Sự hy sinh vô nghĩa của bà Carrie Lam “trên con tàu cướp biển”
- Thần Hi
- •
Nhiệm kỳ của Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) sẽ kết thúc vào ngày 30/6 năm nay, nhưng giông tố dường như chưa chấm dứt trên chặng đường cuối cùng này.
Ba bài xã luận của truyền thông Hồng Kông thân cộng chỉ trích bà Carrie Lam
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) tung hoành, một đại tiệc của giới chức sắc quyền quý Hồng Kông tổ chức gần đây đã trở thành “đại tiệc thảm họa”. Số liệu hiện tại cho thấy có tổng cộng 214 khách tham dự, trong đó 104 người đã bị cách ly; khách mời bao gồm ít nhất 14 quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông và 20 thành viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Nguyên nhân khiến bà Carrie Lam bị chỉ trích cũng là do “bumerang” của chính bản thân mà ra.
Do trước đó xảy ra chuyện một nhân viên của Cathay Pacific bị nhiễm virus, sau khi trở về Hồng Kông đã không tuân thủ quy định và ra ngoài làm lây lan virus ra cộng đồng. Bà Carrie Lam đã triệu tập chủ tịch và giám đốc điều hành của Cathay Pacific chỉ trích nghiêm khắc rằng cho dù ban điều hành Cathay Pacific không thể kiểm soát được hành vi của các nhân viên, thì họ cũng phải chịu trách nhiệm với công ty trong vai trò lãnh đạo. Sau đó Cathay Pacific đã lên tiếng xin lỗi, đồng thời tuyên bố sẽ kỷ luật nhân viên vi phạm quy định giám sát y tế.
Nhưng trong vụ việc “đại tiệc của giới chức sắc quyền quý” này, với tư cách là người đứng đầu bộ máy quan chức mà bà Carrie Lam lại rũ bỏ trách nhiệm đối với các quan chức liên quan khi nói rằng “không chịu trách nhiệm cá nhân về các quyết định và hành động của từng đồng nghiệp”. Ngay sau khi phát biểu này được đưa ra đã làm dậy sóng dư luận xã hội, và bà Carrie Lam thành mục tiêu chỉ trích của công luận.
Trong bài xã luận của trang HK01 thậm chí còn kéo cả hai quan chức đứng đầu ĐCSTQ là ông Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng Bí thư Tập Cận Bình, chất vấn chẳng lẽ bà Carrie Lam muốn bị họ “khiển trách nghiêm khắc mới ‘hối lỗi’ với người dân Hồng Kông, tương tự trường hợp Cathay Pacific trước đó bị Carrie Lam chỉ đạo triệu tập cảnh cáo?” Bài viết mạnh mẽ yêu cầu bà Carrie Lam phải xin lỗi người Hồng Kông, vì chỉ có làm vậy thì sau này các biện pháp phòng chống dịch bệnh do chính quyền Hồng Kông đưa ra mới được xã hội công nhận và hưởng ứng.
Đây không phải lần đầu tiên trang HK01 chỉ trích bà Carrie Lam. Tờ báo này lần lượt vào ngày 27/12 năm ngoái và ngày 2/1 năm nay đã đăng các bài xã luận “Hồng Kông cần một Trưởng Đặc khu mới” và “Thúc đẩy trấn áp bạo lực và hỗn loạn không thể thay thế cho cải cách toàn diện”, theo đó chỉ ra dù bà Carrie Lam qua Bắc Kinh báo cáo công việc đã được ông Tập Cận Bình đãi tiệc long trọng, nhưng ông Tập không hài lòng với chính quyền Carrie Lam. Ông Tập dù ghi nhận Carrie Lam trong “ngăn chặn bạo lực và hỗn loạn”, bình định phong trào chống Dự luật Dẫn độ và thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, nhưng đây là “thành tựu chính trị” của Bắc Kinh, công việc của bà Carrie Lam chỉ là hành động theo. Về kinh tế và dân sinh, bà Carrie Lam không có thành tựu gì, cho thấy ĐCSTQ không cần bà Lam nữa.
Bà Carrie Lam bị coi là “phế vật trung thành”?
