Nhật Bản siết chặt quy định về sạc dự phòng trên máy bay để tăng cường an toàn
- Lý Ngọc
- •
Trước lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ cháy nổ từ các thiết bị điện tử, đặc biệt là sạc dự phòng (pin sạc di động), Cục Hàng không Dân dụng Nhật Bản (JCAB), trực thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, đã chính thức thông báo siết chặt quy định liên quan đến việc mang theo pin dự phòng trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của Nhật Bản.
Bắt đầu từ ngày 8 tháng 7 năm 2025, hành khách bay cùng các hãng hàng không Nhật Bản như Japan Airlines (JAL), All Nippon Airways (ANA) và các hãng khác thuộc Hiệp hội Hàng không Theo lịch trình (SAA) – gồm 19 hãng – sẽ không được phép cất giữ pin dự phòng trong khoang hành lý trên cao (cabin overhead bin). Thay vào đó, pin dự phòng bắt buộc phải được giữ bên người trong suốt chuyến bay để có thể giám sát liên tục và kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.
Đây là động thái phản ứng trực tiếp trước hàng loạt vụ việc liên quan đến sạc dự phòng bốc khói hoặc phát cháy cả trong và ngoài nước. Gần đây nhất, vào tháng 1 năm 2025, một chuyến bay của hãng Busan Air từ Busan (Hàn Quốc) đến Hồng Kông đã gặp sự cố nghiêm trọng khi một cục sạc dự phòng phát cháy trước khi cất cánh, được cho là do hiện tượng quá nhiệt. Sự việc khiến nhiều hãng hàng không quốc tế phải xem xét lại chính sách sử dụng và mang theo pin dự phòng trên máy bay.
Theo luật Hàng không Dân dụng Nhật Bản, sạc dự phòng đã bị cấm tuyệt đối trong hành lý ký gửi từ trước. Tuy nhiên, để tăng thêm lớp bảo vệ cho hành khách, quy định mới yêu cầu pin sạc phải được giữ trong tầm kiểm soát của hành khách suốt chuyến bay – nghĩa là không được bỏ trong túi hành lý ở trên cao hoặc những nơi khuất tầm nhìn.
Ngoài vị trí cất giữ, luật cũng quy định cụ thể về giới hạn công suất của sạc dự phòng. Cụ thể:
Pin dự phòng có công suất dưới 100Wh được phép mang theo mà không cần xin phép.
Pin từ 100Wh đến dưới 160Wh được phép mang lên máy bay, tối đa 2 cục, nhưng hành khách có thể phải xin phép trước với hãng hàng không.
Pin sạc dự phòng có công suất từ 160Wh trở lên bị cấm hoàn toàn trên các chuyến bay dân dụng.
Ngoài ra, hành khách được khuyến cáo không sử dụng sạc dự phòng khi không cần thiết, và nếu đang sạc thiết bị trong chuyến bay, cần phải thường xuyên kiểm tra tình trạng nhiệt độ, mùi lạ hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ thiết bị.
Trong năm vừa qua, JCAB đã ghi nhận nhiều sự cố pin dự phòng bốc khói, quá nóng hoặc phồng lên trên các tuyến bay nội địa Nhật Bản. May mắn là nhờ thiết bị được đặt ở vị trí dễ quan sát, các vụ việc đều được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng, không ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay.
Đại diện JCAB cho biết quy định mới là kết quả hợp tác giữa cơ quan chức năng và Hiệp hội Hàng không Theo lịch trình (SAA) – tổ chức quy tụ các hãng bay hàng đầu Nhật Bản – nhằm ngăn chặn các sự cố tiềm tàng từ sạc dự phòng, trong bối cảnh số lượng hành khách sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân ngày càng tăng.
Đối với các chuyến bay của hãng nước ngoài, hành khách cần tuân thủ quy định riêng của từng hãng, tuy nhiên việc mang pin sạc di động trong hành lý ký gửi bị cấm trên hầu hết các chuyến bay quốc tế.
Lý Ngọc
Từ khóa máy bay pin dự phòng
