Đất của cha
- Khải Đơn
- •
Bên hông xưởng làm gốm, hai đứa con trai nhỏ chạy cười khúc khích với chú dê con màu trắng lùn đến hông, đang nhanh nhảu dập gót chạy theo sau lưng.
Thoáng một cái, lũ trẻ đã chuyển từ đồng cỏ vào xưởng làm việc của Benjametha Ceramics: nơi ẩn mình của một nghệ sĩ gốm một thời nổi danh ở Bangkok.
Emsophian Benjametha kể rằng anh quyết định về lại quê nhà khi vợ anh mang thai con. Anh muốn những đứa con được chạy nhảy trên cánh đồng. Anh nhớ đất sét ở quê. Anna, vợ anh, sẽ có thời gian để làm mẹ và làm đẹp mái ấm vừa thành của họ.
Xưởng gốm nhà anh là bốn khu nhà lớn nằm vuông góc nhau, tạo thành một khoảng trống ở giữa, là xích đu, bàn ghế và nơi cho ba đứa con của anh nghịch đất, đạp xe, và chạy vào xưởng học nặn cùng với bố bất kể khi nào. Trong khu nhà để thành phẩm, Anna mở cửa kính ra, và đẩy tôi vào một mê cung của những sản phẩm tôi từng được thấy trên những kệ trưng bày gốm nghệ thuật đầy trang trọng ở triển lãm hàng thủ công lớn của Bangkok.
Nước của gốm trắng mềm đục, một cái đĩa ăn gợn lên thân thể vỏ sò hằn trong đất, một đĩa dâng quả ửng lên từng thớ lá sen, mềm mại như sen thật. Những bình trà thực hiện kiểu gốm vỡ phức tạp và điêu luyện, hoa văn màu đen, màu vàng, màu xanh… ẩn hiện như da thịt sinh vật sống và độc đáo tồn tại.
Emsophian chỉ vào một chú chim nhỏ, đó là con chim đang đậu trên cành gần chuồng dê, đặc trưng của vùng đất Pattani, vùng cực nam xa xôi của Thái Lan, nơi giao thoa với dòng văn hóa Hồi Giáo dày đặc và phức tạp của Malaysia.
Anh tỉ mẩn với từng chú chim, từng cánh hoa mỏng cắt nghiệt, để cho một chiếc tay cầm bình trà đường nét mềm mại. Từng vết rạn được bẻ ra cố ý từ tổng thể. Một vết hằn như gợn lên trong tâm trí người sáng tạo từ bàn tay lấm lem, tham vọng muốn thể hiện thật nhiều tâm trạng. Lần nào cũng vậy, khi anh ngồi xuống đĩa xoay trong xưởng, mọi cố gắng ồn ào của thế giới tự lùi lại bên cửa.
Nhưng chỉ trong chốc lát, bao nhiêu tập trung căng thẳng của anh vỡ tan vì tiếng cười của ba đứa con. Chúng chạy tới. Cô bé út ùa vào lòng bố, bất chấp anh đang tỉ mẩn với cái đuôi vểnh của chú chim. Emsophian chậm rãi đặt ba đứa ngồi cạnh bàn, chỉ các con cách nặn ngôi nhà cho thành phố tí hon của chúng, cách nặn giúp bố bông hoa. Chừng vài phút, cả bốn cha con cặm cụi chìm vào trò chơi với đất.
Tôi chưa bao giờ thấy anh có vẻ bị quấy rầy khi các con trờ tới lúc làm việc. Anh trông con “tài” hơn vợ, dụ cho chúng theo anh mà mê mẩn, thay vì giục chúng đi tắm hoặc không nghịch nước mưa nữa.
Anna kể: “Lúc tôi có bầu đứa đầu tiên, tôi quyết định sẽ là người chịu lùi bước, rời bỏ sự nghiệp của mình để làm mẹ và về quê. Cả hai chúng tôi đều muốn con trẻ được chơi đùa cạnh thiên nhiên như chúng tôi khi bé. Chơi đùa trên mảnh đất quê nhà. Khỏe mạnh. Và anh ấy có thể sáng tạo…”
Cả ba khu xưởng đều tự tay chồng cô thiết kế, sân vườn giữa xưởng cũng là anh nghĩ ra để các con chơi ngay cạnh nơi bố làm việc. Anna thay chồng quán xuyến mọi công việc tài chính của công ty (trước đó cô làm kế toán ở Bangkok sau khi du học ở Malaysia về). Từ mọi vị trí trong xưởng, ngoài nhà, họ đều có thể nhìn thấy các con chơi đùa khi đang làm việc.