Vấn đề khó tránh gợi nhớ đến một bài viết của học giả Đại Lục là Điền Phi Long (Tian Feilong) đăng trên tờ Ming Pao Hồng Kông vào năm ngoái, chỉ ra rằng ĐCSTQ có yêu cầu cao hơn đối với người đại diện ở Hồng Kông chứ không cần “phế vật trung thành”. Phát ngôn “phế vật trung thành” xuất hiện đã làm những “âm binh” thân cộng tại Hồng Kông tức tối, như một nhân vật lão làng của phe này đã phản pháo lại rằng Điền Phi Long là một “học giả ăn hại”.
Một cách hiểu về “phế vật trung thành” nghĩa là chỉ phe thân cộng chỉ biết hô khẩu hiệu, là những con rối ăn theo nói leo trung ương, vì cứ động tý là họ giật thót kêu toáng lên trung ương không cho phép.
Có lẽ đã từ sớm, ông Tập Cận Bình không hài lòng về bà Carrie Lam. Năm 2019 khi ĐCSTQ muốn sửa đổi “Luật tội phạm đào tẩu” (thường gọi là Dự luật dẫn độ) liên quan vấn đề tội phạm đào tẩu ở Hồng Kông, người ta cho rằng ý định ban đầu là nhằm vào các phe phái chống Tập Cận Bình trú ở xa tại Hồng Kông, chẳng hạn như “sân sau” Tiêu Kiến Hoa của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, qua đó để ĐCSTQ có thể thuận tiện đưa những người này về Đại Lục quy án.
Tin tức về việc sửa đổi “Luật tội phạm đào tẩu” vừa được đưa ra đã gây bùng nổ bất mãn trong giới luật sư Hồng Kông, cho rằng vấn đề sẽ làm suy yếu nền pháp quyền và tự do ở Hồng Kông. Cũng có những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ lo lắng rằng ĐCSTQ dùng thủ đoạn này làm cơ sở để đưa các nhà hoạt động dân chủ đến Bắc Kinh xét xử, một số doanh nhân tiết lộ rằng một khi sửa đổi thành công thì công ty của họ sẽ bắt đầu cho kế hoạch B ứng phó, thậm chí sẽ tính đến chuyện rút khỏi Hồng Kông.
Đối với ĐCSTQ, trong vụ việc này, nhiệm vụ của bà Carrie Lam và toàn bộ chính quyền Hồng Kông là xoa dịu cảm xúc của người Hồng Kông, làm sao khéo léo để việc sửa đổi “Luật tội phạm đào tẩu” thông qua ba lần đọc của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông để chính thức trở thành luật mà không gây kích động mạnh trong công chúng. Nhưng không ngờ bà Carrie Lam lại không thạo phương pháp “Mặt trận thống nhất” của ĐCSTQ, không dùng “bọc đường” lại dùng “cưỡng bức” làm hàng triệu người Hồng Kông xuống đường vào ngày 9/6 năm đó; đến ngày 12/6 đã bao vây Hội đồng Lập pháp; và ngày 16/6 có hai triệu người xuống đường biểu tình.
Dưới phẫn nộ của dư luận, bà Carrie Lam một mặt điều động số lượng lớn cảnh sát chống bạo động trấn áp dữ dội người biểu tình, mặt khác không chịu xin lỗi hay tuyên bố “thu hồi quan điểm”, nghĩa là chính thức đình chỉ sửa đổi “Luật tội phạm đào tẩu”. Bà Carrie Lam vẫn phản ứng kiểu “giữ thể diện” nên chỉ tuyên bố “tạm hoãn” chứ không “chấm dứt”, đến cuối cùng lại dùng từ “cho ngủ đông”. Vì tình trạng này mà cả chính quyền Hồng Kông và ĐCSTQ đã trở thành trò cười cho cộng đồng quốc tế, còn khiến dư luận Hồng Kông phẫn nộ đến tột độ. Nhiều người Hồng Kông chia sẻ cứ nghe nhắc đến Carrie Lam là nghiến răng, thấy bà ta trên truyền hình là muốn đập tivi…
Phong trào chống Dự luật Dẫn độ đã phát triển thành phong trào của hàng triệu người Hồng Kông chống ĐCSTQ, và thậm chí lan rộng ra nước ngoài. Ngay cả Tổng thống Mỹ Trump khi đó cũng chú ý đến tình hình ở Hồng Kông và đã ký “Đạo luật Tự trị Hồng Kông” và “Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”. Trên cơ sở này, từ đó ngày càng nhiều người Hồng Kông tham gia chống chế độ chuyên chế ĐCSTQ, còn Bắc Kinh bắt đầu đàn áp Hồng Kông cứng rắn hơn, quy sai lầm vào “phế vật trung thành”.
