Sinh ra trong dòng dõi danh giá họ Đặng, Đặng Minh Khiêm được đánh giá là người có tiết tháo trung với vua Lê trong hoàn cảnh bị quyền thần Mạc Đăng Dung o ép. Văn chương của ông cũng được các danh sĩ đánh giá là “thiên danh bút”.

Dòng dõi thi thư

Thời mạt Trần, họ Đặng có hai anh tài là cha con Đặng Tất và Đặng Dung, đều là danh tướng, có công lao to lớn trong cuộc chiến chống quân Minh. Hậu duệ có Đặng Chiêm (còn có tên là Đặng Di) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1453 thời vua Lê Nhân Tông. Đặng Chiêm làm quan hết lòng vì dân chúng nên được giới sĩ phu rất trọng vọng. Ông từng dâng sớ đề xuất 5 việc lợi dân, trong đó có việc Chiêu tập những người lưu lạc để đưa vào khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính (Quảng Bình).

dang tat
Đền thờ cha con Đặng Tất và Đặng Dung. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Đặng Chiêm có người con trai là Đặng Minh Khiêm, từ nhỏ đã ham mê chữ Thánh Hiền, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1487 dười thời vua Lê Thánh Tông.

Thi đỗ, Đặng Minh Khiêm được bổ nhiệm làm quan, sau làm Thị thư Viện hàn lâm, năm 1501 thì nhận mệnh đi sứ nhà Minh. Đến năm 1509, ông lại đi sứ lần hai, khi về nước được thăng làm Tả thị lang bộ Lại, rồi Thượng thư bộ Lễ kiêm Phó Tổng tài sử quán.

Bị quyền thần o ép vẫn trung với nhà Lê

Nhà Lê từ khi vua Lê Uy Mục lên ngôi thì dần dần mục nát, Lê Uy Mục bị xem là Vua Quỷ. Trong cảnh đó Đặng Minh Khiêm không cống hiến được nhiều tài năng làm quan của mình cho dân chúng.

Đến thời vua Lê Chiêu Tông, ông được giao chỉnh sửa bộ “Đại Việt lịch đại sử ký”.

Ở trong Triều, Mạc Đăng Dung nắm quyền lấn át vua Lê, nhiều kẻ hùa theo, nhưng Đặng Minh Khiêm vẫn giữ được khí tiết của mình, trung với nhà Lê. Ông lấy hiệu cho mình là “Thoát Hiên”, nghĩa là thẳng thắn, không phụ họa theo kẻ khác.

“Lịch triều hiến chương loại chí” ghi chép lại rằng:

“Bấy giờ trong nước lúc đó có nhiều biến cố, ông vẫn nghiêm sắc mặt đứng giữ triều đình, có khí tiết cứng cỏi, không lay chuyển được. Ông lấy hiệu là Thoát Hiên tiên sinh, giữ mình thẳng thắng, không ỷ lại phụ họa với ai. Sau ông biết thời sự không thể làm được, nên mượn sử sách ngâm vinh để tiêu khiển. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, đời vẫn truyền tụng. Ông là người có văn học tiết tháo, là bậc danh nho đầu đời Lê. Sử khen ông là bậc khoa danh. Người ta cho là Đặng Tất, Đặng Dung có con cháu khá.”

“Thiên danh bút” của trời nam

Đặng Minh Khiêm có tác phẩm nổi tiếng “Việt Giám vịnh sử tập” (tập thơ vịnh sử những tấm gương trong sử Việt) còn có tên gọi khác là “Thoát Hiên vịnh sử thi tập” gồm 3 tập, 125 bài thơ chữ Hán làm theo thể thất ngôn tuyệt cú. Tập thơ này vịnh 125 danh nhân lịch sử từ thời Kinh Dương Vương đến thời hậu Trần. Cuốn sách này được các nhiều nhà nghiên cứu tham khảo khi tìm hiểu và đánh giá các nhân vật trong lịch sử.

Những tác phẩm của ông là áng thơ kiệt xuất, được các danh sĩ đánh giá là “thiên danh bút” truyền tụng lại về sau.

Khi Giới thiệu Đặng Minh Khiêm trong “Lê triều khiếu vịnh thi tập”, danh sĩ Hà Nhậm Đại có nhận xét về ông là:

Tiết nghĩa do lai báo tự thiên,
Nhất môn dịch diệp thế tương truyền.
Thị phi công luận chân lương sử,
Đáo xứ nhân giai thuyết Thoát Hiên.

Dịch nghĩa:

Dòng dõi tiết nghĩa được trời đền đáp,
Một nhà kế tiếp vinh hiển, truyền đời nọ sang đời kia.
Công luận về lẽ phải trái, thật là pho sử tốt,
Đến đâu cũng thấy người ta nói về thơ Thoát Hiên

Trần Hưng

Xem thêm: