Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante – Kỳ IV: Hỏa ngục – Ẩn đố tiên tri, Đại Thẩm Phán và Cứu Thế Chủ
- Quang Minh
- •
Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
Tiếp nối kỳ III, Dante thức dậy tại tầng thứ ba của Hỏa ngục – Tầng phàm ăn: Một thứ mưa bẩn thỉu từ trên trời rơi xuống tràn ngập mặt đất, nơi những linh hồn trần truồng đang quằn quại trong bùn loãng.
Tôi đang ở tầng ba Địa ngục,
Mưa liên hồi, lạnh buốt thấu xương,
Và cứ thế, không hề thay đổi.
Mưa đá, mưa đen và mưa tuyết,
Trút xuống từ không trung tối mịt,
Còn mặt đất nồng nặc mùi xú uế.
Tại đây, Dante nhìn thấy Cerberus, con quái vật ba đầu canh giữ địa ngục trong truyền thuyết, con chó của Thần Hades đã từng bị khuất phục trước sức mạnh phi thường của người anh hùng Heracles nổi tiếng Thần thoại Hy Lạp.
Dante thấy Cerberus đứng đó, hành hạ những linh hồn của tầng Phàm ăn một cách đầy hung dữ.
Con quái vật Sécbêrô độc ác,
Cả ba mõm cùng sủa lên như chó,
Hướng về đám người ngập chìm trong nước.
Mắt đỏ ngầu, râu ria đen bóng,
Bụng to kềnh, tay đầy vuốt nhọn,
Cào cấu, lột da, xé xác các âm hồn!
Nhìn thấy Dante và Virgil, con quái vật Cerberus hú lên, chuẩn bị lao tới.
Như đã biết trước được cách chế ngự con chó ba đầu hung dữ, Virgil bốc đầy một nắm đất và ném thẳng vào những cái mõm thèm khát của con vật, đánh lừa Cerberus.
Khi Sécbêrô nhìn thấy chúng tôi,
Ba mõm há hốc và khoe răng nhọn,
Không âm hồn nào là không run sợ!
Thầy dẫn đường xoè rộng bàn tay,
Bốc đầy một nắm đất,
Ném thẳng vào những mõm đang thèm khát.
Như con chó tham ăn đang sủa,
Bỗng câm ngay vì mồi đã dính răng,
Nó hăm hở một mình ngấu nghiến
Virgil thuần phục Cerberus trong khi Dante đang nhìn ngắm các linh hồn đang đau khổ…
Xem thêm: Chuyên đề Tìm hiểu vũ trụ quan trong “Thần Khúc” của Dante
Cần chú ý rằng, tội lỗi mà Dante đề cập tới từ tầng thứ hai là Nhục dục đã chuyển tới tầng thứ ba là Phàm ăn. Trong tín ngưỡng Cơ đốc, hai tội lỗi này có liên quan mật thiết với nhau, bởi vì Eve và Adam đã không nghe lời Thượng đế mà ăn trái cấm, từ đó mới có những sai lầm về dục vọng.
Phàm ăn mà Dante ám chỉ tại đây không phải là Phàm ăn theo nghĩa thông thường, mà là một sự dung túng dục vọng để gây ra những tội lỗi khác. Điều đó giống như một thói nghiện ngập chứ không đơn thuần là sở thích của ngon vật lạ. Những linh hồn tại tầng này vì vậy mà phải lăn lộn trong bùn loãng, một hình tượng ám chỉ sự dơ bẩn trong suy nghĩ của họ khi còn sống tại thế gian. “Sự dính dấp và ngập ngụa” của bùn cũng giống như cái tâm nuông chiều dục vọng, nuông chiều tới mức nghiện ngập.
Mưa khiến chúng gào lên như chó,
Lấy sườn này làm mộc che sườn kia,
Khiến chúng nó cứ phải liên tục xoay mình.
Dante cùng Virgil tiếp tục hành trình của mình, đi giữa những linh hồn dường như không có thực thể. Và rồi đột nhiên, một kẻ chợt bật dậy, có vẻ như linh hồn đó nhận ra Dante.
