Đâu sẽ là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm của TT Nguyễn Xuân Phúc tới Washington?
- Lưu Thủy
- •
Các vấn đề về nhân quyền, mối quan hệ với Bắc Triều Tiên, những chính sách tại khu vực biển Đông và các vấn đề về thương mại – đầu tư sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đâu sẽ là vấn đề trọng tâm được đề cập tới trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Washington?
Website của Nhà Trắng hôm 23/5 phát đi thông cáo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Washington vào ngày 31/5. Theo đó, TT Donald Trump mong muốn hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các cách thức nhằm tăng cường quan hệ song phương, đồng thời làm sâu sắc thêm sự hợp tác của Mỹ tại Đông Nam Á với vai trò là đối tác quan trọng của các nước trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington sẽ kéo dài từ ngày 29 đến ngày 31/5/2017.
Chuyến thăm vào đầu tuần tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra sau khi cuộc đối thoại về Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 21 được tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 19/5, bà Virginia Bennett, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ – phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động và ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế dẫn đầu hai phái đoàn sẽ trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền.
Các chủ đề được đưa ra tại cuộc đối thoại bao gồm: tầm quan trọng của quá trình tiếp tục cải cách luật pháp, vấn đề pháp quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tụ họp, tự do tôn giáo; các quyền lao động, quyền của người tàn tật; chống phân biệt đối xử; hợp tác đa phương,…
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc thúc đẩy các vấn đề về nhân quyền là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này và sẽ là khía cạnh then chốt trong cuộc đối thoại sắp tới về Hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực Đông Nam Á đang chưa rõ về vị trí của mình trong các chính sách toàn cầu của tân TT Donald Trump, khi trước đó, khu vực năng động này đã giữ vai trò then chốt trong chính sách tái cân bằng ở châu Á của TT Barack Obama.
Theo Murray Hiebert, Cố vấn cấp cao và Phó tổng giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – CSIS (Washington D.C), ba cuộc điện đàm vào các ngày 29 và 30/4 của TT Trump đến nhà lãnh đạo ba nước Philippines, Thái Lan và Singapore cùng lời mời đến Washington D.C là một bất ngờ trong chính sách của Trump với khu vực Đông Nam Á.
Đặt trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên, ông Trump đã đề nghị Philippines, Thái Lan và Singapore nỗ lực tham gia chiến dịch toàn cầu nhằm cô lập Bắc Triều Tiên.
Cuộc điện đàm tới Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là “cú thúc” đầu tiên của Tổng thống Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong chính sách ngừng trao đổi thương mại và ngoại giao với Bắc Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông Trump cũng trao đổi về những cố gắng của Tổng thống Duterte trong kiểm soát việc sử dụng ma túy tại nước này.
Trong các cuộc điện đàm tiếp đó với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Trump tiếp tục thúc giục hai nhà lãnh đạo cắt các giao dịch với Bắc Triều Tiên. Theo nhà chức trách Thái Lan, ông Trump cũng đề cập đến những nỗ lực của Thủ tướng Prayuh trong việc phục hồi lại ổn định chính trị ở Thái Lan trong những năm gần đây.
Đặt trong mối quan hệ với Trung Quốc, ông Trump đang muốn khôi phục lại các mối quan hệ với Philippines và Thái Lan vì Trung Quốc đang xâm nhập sâu vào hai quốc gia này trong khi Washington vẫn chưa có mối quan hệ thân thiết.
Thủ tướng Thái Lan và Thủ tướng Singapore đều đã nhận lời mời của TT Trump tới Washington. Trong khi đó, theo truyền thông Philippines, Tổng thống Duterte có thể khước từ lời mời của ông Trump vì đang có kế hoạch tới Nga và Israel. Phần lớn các nhà quan sát đều mong chờ ông Duterte sẽ nhận lời mời của ông Trump nhưng cũng cho rằng ông Duterte có thể sẽ khó nhận lời khi đã nỗ lực theo đuổi việc nối lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Trước đó, hôm 21/4, trong buổi họp báo ở Indonesia, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence xác nhận Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự một loạt hội nghị cấp cao tại châu Á vào tháng 11 tới, trong đó có Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN, được tổ chức tại Philippines – quốc gia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017; cùng với đó là Hội nghị Cấp cao Đông Á cũng được tổ chức tại Philippines – sự kiện hy vọng có sự tham dự của Tổng thống Donald Trump.
Các cuộc gọi của TT Trump tới lãnh đạo các nước trong khu vực Đông Nam Á được các nhà phân tích cho rằng là một khởi đầu tốt, bởi chính các nước này cũng đang theo dõi những hành động tiếp theo của Washington trong các vấn đề thương mại và đầu tư khi mà ông Trump đã rút khỏi TPP.
Đối với các chính sách liên quan đến vấn đề biển Đông, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia đang chờ đợi những “tín hiệu” đầu tiên từ TT Trump trong chuyến thăm sắp tới của các nhà lãnh đạo nước này tới Washington. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm vì đã có những động thái mềm dẻo tại khu vực này khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo và đường băng cho máy bay quân sự.
Các vấn đề nào sẽ được đưa ra trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Washington? Trong chuyến công du tới Đông Nam Á vào tháng 11, TT Donald Trump cũng đã nhận lời tham dự Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Lưu Thủy
Xem thêm:
Từ khóa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng Việt Nam thăm Washington Bộ ngoại giao Mỹ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thủ tưởng thăm Washington Donald Trump Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP