Vài tìm hiểu về lễ nghi ẩm thực và yến tiệc thời cổ đại
- An Hòa
- •
Lễ nghi ẩm thực và yến tiệc là một bộ phận không thể thiếu của văn hóa, có đặc điểm quán thông xuyên suốt từ trên xuống dưới. Những lễ nghi xuất hiện trong ẩm thực này không chỉ có ở hoạt động của triều đinh hay hoàng gia mà còn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Từ các tài liệu lịch sử có thể thấy thời đại nhà Chu đã hình thành một chế độ tương đối công phu về lễ nghi ẩm thực. Càng về sau, những lễ nghi này càng được hoàn thiện hơn, đóng một vai trò quan trọng trong xã hội cổ đại, và vẫn còn ảnh hưởng đến xã hội hiện đại, trở thành một phần của quy tắc ứng xử.
Lễ nghi ẩm thực chứa đựng các quy phạm xã hội mà mọi người phải tuân thủ theo trong các hoạt động ăn uống. Những quy phạm này bao gồm rất nhiều phương diện trong các bữa ăn hàng ngày hay trong cả các bữa tiệc lớn nhỏ.
Ở các triều đại khác nhau cũng có những lễ nghi khác nhau. Căn cứ vào sự khác biệt giữa các giai tầng cũng sẽ có lễ nghi ẩm thực hoàng gia cung đình, lễ nghi ẩm thực của quan phủ, lễ nghi ẩm thực của tướng sĩ quân doanh, lễ nghi ẩm thực của sĩ tử học viện, lễ nghi ẩm thực của thương nhân, ngoài ra cũng có cả lễ nghi ẩm thực của người thành thị và người nông thôn.
Căn cứ vào phạm vi sử dụng sẽ phân chia thành lễ nghi tế Thần tự tổ, lễ nghi ẩm thực trong tôn sư, lễ nghi ẩm thực trong phụng dưỡng người già, lễ nghi ẩm thực trong các lễ sinh nhật, chúc thọ hay kết hôn và tang sự. Ngay cả lễ mừng năm mới, lễ tiễn biệt, lễ hội vui chơi dân gian cũng có những lễ nghi ẩm thực riêng. Nói chung, hình thức và nội dung của lễ nghi ẩm thực là muôn hình muôn vẻ. Từ Hoàng đế, tướng lĩnh cho đến thường dân đều có quan hệ mật thiết với những lễ nghi này và đều dựa vào nó để tiến hành các hoạt giao thiệp xã hội.
Theo “Lễ Ký. Lễ vận” thì “Phu lễ chi sơ, thủy chư ẩm thực”, lễ nghi khởi nguồn từ ẩm thực. Lễ nghi ẩm thực xuất hiện sớm nhất có quan hệ trực tiếp đến lễ nghi tế Thần thời viễn cổ. Điều này được miêu tả một cách khái quát trong “Lễ Ký”: Thời cổ đại, người ta cúng tế bằng cách dùng gạo và nướng thịt lợn đặt trên đá đang cháy, đào hố dưới đất làm bầu rượu, dùng vồ dài được tết bằng cỏ tranh để đánh trống đất, làm như thế để tỏ lòng kính sợ và cúng tế Quỷ Thần.
Về sau, lễ nghi từ việc cúng tế ẩm thực được mở rộng sang sự giao tế giữa người với người để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp. Từ đó hình thành nên “Tiên Tần ngũ lễ” là Cát lễ, Hung lễ, Quân lễ, Tân lễ, Giai lễ, đặt nền tảng cho lễ chế thời cổ đại.
Sau khi lễ nghi ra đời, để làm cho nó phát huy tốt hơn vai trò “quản lý quốc gia, ổn định xã tắc, giữ gìn trật tự trong nhân dân, làm lợi cho việc nối dõi về sau”, Chu Công đưa ra chủ trương “Minh đức”, “Kính đức”. Đồng thời thông qua việc “chế lễ tác nhạc” đã đưa ra một số quy định cụ thể về hoàng gia và chư hầu. Sau đó, Khổng Tử tiếp tục tiêu chuẩn hóa lễ nghi, bổ sung nội hàm nhân, nghĩa, lễ, đem nó mở rộng ra thành quan hệ luân lý giữa người và người. Dùng lễ để phân định, giúp tiêu trừ tai họa.
Nho gia về sau đã gia tăng lý luận, làm cho lễ phong phú hơn và hình thành nên ba trước tác kinh điển là “Chu lễ”, “Nghi lễ” và “Lễ ký”. “Nhân vô lễ bất sinh, sự vô lễ bất thành, quốc vô lễ tắc bất trữ”, người không có lễ không thể sinh sống, sự việc không có lễ thì không thành, đất nước không có lễ thì không yên. Lễ nghi đã trở thành quy phạm đạo đức của xã hội cổ đại và là một trong những truyền thống văn hóa nổi bật.
Lễ nghi yến tiệc
Yến tiệc có chủ có khách là một loại hoạt động xã hội tương đối phổ biến. Để làm cho loại hoạt động xã hội này diễn ra một cách suôn sẻ, có trật tự và đạt được mục đích đã định thì cần phải có quy phạm lễ nghi nhất định để chỉ đạo và ước thúc. Mỗi quốc gia đều có những quy tắc về lễ nghi ẩm thực được chuẩn hóa riêng trong thực tiễn lâu đời, được coi là chuẩn tắc hành vi của mọi thành viên trong xã hội.
Lễ nghi yến tiệc thời cổ đại được phân chia theo giai tầng như cung đình, quan phủ, phường hội, dân gian. Trình tự thông thường là chủ nhân gửi thiệp mời, sau đó đến ngày thì đứng ở cửa đón tiếp, khách đến thì chào hỏi mọi người và vào phòng khách ngồi chờ, dùng trà và bánh. Sau khi khách đến đông đủ, chủ nhà sẽ hướng dẫn khách vào chỗ ngồi tiệc, bên trái là trưởng, là người đứng đầu buổi tiệc. Sau khi khách ngồi vào chỗ, chủ nhân sẽ dâng rượu và đồ ăn, khách dùng lễ cảm tạ. Sau khi xong tiệc, khách trở lại phòng khách thưởng trà cho đến lúc từ biệt. Trong bữa tiệc, việc rót rượu và mang đồ ăn lên cũng có những quy trình nhất định.
Người làm khách đến dự tiệc phải chú ý dung mạo dáng vẻ, căn cứ vào mối quan hệ thân hay sơ mà mang theo chút quà tặng hoặc rượu ngon. Đến dự tiệc phải đúng ngày giờ, sau khi đến thì phải căn cứ xem chủ nhà đã biết mình hay chưa mà giới thiệu bản thân, theo sự hướng dẫn của chủ nhà mà ngồi đúng chỗ của mình.
Việc sắp xếp thứ tự chỗ ngồi là một phần quan trọng. Từ xưa đến nay, do sự phát triển của bàn ăn nên cách sắp xếp chỗ ngồi cũng có những thay đổi. Nhưng về tổng quát, thứ tự ghế ngồi được sắp xếp theo quy tắc “Thượng tả tôn đông”, bên trái hoặc phía đông là chỗ của người có địa vị tôn quý , “Diện triêu đại môn vi tôn“, chỗ ngồi hướng với cửa chính là của người có địa vị tôn quý. Trong bữa tiệc gia đình thì chỗ ngồi dành cho người có địa vị lớn nhất trong gia đình gọi là “thủ tịch”, chỗ ngồi cho người có địa vị thấp nhất gọi là “mạt tịch”. Trong bữa tiệc có khách thì người khách có địa vị tôn quý nhất sẽ là thủ tịch, người chủ nhà là mạt tịch.
Khi thủ tịch chưa ngồi vào chỗ thì không ai được ngồi vào chỗ, khi thủ tịch chưa động đũa thì cũng không ai được phép động đũa, khi rót rượu thì phải bắt đầu từ thủ tịch. Điều đáng chú ý là nếu trong bữa tiệc có ai đó đến thì bất kể tôn ti địa vị của họ ra sao, tất cả những người trong bàn đều phải ra ngoài để chào đón họ.
Nếu là bàn tròn thì người ngồi chỗ đối diện với cửa chính là người khách chính. Vị trí bên trái của người khách chính theo thứ tự là 2,4,6, còn vị trí bên phải của người khách chính theo thứ tự là 3,5,7… cho đến khi hợp vào thành vòng. Vị trí càng gần với khách chính là địa vị càng tôn quý hơn. Nếu là tiệc lớn, thì bàn do thủ tịch ngồi phải được xếp ở trước và ở trung tâm, bàn bên trái theo thứ tự là 2,4,6, bàn bên phải là 3,5,7. Căn cứ vào thân phận, địa vị, thân sơ với khách chính mà phân chia chỗ ngồi.
Ngoài ra, việc bài trí thức ăn cũng có quy tắc. Thức ăn mang ra theo thứ tự trước nguội sau nóng, thức ăn nóng phải đặt ở phía trái mâm tiệc đối diện với khách, tiếp theo là thức ăn thịnh soạn nhất. Các món ăn nguyên con như gà, vịt, cá… thì không được đặt đuôi hướng về phía vị trí khách chính. Khi vào bữa thì chủ nhà sẽ nâng chén mời rượu, nâng đũa mời ăn. Sau khi ăn xong thì uống trà, khách cảm ơn chủ nhà rồi ra về.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video “Lời nói của cha mẹ với con có thể là nắng ấm mùa hạ, có thể là gió lạnh mùa đông”:
Từ khóa ẩm thực truyền thống Lễ nghi