Tôi không phản đối chủ trương chuẩn hóa hay nâng cao trình độ cho ngành giáo dục, và hiển nhiên, không chỉ ở ngành giáo dục mà đến khi phải chuẩn trình độ cho tất cả các ngành thuộc khối nhà nước.

Nhưng việc đặt ra một đống các loại chứng chỉ: chứng chỉ chính trị, chứng chỉ an ninh quốc phòng, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… một cách đối phó hình thức, thậm chí thành cơ hội buôn bán chứng chỉ thì phải phản đối quyết liệt!

giao vien phai hoc chung chi
Cô trò trong một lớp tiểu học ở vùng cao Hà Giang, tháng 3/2016. (Ảnh minh họa: Thi/Shutterstock)

Sự thực là nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã làm gì với các loại chứng chỉ ấy? 1) Nhiều cơ sở đào tạo không đảm bảo chuẩn vẫn gom hồ sơ, thu tiền và mở lớp; 2) Người đứng lớp chưa chắc đã chuẩn trình độ chuyên môn, hoặc chưa chắc đã có các loại chứng chỉ ấy mà vẫn đứng lớp đào tạo cho người khác; 3) Đào tạo và cấp chứng chỉ tràn lan, gần như cứ nộp tiền học và thi là có tất, từ đó biến chủ trương lớn và đúng của nhà nước thành trò buôn vặt đến buôn lớn của các tổ chức, cá nhân có quyền lực. Hậu quả là… tệ hơn vụ Đông Đô!

Cứ thử kiểm tra các cơ sở đào tạo, nhân sự tham gia giảng dạy và sát hạch lại những người đã có các loại chứng chỉ trên một cách nghiêm túc, khách quan, xem điều tôi nói là đúng hay sai?

Kẻ nào dám bảo nhờ có các loại chứng chỉ ấy mà trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục nâng cao thì chỉ có thể là kẻ nói dối trơ trẽn, không đảm bảo tư cách làm giáo dục.

Nhớ năm nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Anh của trường tôi bắt tất cả các giảng viên đi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trong 3 tháng hè. Tôi bị điều đi dạy tại chức ở xa, không thể tham dự. Có người mách “ông không tham dự cũng được nhưng cứ làm bài tập và thi là được”. Nhưng tôi không thể làm thế. Khi đi dạy về, tôi hỏi ai dạy? Phòng Tổ chức nhân sự bảo mời giảng viên Trường Đại học sư phạm Đà nẵng dạy. Tôi cười đến… phát khóc.

Một số giảng viên tham gia lớp học phản ánh, đội ngũ lên lớp là những cô giáo chưa sạch váng mũi lên hội trường nói thánh nói tướng các thứ từ tâm lý đến giáo dục ai cũng biết rồi người học thi trả bài và nhận chứng chỉ. Cán bộ phòng tổ chức nhân sự nói, phải có chứng chỉ ấy mới đảm bảo chuẩn và tư cách hành nghề.

Tại cuộc họp giao ban, tôi nói thẳng với Hiệu trưởng và các lãnh đạo Nhà trường. Rằng 1) Trường Đại học Quy Nhơn, nguyên là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, xét bề dày, đã đào tạo ra các bậc thầy cho các giảng viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, sao lại phải mời giảng viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng dạy nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn?; 2) Tôi và nhiều giảng viên học đại học sư phạm, học lên thạc sĩ và hiện có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư với bề dày kinh nghiệm vài ba mươi năm, kể cả luôn cập nhật và nghiên cứu với nhiều công trình về tri thức và dạy học hiện đại, lẽ nào không đủ chuẩn giảng viên? 3) Học chứng chỉ trong vòng một thời gian ngắn như vậy liệu có cao hơn trình độ và kinh nghiệm chúng tôi đang có? 4) Nếu chúng tôi không đủ chuẩn giảng viên thì có dám phủ nhận bằng cấp, trình độ của cả một đội ngũ hàng triệu giáo viên mà chúng tôi đã đào tạo trên khắp đất nước?

Không ai trả lời. Tôi buộc nói thẳng tuột ra điều không ai dám nói. Rằng, thưa Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường, nếu đối tượng cần học chứng chỉ sư phạm để đủ tư cách làm nghề giáo ở đây, trước tiên phải là đương kim Hiệu trưởng và hai Hiệu phó. Hiệu trưởng học đại học bách khoa ngành Kỹ thuật điện, một Hiệu phó học đại học bách khoa ngành Kinh tế du lịch, một Hiệu phó còn lại học Đại học Tổng hợp Toán, tức chưa được học gì về sư phạm. Cả ba không đạt chuẩn sư phạm, nhưng tại sao lại không đi học lấy chứng chỉ mà buộc các giảng viên dưới quyền phải đi học?

Kết quả cuộc chất vấn ấy vẫn bay vào không khí, trừ phi họ nuôi oán mà không có lý để… báo oán.

Buôn thần bán thánh, buôn quan bán tước… đã làm dân mệt mỏi và mất lòng tin lắm rồi. Xin hãy chừa “chữ trinh còn một chút này” cho ngành giáo dục!

Có nhiều cách đơn giản để đánh giá chuẩn hay nâng cao trình độ nghiệp vụ như xét hồ sơ, công trình, sát hạch thực lực chứ đâu phải trò bịa ra các loại chứng chỉ để… vét một cách tàn nhẫn đồng lương còm cõi của nhà giáo?

Luật giáo dục quy định bằng cấp, trình độ chuẩn: Cao đẳng (Giáo viên mầm non), Đại học (Giáo viên Tiểu học trở lên), Thạc sỹ, Tiến sỹ (Giảng viên đại học), và lâu nay đã mở các loại hình đào tạo để chuẩn hóa (thậm chí hợp thức hoá để vét hàng tỷ tỷ rồi), chẳng lẽ các chuẩn ấy bị xổ toẹt so với các loại chứng chỉ có dấu hiệu buôn gian bán lận?

Chu Mộng Long (bút danh của TS Châu Minh Hùng, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định)

Đăng theo Facebook Chu Mộng Long với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/phan-tich-binh-luan/sep-toi-dung-bang-gia.html