Hãy để những điều tốt đẹp được lan toả
- FB MINH DIỆU
- •
Tôi đọc bài: “Nữ sinh đốt trường, nguy hiểm trò “Việt Nam nói là làm”, trong cảm giác phẫn nộ. Cô gái, nhân vật chính là người quê tôi: Ninh Hoà, Khánh Hoà.
Ninh An, Ninh Hoà trong ký ức tôi là miền quê hiền hoà, thanh bình. Vậy cớ gì một nữ sinh ở vùng quê hiền lành đã hành động một cách ngu xuẩn: đủ 1 ngàn likes trên facebook sẽ đốt trường! Đó là một trong những trò chơi bệnh hoạn của “Việt Nam, nói là làm”. Tôi rùng mình khi xem clip: cô gái đổ xăng bật quẹt đốt trong tiếng reo hò, cổ vũ của những người xung quanh.
Hôm qua nay, “Việt Nam nói là làm” lập tức hot, clip cô gái đốt trường share mạnh gấp trăm lần ngọn lửa cô đốt trường. Các facebooker hưởng ứng, cổ xuý theo nhiều kiểu, cả những người có nhiều chữ nghĩa cũng mua vui theo cách của mình. Rằng, đủ 1.000 likes họ sẽ làm việc này, việc nọ.
Đến giờ, sẽ không ai dám nói facebook là vô bổ, tai hại. Bởi đó là mạng xã hội thông minh khi quá hiểu và chiều người dùng. Khi mà mặt trận báo chính thống đôi khi không dám lên tiếng, khi mà những tò mò, mua bán, cướp giết hiếp, hậu trường chính trị, những trò “mèo mả gà đồng” nói xấu, thị phi, nịnh hót nhau, có sất. Khi mà, trong tích tắc một kẻ vô danh tiểu tốt bỗng dưng nổi tiếng toàn cầu. Nhưng like, cmt, share những hình ảnh xấu về tường mình – dẫu là đả kích, lên án, chửi rủa, vẫn là đem rác về nhà, nhập rác vô đầu, là góp gió thành bão, là tạo cơ hội cho những “kẻ đốt đền” trở nên nổi tiếng, như 356 năm trước Công nguyên Herostratus đã từng làm, để ngàn năm sau trở thành điển tích của bia đá.
Bao giờ chúng ta mới trở nên văn minh? Chợt nhìn sang Nhật Bản, hành động nhặt rác trên sân vận động, đứa bé trong thảm hoạ sóng thần năm 2011 nhường gói mì tôm cho cụ già – dẫu chỉ là câu chuyện truyền thông, nhưng họ đã khiến cả thế giới nghiêng mình, ngả mũ. Họ chỉ share những điều tốt đẹp, chỉ lan toả những hành động, nghĩa cử, giá trị đẹp.
Nếu gọi tên cho những hành động ngông cuồng như cô gái “1.000 likes đốt trường” tôi gọi đó là trò chơi bệnh hoạn và ngu xuẩn.
Anh em, bạn bè, người quen, nếu tôi không thể “hùa” theo trò chơi mà các bạn đang cổ xuý, mua vui, hãy unfriend tôi đi. Làm ơn!
Từ khóa trào lưu xã hội mạng xã hội Đạo đức