Ông ta tự xưng là Ciacco, và nói rằng mình đến từ Florence, thành phố “chất đầy dục vọng”, quê hương của Dante. Cả hai nói chuyện và Ciacco bộc bạch về tội lỗi mà mình đã gây ra:
Hồn đáp: – “Đô thành của ngươi chất đầy dục vọng,
Như cái túi căng đầy sắp bật tung,
Kìm giữ ta trong đó, giữa cuộc đời thanh thản.
Đồng bào ngươi vẫn gọi ta là Siáccô,
Tội trạng ta chỉ vì lỗ miệng,
Ngươi thấy đấy, trận mưa kia làm ta kiệt quệ.
Và ta, không phải là tội nhân duy nhất,
Tất cả bọn ở đây, tội giống nhau và hình phạt giống nhau”
Dante cảm thương cho nỗi cực khổ của Ciacco, nhưng một điều cũng ám ảnh nhà thơ không kém, đó là số phận của đô thành Florence, tại sao những con người trong đó lại luôn mâu thuẫn, và làm thế nào để hóa giải được thực trạng “chia năm xẻ bảy” của quê hương. Dante hỏi Ciacco, và thật bất ngờ, Ciacco đã đưa ra một lời tiên tri về Florence:
Sau cuộc đấu kéo dài
Sẽ dẫn đến đổ máu, và phe nhà quê
Sẽ đuổi phe kia trong cuộc phản công khủng khiếp.
Nhưng rồi phe nhà quê suy đốn,
Sau ba vòng mặt trời, phe kia lại thắng,
Nhờ quyền lực một người mà đến nay vẫn giấu tên.
Một thời gian dài phe thắng ngẩng đầu lên,
Dìm phe kia dưới xiềng xích nặng nề,
Với bao khổ đau và nhục nhã.
Chính trực thì chỉ có hai người nhưng chẳng ai theo,
Kiêu căng, tham vọng và keo kiệt.
Là ba ngọn lửa thiêu cháy mọi con tim!
Đó là lời tiên tri mà Ciacco đưa ra danh cho Dante. Và lời tiên tri đó dường như ứng nghiệm với tình hình chính trị tại đô thành Florence những năm đầu thế kỷ 14. Khi đó, phe ủng hộ Hoàng đế La Mã Thần thánh (kẻ cai trị Đế quốc La Mã) và phe ủng hộ Giáo hoàng đang có những xung đột gay gắt về mặt chính trị. Sau khi các cuộc giao tranh nhỏ xảy ra, người lãnh đạo của cả hai phe bị trục xuất khỏi Florence năm 1300. Tuy nhiên, vì lúc đó phe ủng hộ Hoàng đế, trong đó có Dante, có tầm ảnh hưởng mạnh hơn nên những người thuộc phe này đã trở lại Florence vào năm 1301 trong khi phe ủng hộ Giáo hoàng vẫn đang bị xua đuổi. Tuy nhiên, khi hoàng tử Charles thuộc phe Giáo hoàng Boniface VIII tới Florence, phe ủng hộ hoàng đế, bao gồm cả Dante đã bị trục xuất vào năm 1302. Sự kiện đó ứng nghiệm với lời tiên tri của Ciacco là “Sau ba vòng mặt trời, phe kia lại thắng”.
Tạm thời đặt sang một bên những mâu thuẫn đúng sai trong sự kiện lịch sử xảy ra tại Florence, điều khiến người ta băn khoăn nhất là tại sao Dante lại cho một linh hồn đau khổ trong địa ngục đưa ra một lời tiên tri như vậy? Liệu điều này có phải là quá đề cao một kẻ đã khuất, đi ngược lại với tín ngưỡng thành kính vào Chúa trời của ông?
Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng: Ngụ ngôn đạo đức trong bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”
Thật ra việc các linh hồn có khả năng nói trước tương lai trong văn hóa phương Tây cũng không phải là điều hiếm gặp. Trong Thần thoại Hy lạp, những linh hồn đã khuất sống dưới vương quốc của thần Hades đều có khả năng nhìn rõ quá khứ và nói trước tương lai. Họ thường xuyên nói cho những vị anh hùng Hy Lạp biết một số điều cần thiết để các anh hùng có thể vượt qua được thử thách của mình. Dường như thế giới của các linh hồn nằm trong một thời không (thời gian – không gian) khác với của con người, nên họ có thể nhìn rõ những sự việc ở một thời không khác.
