Hoa Kỳ hiện đang trải qua cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử. Dự kiến trong vòng mười năm tới, sẽ có khoảng 80 đến 100 nghìn tỷ đô la Mỹ được chuyển giao từ thế hệ sinh sau Thế chiến II sang cho con cháu của họ. Nhưng một câu hỏi then chốt được đặt ra là: Liệu những người thừa kế đó đã sẵn sàng chưa?

shutterstock 1678210684 scaled
Ngày càng nhiều gia đình suy nghĩ: Làm thế nào chúng ta có thể truyền lại của cải từ thế hệ này sang thế hệ khác? (Shutterstock)

Một nghiên cứu do AMG National thực hiện vào năm 2023 chỉ ra rằng, 90% tài sản sẽ biến mất ở thế hệ thứ ba. Con số đáng báo động này đã khiến ngày càng nhiều gia đình bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc: Làm sao để có thể duy trì và truyền lại tài sản qua nhiều thế hệ?

Chuyên gia tư vấn tài chính kiêm tác giả John Nebeker tin rằng câu trả lời nằm ở việc áp dụng một số chiến lược mà những gia tộc giàu có nhất nước Mỹ đã sử dụng — đó là mô hình “Ngân hàng Gia đình” (Family Bank). Trong cuốn sách của mình mang tên “Ngân hàng Gia đình: Chìa khóa để xây dựng tài sản xuyên thế hệ” (The Family Bank: The Key to Generational Wealth), Nebeker chia sẻ cách các gia tộc như Rockefeller đã áp dụng mô hình này không chỉ để tích lũy của cải, mà còn bồi dưỡng thế hệ kế thừa trở thành những người quản lý tài sản có trách nhiệm, thay vì chỉ là những người thụ hưởng.

Dưới đây là 5 lời khuyên quan trọng mà John Nebeker đưa ra để giúp duy trì sự truyền thừa tài sản qua nhiều thế hệ:

1. Suy nghĩ lại về cách lập kế hoạch thừa kế của bạn

Các hình thức lập kế hoạch di sản truyền thống thường không thực sự đạt được mục tiêu dài hạn. Mặc dù chúng có thể giúp bảo vệ tài sản khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, nhưng lại hiếm khi tính đến những rủi ro đến từ bên trong gia đình — như quản lý tài sản yếu kém, tranh chấp quyền thừa kế, hay mâu thuẫn nội bộ.

Ông Nebeker nhấn mạnh: “Cách lập kế hoạch truyền thống rất khó để thực sự thực hiện được tâm nguyện của người đi trước. Những người thừa kế không có ý thức dễ dàng tiêu xài hết gia sản chỉ trong thời gian ngắn”.

Tuy nhiên, nếu bạn đã có kế hoạch thừa kế, cũng không cần quá lo lắng — mọi thứ đều có thể điều chỉnh. Bạn có thể cùng luật sư di sản hoặc cố vấn tài chính xem xét lại và cập nhật kế hoạch, sao cho phù hợp hơn với mục tiêu truyền thừa tài sản lâu dài của gia đình.

2. Dùng “cơ hội” thay cho “quyền thừa kế” thông qua mô hình Ngân hàng Gia đình

“Ngân hàng Gia đình” là một cấu trúc phi truyền thống, giúp gia tộc phát triển bền vững và tăng trưởng tài sản, đồng thời hỗ trợ thế hệ sau một cách có điều kiện. Thay vì trao tài sản một cách trực tiếp, gia đình sẽ cung cấp các khoản vay có điều kiện cho người thừa kế — để phục vụ cho các mục tiêu như học tập, khởi nghiệp hoặc mua nhà.

Ông Nebeker nhấn mạnh: “Gia đình sử dụng hình thức cho vay thay vì cho tặng, và lấy cơ hội thay thế quyền thừa kế”.

Nhiều gia đình thành công đã sử dụng quỹ tín thác (trust) để vận hành Ngân hàng Gia đình. Các quỹ tín thác này không chỉ giúp giảm thiểu thuế thừa kế, mà còn đảm bảo tính pháp lý và duy trì quyền kiểm soát tài chính qua nhiều thế hệ trong gia đình.

3. Thẳng thắn nói về tiền bạc — điều này thật sự rất quan trọng

Rất nhiều bậc cha mẹ tránh đề cập đến kế hoạch tài sản hoặc thừa kế với con cái, nhưng việc giữ bí mật về tài chính thường mang lại nhiều bất lợi hơn là lợi ích.

Ông Nebeker chia sẻ: “Tiền bạc có thể gây chia rẽ, nhưng nếu được xử lý đúng cách, nó cũng có thể là chất keo gắn kết các thành viên lại với nhau. Nếu được lập kế hoạch hợp lý, tiền bạc hoàn toàn có thể — và thậm chí có khả năng rất cao — trở thành sức mạnh kết nối gia đình”.

Bạn có thể bắt đầu từ việc chia sẻ các mục tiêu và kỳ vọng, mời các thành viên gia đình tham gia thảo luận, để họ hiểu rõ kế hoạch tổng thể và những giá trị cốt lõi mà gia đình đang theo đuổi.

4. Chọn đúng người để quản lý Ngân hàng Gia đình

Ngân hàng Gia đình thường có một “hội đồng quản trị” hoặc một nhóm người được ủy thác, chịu trách nhiệm giám sát tài sản và đưa ra các quyết định về cho vay, đầu tư. Thành viên trong nhóm này thường là người trong gia đình, nhưng cũng có thể bao gồm các cố vấn bên ngoài.

Ông Nebeker nhấn mạnh: “Việc lựa chọn người được ủy thác có thể là yếu tố then chốt quyết định sự thành công hay thất bại của Ngân hàng Gia đình. Họ cần là những người có khả năng quản lý tài sản, duy trì mối liên kết với gia đình, và luôn kiên định với các giá trị cốt lõi từ khi mô hình được thành lập”.

Việc tổ chức họp hội đồng định kỳ và duy trì giao tiếp minh bạch sẽ giúp cho hệ thống này vận hành hiệu quả và bền vững.

5. Đầu tư vào giáo dục tài chính cho thế hệ tiếp theo

Việc truyền thừa tài sản không chỉ cần tiền bạc, mà còn cần kiến thức. Mô hình Ngân hàng Gia đình đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng khả năng tài chính và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ kế thừa.

Ông Nebeker nói: “Đào tạo các thành viên trẻ là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của hội đồng quản trị. Khi họ tự mình trải nghiệm việc vay vốn, đầu tư và gánh vác trách nhiệm, họ sẽ có nhiều khả năng thành công hơn.”

Một Ngân hàng Gia đình được quản lý tốt không chỉ giúp người thừa kế gia tăng tài sản, mà còn tạo điều kiện để họ đóng góp cho xã hội và duy trì những giá trị cốt lõi của gia đình.

Kết luận: Bạn hoàn toàn có thể truyền lại tài sản qua nhiều thế hệ

Việc truyền thừa tài sản qua các thế hệ không chỉ đơn thuần là chuyển giao tiền bạc, mà còn là sự kế thừa về tầm nhìn, giá trị sống và tinh thần trách nhiệm. Thông qua những chiến lược đúng đắn, tài sản bạn để lại có thể trở thành nguồn phúc lợi cho con cháu, chứ không phải gánh nặng.

Ông Nebeker nhấn mạnh: “Cốt lõi của Ngân hàng Gia đình là tạo ra cơ hội, chứ không phải nuôi dưỡng đặc quyền. Đây chính là chìa khóa để tài sản có thể được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ”.

Lý Ngọc theo NTDTV