Vài tìm hiểu về “Thánh học tâm pháp” của Minh Thành Tổ
- An Hòa
- •
Minh Thành Tổ là một vị Hoàng đế Trung Hoa được đánh giá là mưu lược kiệt xuất, tạo nên Vĩnh Lạc thịnh thế của nhà Minh. Chính trong thời kỳ Minh Thành Tổ trị vì, nhà Minh đã đem quân xâm lược Đại Ngu, làm rất nhiều điều độc ác như đốt sách, phá văn bia, đàn áp và sưu thuế. Minh Thành Tổ còn được đánh giá là một vị vua tàn bạo, tạo nên một số vụ án oan làm thiệt hại hàng nghìn mạng người. Tuy nhiên đối với bản thân nhà Minh thì công nghiệp của Minh Thành Tổ không thể nói là không rực rỡ. Có thể nói, Minh Thành Tổ là một vị vua lắm công, nhiều tội. Dưới đây là một vài tìm hiểu về cuốn “Thánh học tâm pháp” thể hiện đạo trị quốc của ông.
Một ngày năm 1409, khi đang thảo luận cùng hàn lâm học sĩ Hồ Quảng và các đại thần, Minh Thành Tổ đã lấy ra bốn cuốn sách do chính bản thân ông sáng tác. Hoàng đế nói rằng:
Vào thời cổ đại, việc cai trị thiên hạ đều có đạo. Mặc dù các triều đại Hán, Đường, Tống đều có những lời giáo huấn của các bậc Thánh hiền nhưng học thuyết của họ nhiều đến mức các hoàng tử không thể nắm bắt được nội dung chính một cách ngay lập tức. Trong khi hoàng thái tử là gốc rễ của thiên hạ, cũng đã đến lúc cần phải học rộng. Trẫm hy vọng thái tử có thể nắm được đạo trị vì đất nước, như vậy mới có thể đảm bảo đất nước được thái bình lâu dài về sau. Sau thời Tần Hán, mọi người thường dùng tư tưởng pháp gia của Hàn Phi Tử để giáo dục thái tử, nhưng đó không phải là chính đạo. Trong thời gian rảnh rỗi nhàn hạ, trẫm đã sưu tập những lời răn dạy của bậc thánh hiền về việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nay đã soạn thành sách, các khanh xem có chỗ nào chưa tốt thì chỉ ra.
Hồ Quảng và các đại thần sau khi xem xong, nói: “Những điều cốt yếu về đạo đức của Đế vương đều được Hoàng đế ghi lại trong cuốn sách này, thích hợp để truyền lại cho muôn đời sau. Xin hãy in ra làm quà tặng”.
Sau khi được các đại thần tán thành, Minh Thành Tổ đã đặt tên cho bộ sách là “Thánh học tâm pháp” rồi mệnh lệnh cho Ty lễ giám xuất bản. Trong lời tựa của cuốn sách, Hoàng đế cũng nói rằng nội dung của cuốn sách này là ảnh hưởng bởi cuốn “Đế phạm” của Hoàng đế Đường Thái Tông.
Thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông sùng Đạo gia, trợ Phật gia, tôn Nho gia, giỏi dùng nhân tài, tạo nên một triều đại nhà Đường thịnh vượng. Đường Thái Tông còn viết “Đế phạm” để giáo giới thái tử Lý Trị, để Hoàng đế các đời sau dùng đó làm khuôn mẫu cai trị. Hơn 600 năm sau, Minh Thành Tổ cũng tôn sùng Nho, Đạo, Phật, thành tựu nên niên hiệu Vĩnh Lạc thịnh thế.
Cuốn “Thánh học tâm pháp” ngoài phần lời tựa thì gồm có bốn phần là Quân đạo, Thần đạo, Phụ đạo, Tử đạo (đạo vua, tôi, cha, con). Trong đó, “Quân đạo” lại được chia làm 26 mục nhỏ, còn “Thần đạo” được chia làm 5 mục nhỏ.
Trong phần lời tựa, Minh Thành Tổ trình bày ba phương diện: Thứ nhất, quân vương phải là người chuyên cần học tập. Thứ hai, quân vương phải là người tĩnh tâm và ít dục vọng. Thứ ba, quân vương phải dựa vào nguyên lý căn bản của Nho gia để trị quốc.
“Quân đạo” bao gồm một hệ thống các quan niệm truyền thống Nho học mà bậc quân vương nhất định phải có như: học vấn, kính thiên, pháp thiên, tế thần, pháp tổ, thận trọng với những điều yêu thích và ghét bỏ, cần cù, đức hóa, nhân trị, dưỡng tài, dùng người, tiếp nhận lời can gián, phân biệt chính tà, tu sửa lễ nhạc, chính danh phận, lễ thần hạ, minh thưởng phạt, thận trọng với hình phạt, quản lý tài vụ, tiết kiệm, chinh phạt.
Minh Thành Tổ cho rằng bản thân ông làm Hoàng đế là Thiên mệnh. Cho nên ông nói rằng nhất cử nhất động của quân vương đều chính là đại biểu cho Trời. Nhưng đồng thời ông cũng cho rằng, Thiên mệnh không phải là cố định mãi, chỉ có dựa vào Thiên đạo mà làm việc thì mới được Thượng Thiên che chở bảo hộ. Nếu quân vương làm việc không phù hợp với Thiên đạo thì lòng người sẽ không tuân theo thậm chí là phản kháng lại, lúc ấy Thiên mệnh sẽ rời xa. Khi Thiên mệnh đã dứt thì quân vương sẽ không còn ngôi vị ấy nữa.
Trong “Thánh học tâm pháp”, Minh Thành Tổ còn chỉ ra rằng phẩm đức của Hoàng đế có thể quyết định vận mệnh của đất nước. Con người là không thể lừa gạt được Trời, vô luận là con người làm việc gì, Thượng Thiên đều biết hết, cũng sẽ có phản ứng tương ứng. Làm bậc đế vương nếu như hiểu biết được điểm này thì sẽ ước thúc được bản thân mình, sẽ biết thuận theo Thiên ý mà làm việc.
Hoàng đế cũng chỉ ra rằng bậc Đế vương phải nghĩ được những điều dân nghĩ. Dân chúng yêu thích điều gì thì bản thân quân vương cũng cần yêu thích điều ấy. Nếu như cố tình thích những điều mà dân chúng không thích thì đó chính là làm trái Thiên lý.
Ngoài ra trong “Thánh học tâm pháp”, Mình Thành Tổ cũng trình bày về nội dung việc dùng người. Ông lựa chọn dùng người có đức hạnh tài năng, coi trọng lễ nghĩa.
Minh Thành Tổ sắc dụ đem cuốn “Thánh học tâm pháp” này ban cho hoàng thái tử, đồng thời căn dặn hoàng thái tử phải khắc ghi những lời giáo huấn về trị quốc của cổ thánh tiên hiền được ghi lại trong đó. Các đời Hoàng đế sau là Minh Nhân Tông, Minh Tuyên Tông đều không cô phụ kỳ vọng của Minh Thành Tổ, khiến triều Minh tiếp tục được duy trì, xuất hiện vương triều thịnh thế “Nhân Tuyên chi trị”.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- “Hoàng Minh Tổ huấn” nhà Minh và lời căn dặn không nên đánh Đại Việt
- 27 năm Hồng Đức thịnh trị nhất trong sử Việt
Mời xem video:
Từ khóa Minh Thành Tổ đạo trị quốc