Cảm ngộ cuộc đời: Đừng quên cảm xúc ban đầu
- Ngọc Trúc
- •
Lần đầu tiên tôi nghe câu nói “đừng quên cảm xúc ban đầu” là từ một người xuất gia tại một ngôi chùa ở Nhật Bản. Khi đó, tôi không hiểu lắm hàm ý của câu nói này…
Sau này, trên đường đời, tôi dần dần hiểu được rằng rất nhiều việc trong đời cần phải dùng sự bền chí của con người để hoàn thành, nếu không thể kiên trì bền bỉ thì sẽ khó mà thành công. Khi trong lòng của chúng ta có mong ước, nếu chỉ có nhiệt huyết vài ba phút mà không có sự bền lòng, cuối cùng kết quả chắc chắn là uổng phí thời gian, không làm nên đại sự.
Hãy cẩn thận quan sát những người bạn xung quanh, bạn sẽ vô tình phát hiện ra rằng cuộc đời của rất nhiều người là kết quả mà bản thân họ tưởng tượng ra. Nếu như con người ta có thể tiếp tục thực hiện những nguyện vọng tha thiết trong lòng, tương lai sẽ được sống một cuộc đời như mong muốn.
Cũng có những người phản đối kết luận này, bởi vì khi còn trẻ, họ có rất nhiều mong muốn, nhưng cuối cùng chẳng thể thực hiện được. Ví dụ như trước đây tôi có một người đồng nghiệp từng quyết chí muốn làm một nhạc sĩ, nhưng mong ước này luôn không thực hiện được, đến nay khi đã qua 50 tuổi, anh vẫn là một nhân viên văn phòng bình thường. Tôi từng hỏi anh ấy rằng anh đã từ bỏ mong muốn làm âm nhạc từ bao giờ? Anh ấy cho hay khi thi cấp ba từng nộp đơn vào trường âm nhạc, nhưng sau khi rớt thì đã từ bỏ mong ước này rồi, từ đó hầu như không còn ý nghĩ muốn làm nhạc sĩ nữa.
Hiển nhiên, anh ấy không hề thật sự tiếp tục kiên trì với một mong ước ban đầu, mà đã bỏ cuộc khi gặp phải khó khăn trắc trở. Nếu như sau khi thi rớt vào trường âm nhạc, anh ấy vẫn kiên trì giữ vững niềm tin của mình, biền bỉ học nhạc thì rất có thể cuộc đời của anh ấy đã có một kết quả hoàn toàn khác rồi.
Một người bạn cũ khác hết sức hối hận nói với tôi rằng, khi còn trẻ anh ấy vô cùng thích hội họa, từng mỗi cuối tuần đều lên núi để vẽ tranh, tác phẩm của anh cũng được giáo viên khen ngợi. Tiếc là sau khi tốt nghiệp, để xoay sở với cuộc sống, anh cần kiếm nhiều tiền, nên đã hoàn từ bỏ hứng thú hội họa. Đến nay đã về hưu, không còn phải đi làm nữa, anh ấy mới nhận ra mỗi ngày mình không có việc gì làm. Một ngày kia, anh ấy gặp lại người bạn mà năm đó cùng vẽ tranh, lúc này người bạn ấy đã trở thành họa sỹ có tiếng trong giới hội họa, giá trị tác phẩm rất cao. Làm về hội họa thì không cần nghỉ hưu, mà ngược lại nhờ vào sự nỗ lực đã bỏ ra khi còn trẻ, tích lũy kinh nghiệm cuộc đời dày dặn, cộng với kinh nghiệm vẽ suốt một thời gian dài, đến khi về già sẽ cho thấy khả năng sáng tác xuất sắc hơn. Khi đó anh bạn tôi từng nói: “Nếu như năm đó mà tôi không dễ dàng từ bỏ, nếu tôi tiếp tục kiên trì, nếu tôi chịu khó tìm tòi, nếu như tôi bền lòng và có nghị lực, nếu như mỗi tuần tôi dùng hai giờ để tiếp tục vẽ tranh thì… Ôi!”
Đa phần chúng ta trong xã hội hiện thực đều giống như hai ví dụ trên đây, gặp phải khó khăn trắc trở là sẽ dễ dàng từ bỏ mong ước của mình. Để tiếp tục giữ vững ước mơ không hề đơn giản, một con người bình thường vốn không có ý chí thì đều không thể tiếp tục được. Nhưng thường sau này họ mới hối hận là vì sao xưa khi không cố gắng nỗ lực kiên trì, nhưng dù con người ta có hối hận thế nào thì thời gian cũng không thể quay lại được. Vì vậy – làm người đừng dễ dàng quên đi những cảm xúc ban đầu của mình – đây cũng là lời cổ cũ mà tôi muốn nói với các bạn trẻ nhất.
Trong cuộc sống có rất nhiều người làm việc hoặc lập nghiệp thất bại thường sẽ oán trời oán người hoặc giận bản thân không may mắn, hay than thở người khác không tích cực hỗ trợ. Thế nhưng trên thực tế thì suy nghĩ của bản thân là quan trọng nhất. Nếu như bản thân không đủ bền chí, hoặc cách làm không phù hợp với đạo lý thì sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, “ đừng quên cảm xúc ban đầu” sẽ giúp bạn không lùi bước trước trắc trở, không buông thả trong hoàn cảnh quá dễ dàng, nghiêm túc đi về phía mục tiêu của cuộc đời mình.
Ngọc Trúc (sưu tầm và biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa Câu chuyện cuộc sống Ý nghĩa cuộc sống