Hy sinh vô nghĩa “trên con tàu cướp biển”
Trong chiến dịch của người Hồng Kông chống Dự luật Dẫn độ vào năm 2019, một phóng viên đã hỏi Carrie Lam rằng bà cảm thấy thế nào khi bị buộc tội “bán đứng Hồng Kông”. Câu hỏi khiến bà Carrie Lam rướm lệ và đáp rằng bà “sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, đã hy sinh cuộc sống cá nhân không ít vì Hồng Kông”. Chồng bà Carrie Lam cũng nói rằng sau khi trở thành Trưởng Đặc khu, bà Lam đã bán mình cho Hồng Kông. Thực ra, Carrie Lam không bán mình cho Hồng Kông mà cho ĐCSTQ!
Có câu chuyện về một người từng gửi cho bà Carrie Lam cuốn sách “Chín bài bình luận về ĐCSTQ” (Cửu bình), khi đó bà Carrie Lam nghiêm khắc phê bình: “Các người không yêu nước”. Liệu bà Carrie Lam có biết người lẫn lộn hai khái niệm “ĐCSTQ” và “đất nước Trung Quốc” chính là bản thân bà?
Ông Stephen Ng, một doanh nhân lãnh đạo cấp cao người Anh tại Hồng Kông, là “đồng môn” của Carrie Lam tại Đại học Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà Carrie Lam như bị “ma quỷ dẫn dắt đi lên tàu của bọn cướp biển”. Năm 2003, bà Carrie Lam tự nguyện xin chuyển làm Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại London (Anh) mục đích để sau khi sang Anh làm việc có điều kiện chăm sóc cho gia đình tại Anh. Hồi đó, bà Carrie Lam đã tham gia những công tác cộng đồng ở Anh: “Bà ấy sống chân thành, phong cách gần gũi, đích thân tham gia nhiều hoạt động xã hội”.
Ông Stephen Ng cũng cho biết vào năm 2012, bà Carrie Lam đã mua một biệt thự ở Cambridge, hy vọng sẽ sống ở đó lâu dài với gia đình sau khi nghỉ hưu: “Nhà bếp rất rộng, có thể nướng bánh mì, pha cà phê và sống nhàn nhã thụ hưởng không khí vùng nông thôn”. Nhưng cùng năm đó, bất ngờ bà Carrie Lam nhận chức Tổng thư ký hành chính của Chính phủ Lương Chấn Anh. Hồi đó bà Carrie Lam còn hứa với chồng không tham gia tranh cử Trưởng Đặc khu Hồng Kông, nhưng rồi lại không thực hiện lời hứa và đã thành công nhậm chức Trưởng Đặc khu vào năm 2017, trở thành nữ Trưởng Đặc khu đầu tiên của Hồng Kông.
Có lẽ vấn đề này được bà Carrie Lam hiểu là “hy sinh cá nhân”. Ông Stephen Ng chỉ ra rằng không rõ tại sao bà Carrie Lam lại chuyển từ khao khát cuộc sống nông thôn ở Anh, từ bỏ cuộc sống nhàn tản vùng nông thôn để chui vào quan trường đầy hiểm ác, tham gia vào đấu tranh chính trị. Ông hình dung quá trình này là “leo lên tàu cướp biển, hối hận thì đời đã sắp tàn”, “muốn quay lại cũng rất khó, rất khó”.
Từ một người ưu tú được chính quyền Hồng Kông thuộc Anh đào tạo lại trở thành đại diện của chính quyền toàn trị ĐCSTQ ở Hồng Kông, từ bỏ cuộc sống điền viên ở Vương quốc Anh để rồi chui vào danh sách nhân vật nguy hiểm bị Mỹ chế tài, khi làm con rối xong thì bị nhân dân nguyền rủa, còn kẻ giật rối thì ném rối vào thùng rác, nông nỗi nào lại hy sinh cuộc đời như vậy?
Thần Hi, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Tập Cận Bình Carrie Lam COVID-19