Xưởng gốm Benjametha Ceramics mỗi năm về Bangkok một lần, dự triển lãm sản phẩm thủ công nghiệp, gặp đối tác mới, và thường xuyên nổi bật vì những thiết kế độc đáo thay đổi từng năm. Nhưng khi làm việc, vợ chồng anh lui về với khu xưởng cách thủ đô của Thái Lan đến 1.200km và nằm tận trong làng sâu, ở một tỉnh thành đầy xung đột và ít người ngoài lui tới.
Emsophian tốt nghiệp ngành nghệ thuật từ Pháp và kiến trúc ở Bangkok. Vợ chồng anh lớn lên khi những thanh niên cùng làng cũng bỏ xứ về thủ đô làm công nhân, đi làm thuê cực khổ. Anh kể: “Tôi muốn dùng đất của làng làm gốm, bàn tay của thợ làng làm gốm, và chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm đẹp, để người trẻ trong làng có việc làm.” Gốm của Benjametha gợi nhiều về câu chuyện xưa trong thế giới Ả Rập, những ngôi đền Hồi Giáo và nét yên ả thầm lặng của những người đàn bà trùm khăn Hijab kín đáo và trầm lặng.
“Người ở Pattani ít ai biết chúng tôi lắm. Sản phẩm của anh ấy còn khó hiểu với khách hàng ở đây. Nên chúng tôi bán cho đơn hàng từ Bangkok là chính. Những món quà lễ, quà gia đình, thiết kế nội thất… đều từ Bangkok. Khách hàng đến từ Facebook là chính“, Anna kể về cách họ tạo dựng tên tuổi cho công việc khi không kết nối với thế giới hàng thủ công sôi động ở Bangkok.
Trong làng, gia đình anh là “công ty” duy nhất thuê bảy thợ làm từ làng. Ba người chế tác theo thiết kế của anh, hai thợ nung và đóng gói, hai người khác chăm sóc đàn dê của gia đình.
Sinh kế đi kèm giúp xưởng gốm mở rộng thêm thành ba khu xưởng sau sáu năm họ trở về quê nhà. Gốm của gia đình Benjametha tạo ra đậm màu sắc thiên nhiên, nâu, trắng, vàng, xanh nhạt, đỏ đậm… với cấu trúc quyện rõ từng nét văn hóa Malayu- Thái (người Malay ở Thái), với niềm tin tôn giáo, phong tục sống và định danh đặc thù của họ ở miền Nam Thái Lan.
Từng đường nét mà Emsophian tạo tác làm người thưởng lãm nhớ về thiên nhiên mỏng manh, trong một lá sen mỏng sắp tàn, một vỏ ốc mòn vân nổi, bông bồ công anh sắp rụng cánh, vệt nứt từ đất mẹ, hay những vòng xoáy êm ả của hoa, đất, cây cỏ và ẩn tích trong từng dòng chữ Ả Rập thầm thì tiếng kinh cầu Hồi Giáo.
Đi qua giấc mơ yên lặng bằng ngôi lời của đất tại quê nhà, Anna thấy sáu năm trời như một giấc mơ… khi ba nhà xưởng thành hình và những đứa con bé bỏng đã có thể chạy chơi trên cánh đồng cạnh đất mẹ.
Như thể họ đã ngỏ lời để thương đất như gia đình…
(Viết ở Pattani, miền Nam Thái Lan)
Benjametha Ceramics là xưởng làm gốm nghệ thuật nổi tiếng ở tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan. Giám đốc sáng tạo của xưởng là ông Emsophioan Benjametha, một kiến trúc sư và nghệ sĩ tốt nghiệp từ Bangkok (Thái Lan) và Versailles (Pháp).
Sản phẩm gốm của Benjametha Ceramics nằm trong nhóm các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn Thailand Trust Mark – thương hiệu chất lượng cao nội địa của Thái Lan chuyên để xuất khẩu
Benjametha Ceramics từng đoạt giải “Thai Creative Award” (2011), “Identity of Siam (2012), Prime Minister’s Export Award 2012, Giải thưởng Good Design Award 2012 ((Nhật Bản), “nnovative Craft Award 2014 (Thái Lan).
Từ khóa gốm Nuôi dạy con Hồi giáo Văn hóa Thái Lan