Bỏ túi 4 bí quyết này để chọn táo ngon ngọt, mọng nước
- Hoa Lài
- •
Áp dụng những mẹo này sẽ không khó để chọn được những quả táo ngon cũng như rửa sạch hoàn toàn lượng thuốc trừ sâu trên vỏ quả táo, vốn là phần chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Tục ngữ có câu: “Mỗi ngày một quả táo, không phải tìm đến bác sĩ”. Nghiên cứu của Y học hiện đại cũng đã phát hiện ra rằng táo có thể phòng ngừa cholesterol, bảo vệ da và tim phổi, đồng thời có tác dụng tuyệt vời trong việc duy trì sức khỏe dài lâu.
Vậy làm thế nào để chọn được những quả táo thơm ngon và mọng nước, hãy cùng tham khảo những bí quyết dưới đây bạn nhé:
Bí quyết chọn táo ngon
Bí quyết 1: Quan sát từ bên ngoài quả táo
Ví dụ như khi chọn táo Phú Sĩ đỏ thì cần quan sát màu sắc và kích thước của đế (lỗ rốn) của táo. Loại táo ngon sẽ có đế rộng và tròn hơn, có màu vàng hoặc cam, lõm và khoét sâu. Để quan sát từ bên ngoài một quả táo có ngon hay không, cần lưu ý những điểm sau:
- Màu sắc: Khi chọn táo, trước tiên bạn cần quan sát màu sắc của táo, nếu là táo Phú Sĩ đỏ, nhìn tổng thể táo có màu đỏ thì hương vị và độ chín của táo cũng sẽ ổn. Đối với táo xanh, bạn nên chọn những quả có màu sắc đồng đều.
- Kích thước: Quả táo lớn hơn không phải lúc nào cũng ngon hơn. Nhìn chung, táo có kích thước vừa phải có vị ngọt và ngon, thời gian bảo quản lâu. Những quả táo có kích thước đối xứng cho thấy sự tiếp xúc với ánh sáng và độ ẩm tương đối đồng đều trong quá trình sinh trưởng. Những quả táo như vậy sẽ có vị ngọt hơn.
- Rốn: Khi chọn cũng cần quan tâm đến phần đế của quả táo, tức là rốn táo, thường thì rốn càng to và sâu thì quả táo càng ngọt. Dân gian tin rằng táo được chia thành vợ và chồng. Những quả táo có rãnh lõm sâu và rộng được gọi là “táo vợ”. Ngược lại, rốn nông và nhọn hơn là “táo chồng”. “Táo vợ” thường ngọt hơn “táo chồng”.
Ngoài ra, theo trang web nông nghiệp của tỉnh Yamagata, quê hương của các loại trái cây Nhật Bản, có một loại táo Phú Sĩ đỏ với phần rốn sâu ở phía dưới, hình tròn, cảm giác như trong suốt dưới ánh sáng và có màu vàng hoặc cam. Những quả táo như vậy có vị ngọt giống mật ong, được gọi là táo mật. Táo mật có sản lượng ít hơn và giá cao hơn. Nếu phía dưới có màu xanh là táo chưa chín và độ ngọt thấp.
- Cuống: Thông thường, phần cuống của quả táo sẽ dày và ngắn, nhưng phần cuống sâu hơn thì quả táo sẽ ngọt hơn. Phần cuống có màu sẫm hoặc vừa mỏng vừa dài, cho thấy rằng quả táo vẫn còn chưa đủ chín.
- Đường vân: Đường vân của quả táo cũng rất quan trọng. Lấy táo Phú Sĩ đỏ làm ví dụ, những quả táo có nhiều hạt và đường vân nhiều hơn thì sẽ chín hơn và có vị ngọt, giòn.
Bí quyết 2: Sờ vào vỏ táo
Các loại táo khác nhau có độ trơn nhẵn cũng khác nhau, khi sờ vào cũng sẽ khác. Ví dụ, khi sờ vào thấy vỏ sần sùi và có nhiều đốm thì hầu hết những quả táo này đều ngon hơn.
Vỏ của một số loại táo có độ bóng rất sáng, sờ tay vào có cảm giác hơi dính, có hiện tượng ra dầu, thực chất đây là thành phần do táo tiết ra để tự bảo vệ khỏi bị khô. Điều này cho thấy táo đã chín và sẵn sàng để ăn.
