Cách ông bố Mỹ giải quyết khi con làm xước xe BMW của người ta
- Thanh Trúc
- •
Gần đây, bài viết của một ông bố người Mỹ đăng trên diễn đàn cộng đồng “Đây mới là nước Mỹ” đã nhận được sự chú ý của rất nhiều cư dân mạng.
Tác giả của bài viết cho biết, anh vừa chuyển khoản số tiền 3.372 đô la cho một người lạ để bồi thường về việc chiếc xe của người này bị thiệt hại và anh cảm thấy rất tự hào vì việc mình làm. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ đối với anh, rằng anh đã học được một bài học quý giá – với tư cách là một người cha.
Anh chia sẻ:
Sự việc xảy ra vào ngày thứ Bảy cuối cùng của mùa thi đấu Netball (thường được gọi là “bóng rổ 2.0” – môn thể thao dành cho phái yếu), khi đó gia đình tôi đi xem trận đấu của con gái Harriet. Trong khi trận đấu đang diễn ra, tôi trò chuyện với một phụ huynh về bóng bầu dục, khi đang nói chuyện vui vẻ thì đột nhiên một phụ huynh khác ngắt lời chúng tôi. Cô ấy rất không hài lòng với việc tôi để cho con trai Freddie (7 tuổi) chơi đùa ở không gian mở của bãi giữ xe. Phải thừa nhận là những lời cô ấy nói, tôi chỉ vừa nghe được phân nửa là đã không để tâm nữa rồi. Đến khi cô ấy nói xong, tôi lại quay sang thảo luận chuyện bóng bầu dục tiếp.
Nhưng một lúc sau lại có người chen vào, lần này là một phụ huynh khác, cô ấy vỗ vai tôi và nói: “Anh Richard, rất xin lỗi đã làm phiền anh, nhưng tốt nhất là anh nên đi ra xem đã xảy ra chuyện gì rồi.”
Tôi đi ra ngoài cùng cô ấy thì thấy con trai Freddie đang cầm một hòn đá trong tay, miệng thì vui vẻ lẩm nhẩm: “Một, hai, ba, bốn vòng tròn, và số 76”. Tôi nhìn theo hướng bàn tay thằng bé thì ôi Chúa ơi! Thế giới xung quanh tôi như thể đột nhiên chững lại, tất cả âm thanh và hình ảnh đều nhòa đi, chỉ còn lại hình ảnh đứa con trai đang vẽ vòng tròn và số lên một chiếc xe BMW màu đen là cực kỳ rõ nét.
Chân tôi nhũn cả ra, như thể sắp khụy gối bên cạnh chiếc xe đó rồi. Tôi cố sức lau lau vết xước trên xe, trong lòng hy vọng có thể lau sạch đi được. Thế nhưng sự thật chứng minh rằng tôi đã quá ngây thơ.
Tôi lập tức định thần lại, sau đó nói với Freddie: “Freddie, chúng ta không được vẽ lên xe đâu”. Tôi không biết một phụ huynh chuẩn mực nên phản ứng ra sao trong trường hợp này, nhưng đây là điều tốt nhất mà tôi có thể làm được. Phản ứng này của tôi cũng xem như là khá bình tĩnh rồi, bởi vì bây giờ chiếc xe BMW màu đen này trông giống như một tấm bảng đen ở trường mẫu giáo vậy…
Tôi đứng bên cạnh chiếc BMW màu đen này, há hốc miệng nghĩ phải đối diện với chủ nhân của chiếc xe ra sao đây.
Tôi đợi khoảng 30 phút sau nhưng không có ai xuất hiện nên tôi đã viết lời nhắn lên một tờ giấy: “Tôi muốn bồi thường thiệt hại cho anh/chị, con trai tôi đã làm xước xe của anh/chị. Tôi vô cùng xin lỗi, xin hãy gọi điện thoại cho tôi…”
Ba ngày sau vẫn không có ai đến tìm tôi cả. Nhưng vào ngày thứ năm, khi đang đi làm thì tôi nhận được một cuộc điện thoại. Người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi một vài câu, anh ấy đã hiểu hết mọi chuyện khi tôi giải thích rằng con trai 7 tuổi của tôi đã làm xước xe của anh ấy, hơn nữa thằng bé còn mắc chứng tự kỷ. Người đàn ông này vô cùng tốt bụng, anh ấy đã đến hỏi giá ở rất nhiều cửa hàng sửa chữa ô tô để đảm bảo rằng tôi không phải trả quá nhiều tiền.
Từ sau đó, chúng tôi trông chừng Freddie kỹ hơn. Nhưng những gì mà chúng tôi học được từ câu chuyện này không chỉ có vậy, mà còn là “Hầu hết mọi người vẫn rất tốt bụng khi đối diện với sự việc như thế này. Chịu trách nhiệm cho hành vi của con trẻ là một việc mang đến cảm giác rất tốt.”
Sau đó, giáo viên của Freddie có nói với tôi rằng thằng bé có sự tiến bộ rất lớn trong việc đếm và viết chữ. Tôi chỉ có thể nói rằng: “Ồ, đúng vậy, gần đây cháu đã luyện tập rất nhiều”.
Khoảng vài tuần sau, khi tôi và con trai Freddie cùng ăn sáng, đột nhiên cháu nhìn tôi và nói: “Bố ơi, chúng ta không được vẽ lên xe!”
“Đúng vậy, chúng ta không được vẽ lên xe đâu nhé!”
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Bài học cuộc sống người Mỹ BMW