Chiếc bình quý được cho là từng được trưng bày ở sảnh cung điện nhà Thanh thời Trung Hoa cổ đại nay lại bị đặt vào một góc bếp trong thời hiện đại ở nước Anh.

Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1980 khi một bác sĩ phẫu thuật ở Anh mua một chiếc bình trang trí với giá vài trăm bảng. Sau này, ông đã tặng nó cho con trai mình.

Người con trai cũng không nhận ra giá trị thực của chiếc bình nên đã đặt nó ở trong bếp. Cho đến một ngày, một chuyên gia đồ cổ đến thăm nhà đã phát hiện ra chiếc bình cổ và tiết lộ về giá trị thực cùng lịch sử của nó thì chủ nhà mới “ngã ngửa”.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Anthony Wu (@anthonywuart) chia sẻ

Chiếc bình cao hơn 2 feet (~61 cm) và được đóng dấu hiệu của thời Càn Long (1736-1795) ở dưới đế. Chiếc bình được làm ra vào thế kỷ 18 bởi các thợ thủ công có tay nghề cao, cộng thêm giá trị lịch sử lâu đời nên chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý từ các nhà đấu giá ở Anh và nước ngoài.

Có thể nói chiếc bình này là một đại diện tiêu biểu cho các sản phẩm sứ dưới thời Càn Long. Chiếc bình được tráng men bằng một kỹ thuật hiếm có và cao siêu. Màu sắc trên thân bình nổi bật với các chi tiết màu vàng, bạc uốn lượn trên nền xanh lam sống động. 

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Dreweatts 1759 (@dreweatts1759) chia sẻ

Chiếc bình này là minh chứng rõ ràng cho kỹ năng và sức sáng tạo vô hạn của những người thợ thủ công làm việc dưới thời Càn Long. Họ đã tự mình khám phá và hoàn thiện kỹ thuật tráng men vô cùng đáng nể để phục vụ cho nhu cầu của Hoàng đế. 

Một chiếc bình như vậy cần nung ít nhất 3 lần trong lò, mỗi lần nó sẽ được phủ một loại men và lớp men khác nhau. Trong lần đầu tiên, bình được phủ màu xanh coban, nung ở nhiệt độ hơn 1200℃. Sau đó, nó được nung ở nhiệt độ thấp hơn cho màu xanh ngọc lam. Cuối cùng, chiếc bình được cho vào một chiếc lò nung đặc biệt chuyên dùng để tráng men để phủ lớp men màu vàng và bạc.

Chiếc bình này có tên là Tianqiuping, có nghĩa là “chiếc bình trên trời”. Với người Trung Quốc thì thiên đường, bầu trời được mô tả như một hình cầu. Đó là lý do tại sao phần thân của chiếc bình được thiết kế như một hình cầu lớn và tròn trịa giống như thiên đường.

Hoàng đế Càn Long cũng có thể mong ước được trường thọ thông qua các chi tiết trang trí trên chiếc bình như: chim hạc, lẵng hoa, sáo, quạt, ngọc bích. Những con hạc và dơi bay cũng mang thông điệp về sự trường thọ và thịnh vượng.

Chất lượng đặc biệt, kích thước hoành tráng và sự hiện diện uy nghiêm của chiếc bình này cho thấy nó từng là một tác phẩm được trưng bày ở đại sảnh của cung điện nhà Thanh. 

Chiếc bình được ước tính giá trị khoảng 100.000 – 150.000 bảng Anh và sẽ được đem ra đấu giá trong cuộc đấu giá Gốm sứ và Tác phẩm Nghệ thuật Trung Quốc được tổ chức bởi Dreweatts vào ngày 18 tháng 5.