5 tư duy bố trí không gian sống của những người thành công
- Trúc Nhi
- •
Không gian sống không chỉ là nơi để ở mà còn phản ánh gu thẩm mỹ, phong cách và giá trị của chủ nhân. Những người thiết kế nhà thành công không chỉ tạo ra không gian đẹp mắt mà còn tối ưu hóa công năng, mang đến sự cân bằng giữa tiện nghi và cảm xúc. Hãy cùng khám phá những bí quyết bố trí không gian độc đáo và hiệu quả từ những chuyên gia hàng đầu, giúp biến ngôi nhà thành tổ ấm hoàn hảo và tràn đầy cảm hứng sống.
Tôi đã đến thăm nhà của nhiều người thành đạt và chợt nhận ra điều tạo nên sự khác biệt của họ. Có những ngôi nhà tràn ngập đồ trang trí lộng lẫy, bắt mắt, trong khi một số khác lại toát lên vẻ đẹp giản dị, tinh tế. Nhiều người duy trì thói quen dọn dẹp thường xuyên và thậm chí mời cả chuyên gia đến hỗ trợ khi cần thiết.
Từ những trải nghiệm và quan sát thực tế, tôi nhận thấy rằng những người thành công thường có năm điểm chung trong cách họ quản lý và bố trí không gian sống.
1. Chú trọng đến việc tổ chức và phân loại một cách có hệ thống
Khi các vật dụng trong nhà được sắp xếp và phân loại hợp lý, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những thứ cần thiết, đồng thời tận dụng không gian một cách tối ưu, giúp ngôi nhà trở nên gọn gàng và thoải mái hơn.
Họ hiểu rõ rằng sự bừa bộn trong việc sắp xếp đồ đạc không chỉ gây lãng phí thời gian và năng lượng, mà còn làm giảm hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Chỉ khi sống trong một không gian gọn gàng, ngăn nắp, họ mới có thể duy trì sự tập trung và năng suất.
Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, là một ví dụ tiêu biểu cho lối sống này. Việc ông duy trì một môi trường gia đình ngăn nắp có thể gắn liền với khả năng tổ chức – yếu tố then chốt giúp ông điều hành thành công một công ty toàn cầu như Amazon.
2. Theo đuổi sự đơn giản
Những người giàu có và thành đạt thường cố gắng loại bỏ những vật dụng không cần thiết, chỉ giữ lại những món đồ thực sự quan trọng. Giá trị của “ngôi nhà” đối với họ không nằm ở số lượng đồ vật mà ở sự gọn gàng, ngăn nắp và không gian thoáng đãng.
Việc theo đuổi sự đơn giản không chỉ giúp họ hạn chế lãng phí, giảm tiêu thụ vật chất không cần thiết mà còn tạo ra một môi trường yên bình, nuôi dưỡng tinh thần ngay trong chính ngôi nhà của mình.
3. Chú trọng đến việc sử dụng không gian hiệu quả
Dù ngôi nhà có diện tích lớn hay nhỏ, mọi không gian đều có thể được tận dụng một cách hiệu quả. Họ thường xuyên sắp xếp đồ đạc hàng ngày để tránh tích tụ những vật dụng không cần thiết, đồng thời luôn trao đổi với các thành viên trong gia đình về cách sử dụng không gian sao cho hợp lý nhất.
Giống như cách họ chú trọng đến hiệu quả trong công việc, họ cũng nhận thức rõ rằng sự ngăn nắp không chỉ giúp cuộc sống hàng ngày trở nên thuận tiện hơn mà còn mang lại cảm giác thoải mái, tự do trong di chuyển và tăng thêm niềm vui, sự hài lòng trong cuộc sống gia đình.
4. Coi “ngôi nhà” như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Họ thường trưng bày những tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm có giá trị, vừa thể hiện gu thẩm mỹ, vừa là khoản đầu tư. Ngay từ khi bước vào nhà, bạn có thể cảm nhận được triết lý của họ qua cách phối hợp giữa đồ vật và không gian, tạo nên một bầu không khí sang trọng và tinh tế.
Tôi từng thấy một chiếc bình nhỏ, giản đơn nhưng thanh lịch trên bàn làm việc của một gia đình, được đặt rất cẩn thận như một điểm nhấn trang trí. Họ không dùng đồ đạc hay tác phẩm nghệ thuật chỉ để khoe khoang mà thực sự trân trọng giá trị và câu chuyện đằng sau từng món đồ.
Với sự giàu có của mình, họ không mua sắm bừa bãi mà rất thận trọng, chỉ giữ lại những vật dụng thực sự có ý nghĩa. Mỗi món đồ trong nhà đều chứa đựng câu chuyện và giá trị riêng, thể hiện cá tính và quan điểm sống của chủ nhân.
Ví dụ, một giám đốc điều hành đã nghỉ hưu vẫn giữ cẩn thận chiếc bàn làm việc đã đồng hành gần 20 năm sự nghiệp, coi đó như chứng tích cho những quyết định và cảm xúc của mình. Thay vì thay đổi liên tục, ông trân trọng từng vật dụng và dành không gian để tận hưởng chúng.
Mọi thứ trong nhà được sắp xếp khoa học, tránh lộn xộn, tạo nên một tổng thể hài hòa phản ánh giá trị và vẻ đẹp riêng biệt của gia chủ. Đối với họ, nhà không chỉ là nơi sinh sống mà còn là không gian lưu giữ cảm xúc, câu chuyện và mang đến trải nghiệm đặc biệt cho khách đến chơi.
Không gian sống của họ là sự kết hợp giữa sự sang trọng về vật chất và chiều sâu về giá trị tinh thần. Cách sắp xếp và tổ chức không gian góp phần làm cuộc sống ý nghĩa hơn và truyền cảm hứng mỗi ngày.
5. Ánh sáng – yếu tố then chốt tạo nên bầu không khí và lòng tự trọng gia đình
Một điểm quan trọng khác mà tôi nhận thấy trong cách sắp xếp nhà của người giàu là việc tận dụng ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng tự nhiên mang lại sức sống, trong khi ánh sáng nhân tạo được điều chỉnh thông minh để tạo không gian thoải mái và tiết kiệm năng lượng.
Ánh sáng dịu nhẹ giúp tạo bầu không khí yên bình, khiến con người cảm thấy dễ chịu – giống như không gian ấm áp và thân thiện của một quán cà phê. Ngoài ánh sáng, các yếu tố như nhiệt độ, không khí trong lành cũng góp phần tạo nên chất lượng không gian.
Ví dụ, bầu không khí trong nhà Warren Buffett rất ấm áp và thoải mái, phục vụ cho các cuộc tụ họp gia đình và giao tiếp thân mật – một giá trị mà ông đặc biệt coi trọng.
Khi sắp xếp và bài trí ngôi nhà, người giàu thường có một kế hoạch rõ ràng và những giá trị nhất định. Họ cân nhắc nhiều yếu tố trong quá trình tổ chức không gian sống — từ cách sắp xếp và hệ thống hóa, ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên và đèn chiếu sáng, đến bầu không khí hài hòa trong nhà và khả năng giao tiếp — tất cả đều phản ánh những giá trị mà họ theo đuổi.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Epoch Times
Từ khóa không gian sống tối giản