Sự bất đồng đẳng thời không cũng được nhắc tới trong rất nhiều truyền thuyết trên khắp thế giới, như truyện Taro xuống thủy cung của Nhật Bản, truyện nàng công chúa lỡ mất đám cưới hàng trăm năm vì một khoảnh khắc trên thiên đàng của Andersen, truyện Tây phương Cực lạc thế giới du ký trong Phật giáo. Tất cả đều nói về sự bất đồng đẳng về thời gian. Vậy nên người phương Đông xưa mới có câu “một ngày phương trời, ngàn năm mặt đất”. Điều đó cũng chính là một trong những yếu tố giải thích cho khả năng tiên tri trong văn hóa nhân loại: do sự khác biệt về quy luật không gian – thời gian, ở một thời không khác nhìn về thời không này thì có thể nhìn thấy được những gì xảy ra tiếp theo một cách khá chuẩn xác.
Chính vì thế, việc một linh hồn đau khổ là Ciacco đưa ra lời tiên tri cho Dante thật ra không hề mâu thuẫn.
Xem thêm: Chuyên đề Tìm hiểu văn hóa phương Tây qua nghệ thuật Phục Hưng
Sau khi đưa ra lời tiên tri, Ciacco cũng cho Dante biết rằng những người mà nhà thơ cho rằng là “tốt”, những kẻ mà ở thời không của Dante (thế giới thực tại) vẫn còn sống, thì đều đang phải chịu cực hình ở các tầng sâu nữa trong địa ngục rồi. Nói rồi Ciacco cầu xin Dante nhắc mọi người nhớ đến mình và đột ngột kết thúc cuộc trò chuyện.
Đáp: – “Họ đang ở với những âm hồn đen tối nhất,
Những tội khác nhau giữ họ dưới đáy sâu,
Nếu xuống nữa, ngươi sẽ gặp.
Nhưng khi trở về nơi dương thế êm đềm,
Cầu xin ngươi nhắc nhở mọi người nhớ đến ta,
Thôi không dài dòng nữa và ta cũng không nói nữa!”
Và như để trả lời cho thắc mắc của Dante, Virgil tiếp nối:
Người hướng đạo liền bảo: – “Anh ta sẽ không ngóc đầu lên được nữa,
Cho đến khi tiếng kèn thiên thần cất lên,
Khi quyền lực siêu phàm sẽ tới:
Mọi người sẽ quay lại nấm mồ riêng buồn thảm
Nhận lại hình hài và bộ mặt khi xưa.
Để lắng nghe lời phán xét vĩnh hằng”
Virgil đang ẩn ý tới Đại Thẩm Phán (The Last Judgment), một sự kiện cực kỳ quan trọng trong nhiều tín ngưỡng như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, thậm chí là Hồi giáo. Theo đó, các tín ngưỡng này đều có một niềm tin chung rằng, vào thời kỳ mà nhân loại trở nên đen tối và thế giới đứng ở bờ vực của sự diệt vong, sẽ có một vị Cứu Thế Chủ xuất hiện và cứu rỗi nhân loại. Vào thời điểm đó, Đại Thẩm Phán sẽ diễn ra, tất cả các sinh mệnh, dù là đã chết hay đang sống đều sẽ xuất hiện và tiếp nhận thẩm phán của Cứu Thế Chủ. Ngài sẽ khiến thế giới trở nên toàn vẹn, mang theo những linh hồn tốt đẹp lên thiên đàng và phán xử những kẻ ác xuống địa ngục vĩnh viễn.
