giáo và khuyến học để có thêm nhiều bậc hiền tài phụng sự Xã Tắc.
Năm 1808, vua Gia Long cho xây Văn Miếu – Quốc Tử Giam ở Huế, đồng thời cho xây dựng cả ở các vùng đất khác trong cả nước. Nhưng vua Gia Long không gọi là “Văn Miếu” mà gọi là “Văn Thánh Miếu” nhằm tôn thờ các vị Thánh Nhân: Khổng Tử, Chu Công cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử.
Ở miền Nam có 3 Văn Thánh Miếu tiêu biểu là ở Gia Định, Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai), Vĩnh Long.
Trong lịch sử khoa cử nhà Nguyễn không lấy bất kỳ Trạng nguyên nào. Năm 1829 vua Minh Mạng quy định lại kỳ thi Đình, bộ Lễ dâng tấu trình rằng: “…Phàm văn lý được mười phân thì xin cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên); chín phân thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn); tám phân thì đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa); bảy phân, sáu phân thì lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); năm phân trở xuống thì đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ)”.
Vua Minh Mạng chuẩn tấu, nhưng từ đó không có ai đỗ Trạng nguyên nữa, không phải vì nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên mà do sĩ tử đỗ đầu không đạt được “văn lý mười phân” nên không được Trạng nguyên.
Đến đời vua Thiệu Trị vẫn không có ai đỗ Trạng nguyên dù các khoa thi vẫn tổ chức đều đặn. Có người thắc mắc, vua Thiệu Trị đã nói rằng:
“Văn lý mà làm vẹn cả mười phân, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta (tức vua Minh Mạng) mở giáp khoa, ý để cầu người có học, nhưng về nhất giáp (trạng nguyên) vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ, chứ không phải câu nệ về mực thước đâu”. (Theo “Đại Nam thực lục chính biên”).
Thời vua Tự Đức nhiều người đỗ đạt đã có những bản tấu đề xuất cải cách, học tập kỹ thuật phương tây, nhưng nhà Vua cùng một số quan lại không nghe theo khiến nhà Nguyễn không thể bảo vệ đất nước trước vũ khí hiện đại của quân Pháp.
Khi nhà Nguyễn ký hòa ước với Pháp, những người đầu tiên lãnh đạo dân chúng chống Pháp đều là những sĩ phu yêu nước, từng đỗ đạt qua các kỳ thi khoa bảng.
Lịch sử khoa bảng kết thúc vào khoa thi cuối cùng năm 1919 dưới thời vua Khải Định.
*
Lịch sử khoa bảng từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919 có 184 khoa thi với 2.798 người đỗ đại khoa được bổ nhiệm làm quan lại trong Triều đình, trong đó có 56 Trạng nguyên, riêng nhà Nguyễn có 43 người đỗ thủ khoa kỳ thi Đình.
Thời kỳ nào cũng có nhân tài xuất hiện, hầu hết trong đó xuất thân từ các kỳ thi khoa bảng. Đúng như những gì Nguyễn Trãi đã nói:
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Lịch sử khoa bảng ghi dấu những tinh anh của dân tộc, những áng văn bất hủ trong các bài thi Văn sách trở thành nền tảng giúp Vua trị quốc, là kinh điển để cho các văn sĩ sau này noi theo.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện Lê Quý Đôn bỏ tính kiêu ngạo, trở thành nhà bác học lớn
- Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của tử vi
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng