Bộ Xây dựng: Công trình 70 tầng tại Ga Hà Nội là ‘chưa phù hợp’
- Quý Bình
- •
Việc xây dựng mới một số công trình cao tầng (40-70 tầng) tại Ga Hà Nội sẽ tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc – cảnh quan đô thị đối với khu vực ga và khu nội đô.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp UBND TP. Hà Nội về việc đóng góp ý kiến đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận tỷ lệ 1/2.000.
Theo văn bản, khu vực nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội nằm trên địa phận 4 quận nội thành – đây là khu nội đô lịch sử, hạn chế phát triển “không xây dựng nhà ở cao tầng mới và gia tăng dân số”.
Bộ Xây dựng cho rằng việc cải tạo và xây dựng mới trong phạm vi 98,1 ha – tại 4 quận nội thành thuộc 8 phường (5 phường của quận Đống Đa, 3 phường của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng); đề xuất nhiều nội dung cải tạo chỉnh trang đô thị với quy mô lớn về xây dựng công trình ngầm và công trình nổi, tái định cư, trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (40-70 tầng, chiều cao tới 200 m) sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung – điều này là chưa phù hợp với quy hoạch chung.
Ngoài ra, dân số khu vực này khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người (tăng khoảng 10%). Việc hình thành các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, vui chơi giải trí,… sẽ làm tăng số lượng lớn khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực.
Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng quy hoạch phân khu cần nghiên cứu, dự báo và tính toán kỹ về dân số để đảm bảo không gây ra tình trạng quá tải về cở sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông trong khu vực phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị H1- 3, H1-1 và H1-4.
Bên cạnh đó, đồ án của Hà Nội chưa phân tích, tính toán đầy đủ khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị đối với việc gia tăng dân số và hình thành các công trình cao tầng, đa năng, dịch vụ tổng hợp. Cần bổ sung và làm rõ quy mô dự báo nhu cầu giao thông cho từng loại hình giao thông trong khu vực (đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị), đặc biệt là dự báo lưu lượng hành khách của các tuyến đường sắt đô thị đường sắt đô thị số 1, số 3 và tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi.
Cũng tại đồ án, việc đề xuất xây dựng tầng hầm kết hợp giao thông đi bộ, bãi đỗ xe và phố thương mại với quy mô khoảng 37,5 ha có nhu cầu nguồn vốn đầu tư rất lớn. Mặt khác, đồ án cần đưa giải pháp kết nối (lối vào/ra) của hệ thống bãi đỗ xe ngầm với mạng lưới đường phố khu vực, đặc biệt là những nội dung dự kiến xây dựng công trình cao tầng đa năng, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông trong khu vực ga và khu vực xung quanh.
Hà Nội cũng cần có biện pháp và sự gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, công nghệ quản lý khai thác gắn với mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ, giải pháp quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc,…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng. Bổ sung và làm rõ các nội dụng tiếp thu, giải thích các ý kiến góp ý của các tổ chức, các nhân và người dân trong khu vực trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch xây dựng lại khu vực Ga Hà Nội.
Theo đồ án, khu vực quy hoạch được chia thành 9 phân khu chức năng gồm: Khu văn hóa thấp tầng, khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 – 70 tầng; Khu truyền thông cao khoảng 40 – 70 tầng; Khu công viên; khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao khoảng 40 – 60 tầng; Khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 – 60 tầng; và khu ga đường sắt được đặt tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.
Ngày 28/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, với yêu cầu “thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững“.
Quý Bình
Xem thêm:
Từ khóa bộ Xây dựng ga Hà Nội UBND TP. Hà Nội quy hoạch xây dựng ga Hà Nội