Việt Nam có nền giáo dục hàng đầu thế giới?
- FB NGUYỄN PHƯƠNG MAI
- •
Một số bạn inbox hỏi ý kiến tôi về tin Việt Nam lọt vào top 20 nước có điểm PISA cao nhất thế giới. Báo chí đưa tin giật gân là Việt Nam có nền giáo dục tốt trong top 20.
Vui thì có, nhưng để khách quan, xin cung cấp cho các bạn thông tin đa chiều về PISA, cái cuộc thi ngày càng có nhiều người phản đối. Sau đây là một vài lý do, nhiều lắm, kể hết thì kiệt sức mất:
1. PISA là con đẻ của tổ chức kinh tế hợp tác và phát triển OECD. Nguồn gốc ban đầu của PISA xuất phát từ việc so sánh xem các nước chi phí bao nhiêu cho giáo dục, hoàn toàn không phải là học sinh giỏi cỡ nào.
2. PISA chỉ là một trong rất nhiều các bài thi để chấm khả năng của học sinh trung học. Trên thế giới còn có TIMSS, PIRLS…vv. Mỗi bài thi lại khác nhau. Phần Lan nổi tiếng đứng đầu PISA, nhưng rớt thê thảm ở TIMSS. Mỹ không giỏi PISA, nhưng TIMSS lại rất cao.
3. Các học sinh thi PISA không phải lúc nào cũng là đại diện tiêu biểu của học sinh trong một nước. Trung Quốc từng bị chỉ trích vì học sinh thi PISA ở Thượng Hải thậm chí còn không thể đại diện cho Thượng Hải, chứ đừng nói là cả Trung Quốc.
4. Các nhà khoa học lên án mạnh mẽ khả năng sai sót lớn của PISA về mặt thống kê. Một yếu tố khác là chất lượng không đồng đều. Một đề thi với ví dụ bằng tiếng Việt và bối cảnh Việt Nam không thể tương ứng hoàn toàn với một đề thi và ví dụ có bối cảnh Đan Mạch.
5. PISA tạo ra ảo tưởng về chất lượng giáo dục trong khi chỉ đo đạc một số kỹ năng nhất định như toán và trình độ đọc hiểu. Nó bỏ ra ngoài lề tất cả những yếu tố quan trọng nhất của một nền giáo dục hiện đại như: giáo dục nhân cách, đạo đức, thể lực, cảm thụ nghệ thuật, trách nhiệm công dân…vv.
6. Lý do quan trọng nhất khiến PISA bị phản đối là nó tạo ra áp lực cho nhà trường và học sinh với gánh nặng điểm số, ảnh hưởng đến chính sách giáo dục của cả một đất nước, khiến các chế tài thay đổi theo hướng ngắn hạn, bề nổi. PISA là con đẻ của một tổ chức kinh tế, nhưng trách nhiệm của nhà trường không phải chỉ chuẩn bị cho học sinh bước vào thị trường nghề nghiệp mà còn là giáo dục một thế hệ công dân có tầm nhìn, có nhân văn, có khát khao dân chủ và cống hiến.
Nói cách khác, PISA chỉ là một chỉ số hạn hẹp trong một bưć tranh lớn. Cũng như tivi màn hình to chưa chắc nhà đã…giàu, da mặt đẹp chắc gì đã xinh, được điêm̉ 10 chắc gì đã giỏi?
Từ khóa Giáo dục Cải cách giáo dục điểm số PISA