Điều này cũng gián tiếp nói lên một ẩn đố trong Cơ đốc giáo, bởi vì ở thời điểm hiện tại hầu hết tín đồ Cơ đốc giáo không tin tưởng vào luân hồi do nó “không được nhắc tới” trong Kinh Thánh. Họ tin rằng một khi con người chết đi, linh hồn sẽ tiếp nhận phán xét là lên Thiên đàng hay xuống Địa ngục. Vậy thì việc Cứu Thế Chủ phán xử sinh mệnh, kể cả người đã khuất, trong sự kiện Đại Thẩm Phán phải chăng là mâu thuẫn? Đây cũng là lý do vì sao một số người phương Tây vẫn tin tưởng vào sự luân hồi, rằng những người “chưa đủ tốt” sẽ trả nợ ở địa ngục, và quay lại thế gian để nhận lấy cơ hội tin theo Chúa trời. Theo họ, tất cả các sinh mệnh đều đang chờ thời khắc Đại Thẩm Phán.
Cơ đốc giáo coi Cứu Thế Chủ sẽ xuất hiện dưới hình tượng của Chúa Jesus, trong khi đó, các tôn giáo phương Tây khác không công nhận điều này và gọi Cứu Thế Chủ là Messiah. Sự xuất hiện của Cứu Thế Chủ không chỉ được chờ mong ở phương Tây, mà còn có trong tín ngưỡng phương Đông nữa. Phật giáo tin rằng Ngài sẽ xuất hiện dưới hình tượng Phật Di lặc hay còn gọi là Chuyển Luân Thánh Vương, hóa giải những khổ đau trong thời Mạt Pháp, còn Đạo giáo thì tin rằng Ngài sẽ xuất hiện dưới hình tượng Chân nhân Lí Hoằng. Đó chính là điều mà các tôn giáo khác nhau của nhân loại biết về sự kiện Đại Thẩm Phán.
Vậy thì số phận của những kẻ như Ciacco sẽ ra sao trong Đại Thẩm Phán? Nhà thơ Dante không khỏi thắc mắc, và nhận được câu trả lời từ người hướng đạo Virgil:
Thầy đáp: – “Hãy quay về khoa kinh viện của ngươi,
Đã dạy rằng: Khi một sự vật càng hoàn thiện,
Thì càng nhận rõ điều hay nỗi khổ.
Đám âm hồn bị nguyền rủa này,
Không thể nào đạt tới hoàn thiện,
Nhưng chúng sẽ tới gần điều đó hơn trước kia!” [1]
Đoạn trả lời của Virgil mang hàm nghĩa rất sâu sắc và thể hiện niềm tin tín ngưỡng của Dante. Virgil tiết lộ rằng các linh hồn tới thế gian là để “hoàn thiện” bản thân, để trở nên tốt đẹp hơn, và chính trong quá trình đó mà con người phải chịu giày vò thống khổ. Và mặc dù trong Đại Thẩm Phán, họ cũng sẽ chịu đau khổ, nhưng bởi vì Cứu Thế Chủ sẽ khiến thế gian trở nên hoàn mỹ hơn, nên những linh hồn còn có thể cứu vớt đều sẽ trở nên “hoàn thiện” hơn xưa.
Câu trả lời của Virgil không chỉ đúng đối với tín ngưỡng phương Tây, mà còn cả với tín ngưỡng phương Đông nữa. Chẳng phải đạo Phật vẫn nói rằng thế gian là bể khổ, mà quay đầu thì thấy bờ sao? Hàm ý của những bậc Giác giả khi tới cứu vớt nhân loại đều là dạy bảo con người hãy chịu một chút tội khổ, hãy tu tâm, hãy trở về với cội nguồn lương thiện. Những khái niệm như phản bổn quy chân trong Đạo gia, tu hành trong Phật gia, hay sám hối và thành tâm trong Cơ đốc giáo chẳng phải đều là có hàm ý như vậy? Chẳng phải thông qua Thần Khúc, Dante đang đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mà con người luôn tìm kiếm trong vô thức sao?
“Ta là ai?”
“Ta từ đâu đến?”
“Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
“Liệu lẽ nhân quả thiện ác hữu báo có là sự thật?”
Kết thúc tầng Phàm ăn, Dante và Virgil tiếp tục cuộc hành trình của mình dưới Hỏa ngục…
Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.
Quang Minh
Xem thêm: Chân dung Anastasia Lin – “Hoa hậu của các hoa hậu”
Từ khóa Dante Thần khúc Cơ đốc giáo Thần Phật thần thoại Hy Lạp Thiên Chúa giáo