Bí quyết 3: Ngửi mùi
Những quả táo đã chín sẽ có mùi thơm nhẹ. Nếu mùi thơm quá nồng có thể quả táo đã chín quá. Nếu ăn những trái táo như vậy sẽ cảm giác không tươi ngon lắm.
Bí quyết 4: Kiểm tra trọng lượng
So sánh hai quả táo có cùng kích thước, quả nào nặng hơn thường sẽ có hàm lượng nước cao hơn và hương vị ngon hơn, trong khi quả táo nhẹ hơn có thể mất nhiều nước hơn và có vị không ngon.
Cách để làm cho táo ngọt hơn
Thông thường, quả táo sẽ càng ngọt hơn từ vị trí giữa trở xuống đế và càng gần cuống thì càng ít ngọt. Từ trong ra ngoài thì phần gần vỏ có nhiều đường và ngọt hơn.
Phương pháp bảo quản ảnh hưởng rất nhiều đến mùi vị của táo. Táo được bảo quản đúng cách sẽ có hương vị đậm đà. Vì đường fructose chứa trong táo ở nhiệt độ thấp ngọt hơn ở nhiệt độ phòng. Nên việc bảo quản táo trong tủ lạnh hoặc nơi mát mẻ có thể khiến táo ngọt hơn.
Nhưng táo không ưa khô, do đó cần để ở nhiệt độ thấp, môi trường ẩm ướt, khi bảo quản có thể gói riêng từng quả táo vào giấy báo và cho vào túi ni lông để giữ độ ẩm.
Táo tạo ra khí ethylene và làm tăng tốc độ chín của các loại trái cây khác. Vì vậy trừ khi bạn muốn làm các trái cây khác chín nhanh hơn, nếu không hãy bảo quản táo ở một nơi riêng biệt.
5 cách để làm sạch táo không cần bỏ vỏ
Vì hầu hết các chất dinh dưỡng đặc biệt trong táo đều tập trung ở phần vỏ. Nên điều quan trọng khi ăn táo là ăn càng nhiều vỏ càng tốt. Dưới đây là tổng hợp 5 cách làm sạch vỏ táo:
1. Rửa dưới vòi nước chảy
Nên rửa táo dưới vòi nước chảy, chú ý bụi bẩn ở phần lõm và kẽ hở của cuống táo. Bạn có thể dùng miếng bọt biển hoặc vải mềm để lau nhẹ những phần này.
2. Rửa bằng muối
Đầu tiên là chà xát vỏ táo với một lượng muối thích hợp. Sau đó, rửa sạch bằng nước để tránh lưu lại vị mặn của muối. Phương pháp này có thể làm sạch hiệu quả lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trên táo.
3. Rửa bằng baking soda
Một số loại thuốc trừ sâu còn sót lại có dạng dầu và thường không thể rửa sạch bằng nước. Trong tình huống này, bạn có thể dụng baking soda để loại bỏ đi chất độc hại này.
Cách làm: Cho một lượng baking soda thích hợp vào thau, hòa tan với nước, rồi ngâm táo trong đó 1 phút, sau đó rửa sạch bằng nước.
Cần chú ý không nên ngâm táo lâu trong nước có pha baking soda, nếu không dinh dưỡng của táo sẽ bị mất đi.
4. Rửa bằng nước sôi
Phương pháp này nghe có vẻ kỳ lạ. Nhưng đó là một phương pháp loại bỏ thuốc trừ sâu rất hiệu quả.
Cách làm: Cho táo vào nước sôi sao cho toàn bộ vỏ ngập trong nước, sau 15 giây thì vớt táo ra và rửa sạch dưới vòi nước. Bởi vì thời gian rất ngắn nên sẽ không làm táo bị chín.
5. Rửa bằng chất tẩy rửa thực vật
Bạn có thể sử dụng chất tẩy rửa thực vật chuyên dụng để làm sạch táo. Bạn cần chú ý, phải là loại chất tẩy trung tính, không có chất tẩy trắng, mới có thể được sử dụng để làm sạch táo.
Từ khóa táo Phú Sĩ chọn táo cách rửa táo